Tập thể dục đều đặn, người phụ nữ sốc khi mắc ung thư ở tuổi 38: Đây là 2 thói quen dẫn lối cho ung thư
Là người chăm chỉ tập thể dục và luôn chọn ăn thực phẩm hữu cơ, người phụ nữ 38 tuổi rất ngỡ ngàng khi được chẩn đoán mắc ung thư.
Jessica White, một người phụ nữ Mỹ, tự nhận mình là người "cuồng sức khỏe". Cô thường xuyên chọn ăn thực phẩm hữu cơ và tập yoga 5 lần/tuần. Ngoài ra, cô cũng hay đi bộ đường dài và dành hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày để nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe tinh thần.
Một ngày, khi thấy ngực nổi cục cứng, cô đã đi khám. Người phụ nữ 38 tuổi đã rất bất ngờ khi nhận tin mình mắc ung thư vú giai đoạn 1.
Sau đó, Jessica đã được phẫu thuật để loại bỏ khối u và hoàn thành 6 đợt hóa trị. Cô chia sẻ: "Hành trình chiến đấu với ung thư thực sự đã khiến tôi nhận ra rằng sức khỏe là điều quan trọng nhất và ung thư sẽ không phải là vấn đề nếu bạn duy trì những điều lành mạnh trong cuộc sống. Ăn thực phẩm hữu cơ không phải là thứ lành mạnh duy nhất. Tập yoga cũng có thể giúp ích cho sức khỏe nhưng cũng không phải là ‘cứu cánh’".
Jessica cho biết thêm, cô không được giải thích nguyên nhân chính xác vì sao mình lại mắc ung thư. Tuy nhiên, cô cho rằng việc thường xuyên uống rượu và gặp căng thẳng kéo dài có thể là gốc rễ của vấn đề.
Mối liên hệ giữa rượu và ung thư vú
Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ rượu và nguy cơ mắc ung thư. Theo đó, lượng rượu tiêu thụ càng nhiều, nguy cơ mắc ung thư vú càng lớn.
Theo thông tin từ tờ Dailymail, sau khi đi vào cơ thể, rượu được phân hủy thành acetaldehyde. Đây là một chất gây ung thư, có thể làm hỏng DNA của tế bào.
Các chuyên gia cảnh báo, những phụ nữ uống 3 ly rượu mỗi tuần có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 15% so với những người không uống chút nào. Một ly ở đây tương đương với 350ml bia, 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu mạnh.
Bên cạnh ung thư vú, tiêu thụ nhiều rượu cũng làm gia tăng ung thư hầu họng, thanh quản, thực quản, gan và đại tràng.
Mối liên hệ giữa căng thẳng và ung thư vú
Căng thẳng cũng có liên quan đến ung thư vú. Đó là vì căng thẳng có thể làm gia tăng tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ đột biến DNA trong tế bào.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng kéo dài có thể gây ra một loạt các thay đổi sinh lý bất lợi trong cơ thể, bao gồm giảm khả năng miễn dịch, làm thay đổi nồng độ hormone và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các tế bào ung thư.
Ví dụ, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention" vào năm 2017 đã chỉ ra mối liên kết giữa căng thẳng và sự gia tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí "Psychosomatic Medicine" vào năm 2010 cho thấy căng thẳng có thể làm giảm các tế bào NK (natural killer). Đây là những tế bào quan trọng của hệ miễn dịch có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư.