Những bí mật đằng sau chuyện lì xì Tết cho trẻ nhỏ, hóa ra là ý nghĩa nhân văn này

Lou,
Chia sẻ

Lì xì đầu năm vốn là nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam và nhiều quốc gia ở khu vực châu Á trong dịp Tết Nguyên đán. Thế nhưng không phải ai cũng biết nguồn gốc và ý nghĩa thực sự của phong tục này.

Song hành cùng cây nêu, tràng pháo đỏ, bánh chưng xanh thì lì xì ngày đầu năm mới là một trong những hoạt động không thể thiếu từ nhiều đời nay của người Việt Nam mỗi độ Tết cổ truyền về. Trong văn hóa của dân tộc ta, lì xì dịp đầu năm mới là cách để mọi người mong cầu sự bình yên, hạnh phúc cho những người xung quanh, bên cạnh đó trao nhau những điều may.

Lì xì đầu năm mới ở các quốc gia châu Á

Lì xì vốn không phải là một từ có nguồn gốc từ tiếng Việt mà là phiên âm của từ "lợi thị" trong tiếng Trung, mang nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại cái may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm. Tiền lì xì thường được đặt vào trong một phong bao đỏ để trao nhau. Phong bao là tượng trưng cho sự kín đáo. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm. Ngoài ra, đó cũng được coi là màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng những phong bao này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.

Dù ai nói ngả nói nghiêng, lì xì ngày Tết vẫn là một phong tục đẹp, vì lý do này - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Không giống với nhiều quốc gia châu Á khác, nơi màu đỏ được ưa chuộng trong dịp đầu năm mới, ở Nhật Bản, người ta lại dùng bao lì xì màu trắng có in hoa văn hoặc những hình trang trí ngộ nghĩnh, trên đó còn ghi tên của người nhận. Trong khi đó, người Mã Lai theo đạo Hồi sinh sống ở Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore cũng sớm tiếp nhận tục lệ mừng tuổi người già và trẻ nhỏ trong Tết Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Thay vì dùng phong bao đỏ, họ dùng phong bao xanh lá cây.

Dù ai nói ngả nói nghiêng, lì xì ngày Tết vẫn là một phong tục đẹp, vì lý do này - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Thế giới ngày càng phẳng khiến các nền văn hóa có cơ hội du nhập, dung hòa lẫn nhau, từ đó, phong tục cổ truyền ở nhiều quốc gia được dịp đón thêm những yếu tố mới mẻ. Đơn cử trong câu chuyện này chính là đảo quốc Singapore. Bên cạnh việc dùng tiền mặt có mệnh giá để lì xì, người dân ở quốc gia phát triển và hiện đại bậc nhất châu Á này còn dùng cả voucher, coupon, vé xe tháng, tem, ngân phiếu, tiền xu hay một vé du lịch, phiếu ăn nhà hàng... để cầu chúc cho nhau nhiều may mắn trong dịp đầu năm.

Lì xì ngày đầu năm trong văn hóa của người Việt

Đối với đa phần người Việt Nam từ bao đời nay, Tết là dịp để những người con xa xứ có dịp quay trở về nhà sau một năm dài xa cách. Quanh chiếc bàn ăn, cả nhà quây quần cùng nhau trong không khí hân hoan, chia sẻ những câu chuyện đã qua và những dự định cho năm mới, đồng thời gửi những lời chúc tốt đẹp đến những người thân yêu.

Dù ai nói ngả nói nghiêng, lì xì ngày Tết vẫn là một phong tục đẹp, vì lý do này - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Và trong dịp đó, người lớn cũng sẽ trao cho con trẻ những phong bao may mắn chứa tiền lì xì sau khi nhận được những lời chúc. Ngày xưa, phong tục lì xì thường được diễn ra vỏn vẹn trong ngày đầu năm mới hoặc có chăng là 3 mùng Tết. Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại, nhiều mối quan tâm, bận rộn, nhiều mối quan hệ cần chúc tụng, thăm hỏi nên việc lì xì được dịp kéo dài thêm, có thể đến tận mùng 10. Bên cạnh ý nghĩa mang lại nhiều may mắn, tài lộc, phong bao lì xì còn là cách để người Việt gửi chúc sức khỏe và mong một năm mới an lành, làm ăn tấn tới.

Phong tục lì xì bắt nguồn từ câu chuyện cổ tích

Nguồn gốc của tục lì xì là ở Trung Quốc. Chuyện kể rằng ngày xưa, ở Đông Hải có rất nhiều yêu quái gây hại bá tánh. Ngày thường, chúng sẽ bị thần tiên trấn yểm, tuy nhiên, nhân thời điểm giao thừa khi các vị thần về trời, chúng lại thỏa trí lộng hành, quấy rối trẻ em đang ngủ say. Lũ trẻ giật mình, khóc thét và sốt khiến bố mẹ chúng lo lắng, trông canh mà chẳng thể yên giấc.

Dù ai nói ngả nói nghiêng, lì xì ngày Tết vẫn là một phong tục đẹp, vì lý do này - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

Một lần, 8 vị tiên đi ngang thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng cũng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Không ngờ phép lạ ấy lại thật sự hữu dụng. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó sợ phải bỏ chạy. 

Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền khắp nhân gian. Từ đó, mỗi lần Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để chúc trẻ chóng lớn và khỏe mạnh. Hành động đó chính là lì xì, hay còn gọi là mừng tuổi đầu năm mới.

Dù ai nói ngả nói nghiêng, lì xì ngày Tết vẫn là một phong tục đẹp, vì lý do này - Ảnh 5.

(Ảnh minh họa)

Một câu chuyện nữa được lưu truyền cũng cho rằng tiền lì xì được biến thể từ tục "đặt áp tế tiền" - là những đồng tiền được xâu bằng chỉ đỏ, buộc lại theo hình con rồng hoặc thanh kiếm để ở giường hoặc nôi có thể chống lại tà ma và bảo vệ giấc ngủ cho trẻ nhỏ. Theo thời gian, mọi người để tiền trong những bao giấy màu đỏ và trao cho nhau dịp năm mới. Lâu dần, lì xì đã trở thành phong tục truyền thống gắn liền với ngày đầu xuân.

Qua bao nhiêu năm, đất nước ta dù có ít nhiều thay đổi song nét đẹp văn hóa này vẫn được truyền giữ và là một phần không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của Việt Nam.

Chia sẻ