NGÀY CỦA BỐ:

Hành trình không mệt mỏi suốt 28 năm vì con của người cha già

Hương Thu ,
Chia sẻ

Lấy nhau gần 20 năm mới sinh được người con trai duy nhất thì lại mắc bệnh Down. Không chấp nhận số phận, suốt 28 năm ông Mỹ bỏ hết mọi công việc để dẫn con đi học, trở thành người bình thường để biết chơi đàn, học tiếng anh, làm đồ họa...

chavacon10
Mạc Đăng Mừng (28 tuổi, TP.HCM) vốn là một chàng trai bị bệnh Down bẩm sinh. Dù vậy, chàng trai này lại biết chơi đàn organ, đạt đai nâu võ Aikido, bơi lội, đá banh, có khả năng đọc, hiểu tiếng Anh cơ bản và đã theo học trường Đại học Văn Lang.

chavacon8
Đằng sau những thành tích của Mừng là nỗ lực không biết mệt mỏi của người cha đã tìm mọi cách thay đổi số phận của chàng trai này. Người cha này không đầu hàng số phận, làm điều phi thường để cho Mừng được phát triển bình thường như bao người khác là ông Mạc Văn Mỹ (67 tuổi, ngụ quận 4).

chavacon220
Mừng là đứa con duy nhất của vợ chồng ông Mỹ bà An. Họ cưới nhau vào năm 1970 nhưng phải đến năm 1988 thì sinh đứa con đầu lòng. Quá mừng vui nên họ đặt bé  trai tên Mừng. Thế mà niềm vui khi con trai đầu lòng chào đời chưa được bao lâu thì hai vợ chồng đau đớn phát hiện con bị mắc chứng bệnh down bẩm sinh. 

chavacon4
Cậu bé Mừng ngày ấy 7 tuổi mới chỉ biết lết, 9 tuổi bập bẹ nói và phải đến 12 tuổi mới đi những bước tập tễnh đầu tiên. Nhìn tương lai của con quá chông chênh, không ít lần vợ chồng suy sụp, tuyệt vọng. “Lúc 5 tuổi, Mừng vẫn còn yếu lắm, đặt đâu ngồi đó, đầu thì ngoẹo một bên, mỗi lần cầm muỗng cháo đút cho con mà nước mắt bà nuốt vào trong", bà Đặng Thị An (67 tuổi, mẹ Mừng) chia sẻ. 

chavacon1
Ông Mỹ đã đưa Mừng đi nhiều nơi chữa trị nhưng không có kết quả. "Không muốn con bị người khác chê cười, nên tôi đã tìm phương pháp để dạy cho con biết học Anh văn, học nghề và học nhiều thứ khác để cháu được phát triển tư duy một cách bình thường", ông Mỹ chia sẻ. 

chavacon18
Những ngày đầu tiên cho con đi học ông Mỹ muốn con mình được học đàn để kích thích các dây thần kinh lên não. Nhiều lần ông Mỹ tìm đến các nơi dạy đàn để đăng kí cho con học nhưng đều bị từ chối. Không bỏ cuộc, nhiều tháng liền ông tìm đến phòng dạy đàn ở nhà thờ để học lỏm cách đánh đàn rồi về bàn với vợ gom góp tiền mua đàn về dạy cho con tập đánh đàn. "Khi tìm thầy học đàn cho con bị từ chối, tôi bảo nếu cháu biết đánh đàn thì phải nhận dạy. Thế là họ cho đánh thử, khi con đánh được một đoạn nhạc thì họ tỏ ra rất ngạc nhiên và nhận dạy cháu đến bây giờ”, ông Mừng tâm sự. Giờ đây, Mừng có thể chơi thành thạo đàn Organ.

chavacon6
Để tiện chăm sóc con, bà An phải xin nghỉ việc ở cơ quan. Mỗi đêm trước khi Mừng ngủ, bà đều dành ra một khoảng thời gian nhất định để kể chuyện cổ tích cho con nghe. Ông Mỹ thì luôn sát cánh bên con trong việc học hành.

