Tết Đoan Ngọ, nhà nhà sum vầy, cha già trăm tuổi vẫn đi bộ khắp Sài Gòn, bán bánh ú nuôi hai con gái
Ở một góc nhỏ nơi Sài Gòn hoa lệ, khi mọi người hạnh phúc quây quần bên nhau trong mâm cơm ngày Tết Đoan Ngọ, có một cụ ông vẫn lặng lẽ lê từng bước chân khó nhọc, cất tiếng rao bán bánh ú, bánh tét để kiếm thêm chút tiền về lo cho hai đứa con gái tật nguyền.
Người ta thường bảo, người già sẽ được sống hạnh phúc, sum vầy bên con cháu. Nhưng đâu đó trong cuộc đời này, có những cụ già hàng ngày vẫn lầm lũi cho cuộc sống mưu sinh.
Ngồi co ro một chỗ tại góc đường Cây Trâm, có một cụ ông ngót trăm tuổi cất tiếng rao yếu ớt "bánh ú đây, bánh tét đây", đưa ánh mắt dõi nhìn theo dòng người vội vã trên đường và thầm mong một ai đó ghé lại mua giúp cụ vài đòn bánh. Đã xế chiều ngày Tết Đoan Ngọ, hai giỏ bánh của cụ còn nặng trĩu. Cụ chỉ mong hôm nay bán hết sớm để về ăn Tết cùng hai con…
Bất kể trời nắng hay mưa, người cha gần trăm tuổi vẫn lặn lội đi bán từng đòn bánh tét để nuôi 2 con tật nguyền.
Người đàn ông ngót trăm tuổi đầu vẫn lặn lội buôn bán là bởi, sau lưng ông còn nặng gánh hai con tật nguyền. Căn nhà tình thương nằm sâu trong con hẻm đường 21, phường 8, quận Gò Vấp là nơi trú ngụ của ba cha con cụ Nguyễn Văn Chúm. Cụ kể, cụ sinh ra tại Hà Đông nhưng cùng vợ vào Sài Gòn lập nghiệp từ những năm 1954. Chẳng mấy chốc, vợ qua đời, cụ đi bước nữa với một người đàn bà quê Bến Tre, sinh được 3 người con (2 gái, 1 trai). Rồi người vợ thứ hai cũng mất sớm, khi chưa đầy 18 tuổi, đứa con trai duy nhất của cụ cũng ra đi.
Cụ Chúm ngồi lặng lẽ tại một góc đường Cây Trâm.
Niềm an ủi lớn nhất của cuộc đời cụ chính là hai người con gái, nhưng trớ trêu thay, người con lớn bị tâm thần thể trạng nhẹ, không thể lao động được. Người thứ hai, sinh ra đã mang tật câm điếc. Gần như cả cuộc đời mình, cụ gánh gồng buôn bán, xưa là bánh ướt, cháo lòng, khoảng 20 năm nay, cụ gắn bó với từng đòn bánh tét, bánh ú để nuôi hai đứa con tội nghiệp của mình.
Vẻ mặt kham khổ của người cha già 98 tuổi mưu sinh nuôi hai con.
"Có ai muốn con cái mình bệnh tật đâu, có khổ cực đến mấy tôi cũng phải ráng chăm lo cho chúng. Chỉ mong chúng mạnh khỏe là tôi vui lắm rồi", cụ Chúm cho biết.
Cụ Chúm nghẹn ngào: "Sáng nay hai đứa con nói tôi đừng đi bán nữa, nghỉ một ngày để ở nhà ăn Tết cùng chúng mà tôi nào đâu dám. Tôi sợ nếu hôm nay nghỉ bán thì ngày mai lại không có tiền lo cơm nước cho tụi nó. Tiền tích góp bấy lâu tôi phải để dành, lỡ mai này tôi chết đi thì hai đứa con không phải nhịn đói".
Hai tay cụ Chúm xách hai giỏ nặng trĩu để đi bán bánh ú, bánh tét.
Những bước chân khó nhọc trên hành trình mưu sinh.
Đều đặn mỗi ngày, cứ khoảng 5 giờ sáng, cụ lại bắt đầu công việc của mình, cụ đi chợ mua ít rau về cho hai đứa con gái ở nhà tự nấu cơm. Xong xuôi công việc, cụ lại xách giỏ bánh tét của mình đi lang thang để đi bán khắp các con đường tại phường 8, quận Gò Vấp.
Ngóng đợi người mua...
Tiếng rao yếu ớt "bánh ú đây, bánh tét đây" đều đặn được cất lên.
Cụ Chúm sẽ được khoảng gần 100.000 đồng mỗi ngày nếu bán hết hàng.
Do tuổi cao sức yếu, đi được một đoạn cụ lại phải dừng chân nghỉ ngơi. Hôm nào cụ bán hết sớm thì khoảng 17 giờ, trễ thì đến tận 20 giờ. Vất vả là thế nhưng mỗi ngày bán hàng, cụ chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng. Hôm nào bán ế, cụ phải đem bánh về ăn thay cơm.
Nụ cười vui vẻ, lạc quan của cụ Chúm.
Tấm áo rách được vá chằng chịt của người cha già.
Khổ cực là thế, nhưng cụ Chúm chưa bao giờ ngỏ ý xin tiền hay nhận sự giúp đỡ của bất cứ ai. Cụ cho biết lúc trước cũng có rất nhiều người tìm đến giúp đỡ gia đình cụ, nhưng sau đó cụ thường từ chối nhận tiền của mọi người vì cảm thấy cuộc sống của cụ còn tốt hơn rất nhiều người.
Cụ Chúm tâm sự: "Giờ tôi còn sức thì tôi đi bán, tuy có vất vả nhưng cảm thấy rất vui vì đã làm được nghĩa vụ của người cha, lo cho hai đứa con của mình. Chứ mình đâu thể nào ngồi đó chờ sự giúp đỡ của người khác, như vậy thất đức lắm".
Lâu lâu lại có khách ghé mua ủng hộ cụ.
Đôi bàn tay gầy guộc buộc lại dây đòn bánh tét.
Vì tuổi cao, sức yếu, cứ đi được khoảng 5m cụ Chúm lại phải ngồi xuống để nghỉ ngơi. Tiếng rao "bánh ú đây, bánh tét đây" của người cha già cứ thế cất lên đều đặn mỗi ngày giữa Sài Gòn hoa lệ.
Thương cụ tuổi cao, phải khòm lưng kệ nệ giỏ bánh nặng trịch đi bộ hàng cây số mỗi ngày, nhiều người dân sống xung quanh khu vực đường Cây Trâm thường hay mua bánh để ủng hộ cụ. Chị Lan cho biết: "Thấy ông cụ già cả mà thương quá, có hôm tận 8-9h tối mà bánh còn nhiều, mọi người ở đây đều ra mua để ủng hộ cụ".
Bàn tay đầy những nếp nhăn theo năm tháng.
Dù đã chiều tối nhưng hai giỏ bánh của cụ vẫn còn đầy trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Cứ thế, cuộc sống mưu sinh của người cha già lầm lũi trải qua từng ngày.
Có lẽ, niềm hạnh phúc nhất đối với cụ Chúm lúc này là được sống cùng hai đứa con gái cho đến giây phút rời xa cuộc đời. Ngày nào còn sống, cụ lại tiếp tục đi bán bánh dạo vì cụ biết, chỉ có công việc này mới giúp ba cha con cụ có được cơm ngày ba bữa. "Tôi chỉ mong mọi người mua bánh ủng hộ, ngày nào cũng bán hết là tôi vui lắm rồi", cụ Chúm móm mén cho biết.