chavacon17
Mỗi ngày, ông Mỹ đều đặn tập cho con từng bước đi, tập thể dục vận động cơ thể để chân tay Mừng được linh hoạt hơn. Rồi ông Mỹ tiếp tục hướng dẫn con từng phép tính, từng con chữ để Mừng phát triển tư duy. “Hướng dẫn con tập đi đã vất vả, nhưng hướng dẫn con học còn lắm gian truân hơn. Để con trai học thuộc được một chữ, tôi phải mất cả buổi, có khi cả ngày để con nhớ”, Ông Mỹ tâm sự.

chavacon5
Rồi họ quyết định cho Mừng đi học. Nghe tin này, họ hàng nội ngoại phản đối, vì lo Mừng không thể tiếp thu. Suốt mấy năm học, ông Mỹ phải đưa đón con đi học rồi ngồi lại trường để đợi đón con về. Những ngày nghỉ ông dạy cho con trai học thêm Anh văn. Thấy việc học phổ thông quá khó đối với con ông quyết định cho Mừng nghỉ học lớp 9 và tìm trường dạy nghề đồ họa cho Mừng theo học.

chavacon
Cách đây 2 năm, sau khi Mừng hoàn thành chương trình học lớp 9 cho người tàn tật, vợ chồng ông Mỹ quyết định cho con đi học nghề. Hai ông bà xin được cho Mừng học tin học tại trung tâm ở đường Bến Vân Đồn (Quận 4). Chỉ tháng đầu là ông đưa đón con về. Còn sau đó, sáng ông Mỹ chở, trưa Mừng tự đi bộ về. "Từ trung tâm về nhà cũng khá xa nhưng tôi muốn tập cho con tính tự lập. Thi thoảng, tôi chạy xe từ xa để nhìn con đi về", ông Mỹ nghẹn ngào kể.

chavacon2
Sau đó, Mừng tiếp tục theo học Mừng đang theo học lớp Kĩ thuật đồ họa tại Trường Đại học Văn Lang (quận Bình Thạnh). Vì chương trình học khá nặng, nên ông Mỹ xin nhà trường cho phép được dự thính trong lớp học cùng con. Người cha già cần mẫn ghi chép cẩn thận trong mỗi giờ học vi tính, học tiếng Anh chuyên ngành để về nhà giảng lại cho con. Và Mừng hoàn thành khóa học đúng hạn sau nửa năm như bao học viên khác. 

chavacon12
Ngoài khóa học trên ông Mỹ còn cho con mình tham gia rất nhiều khóa học khác như: kỹ năng sống, võ thuật, Anh văn… để Mừng có điều kiện phát triển tốt và tăng tính tư duy hơn.

chavacon11
Từ một người bị bệnh Down, nhờ công sức của ba mẹ mà Mừng đã phát triển bình thường và là học viên xuất sắc trong các lớp học. Cậu còn là võ sư đai nâu võ Aikido, đạt các huy chương về các hoạt động thể thao của thành phố.

chavacon16
Bệnh Down có thể khiến Mừng nói năng không lưu loát, tư duy chậm hơn nhưng sau nhiều năm học tập kết hợp rèn luyện giờ đây Mừng đã phát triển khá bình thường, có thể làm được tất cả mọi sinh hoạt cá nhân, phụ giúp việc nhà... Đó thực sự là một kỳ công của cha mẹ cậu.

chavacon14
Mừng không chỉ biết tự lo liệu cho sinh hoạt cá nhân, mà còn biết quan tâm tới người xung quanh. “Có hôm đi học về thấy mẹ bị ốm, Mừng hỏi han liên tục xem mẹ đau chỗ nào, đã đỡ hơn chưa. Nó luôn biết nghe lời cha mẹ và chăm chỉ học hành, làm việc nhà", bà An nói.

chavacon7
Căn nhà vẫn đang phải trả tiền thuê hàng tháng nên để có thu nhập, ông Mỹ đi dạy thêm tiếng Pháp và sửa các đồ điện gia dụng.

chavacon15
Suốt 28 năm kiên trì vừa làm thầy, làm bạn và làm cha vượt qua bao khó khăn, cuối cùng ông Mỹ cũng giúp con trai duy nhất của mình phát triển như những người bình thường. Khi hỏi về ước mơ, Mừng chỉ mong sẽ học thật giỏi và sớm đi làm phụ giúp cha mẹ.

Chia sẻ