"Tận mắt" bữa cơm tam đại đồng đường tại biệt thự sát Hồ Tây của một gia đình Hà Nội gốc, nàng dâu nổi tiếng cực “nghiện” mẹ chồng
Tận mắt chứng kiến bữa cơm của ca sĩ Bảo Trâm Idol cùng gia đình nhà chồng tại một căn biệt thự ở Hồ Tây mới thấy rõ một bữa cơm thực chất không chỉ là bữa ăn đơn thuần…
Hải Linh, chồng ca sĩ Bảo Trâm Idol sinh ra trong một gia đình Hà Nội gốc rất giàu truyền thống, lễ nghĩa. Chẳng thế mà dù hiện tại vợ chồng Bảo Trâm - Hải Linh đã chuyển ra ngoài sống riêng nhưng họ vẫn duy trì thói quen về ăn bữa cơm tam đại đồng đường mà họ đặt tên "mẹ gọi về". Nhìn nếp nhà qua một buổi về nhà ăn cơm mới thấy cô ca sĩ "Chỉ còn những mùa nhớ" đã may mắn thế nào...
Hải Linh kể trong gia đình anh, dù các con đều đã "ra riêng" nhưng vẫn thường duy trì những bữa ăn gia đình đầm ấm. Trừ các ngày lễ Tết giỗ chạp thì cứ khi nào mẹ gọi về nhà ăn cơm, những bữa ấy đều được gọi là "bữa cơm mẹ gọi về". Bữa cơm mẹ gọi về không cố định vào dịp nào nhưng mỗi bữa đều là bữa cơm đoàn viên. Tiện một điều là anh trai của Hải Linh sống cùng bố mẹ, nên chỉ cần gia đình Linh đưa nhau về là cả nhà đông đủ, quây quần.
Bà Trần Thị Tuyết, mẹ của Linh, bày tỏ: "Nhớ con, nhớ cháu là tôi lại gọi con về. Không phải luôn vào cuối tuần vì các con đều bận, có thể giữa tuần hoặc bất cứ lúc nào. Tôi thường nghĩ đến việc ăn món gì từ hôm trước. Hôm sau cả nhà cũng lăng xăng, người làm việc này, người làm việc kia, tiếng trẻ con nhí nhố, bi bô trong nhà thực sự ấm áp. Tôi cũng không cần các con giúp đỡ việc gì đâu nhưng thích con cháu quây quần quanh nhà. Cảm giác hạnh phúc đến mức nhiều khi nhìn các con, cháu ăn mà cũng đã no rồi".
Biết tình cảm của bố mẹ và cũng thực sự hạnh phúc trong không gian thấm đẫm yêu thương của cả đại gia đình như thế nên vợ chồng Linh, Trâm cũng hăng hái với việc về nhà bố mẹ. Dù cả 2 công việc bận rộn, Linh là trưởng phòng marketing 1 công ty về thực phẩm, còn Trâm là ca sĩ, lịch biểu diễn nhiều nhưng cả hai vẫn nhiệt tình về ăn cơm cùng bố mẹ. Có lúc Linh là người bận, đôi lúc lười 1 chút, nhưng Trâm lại là người chủ động "lôi" chồng về nhà để tự nguyện xin "ăn chực", mà chưa cần mẹ gọi đã về.
Bố Linh, ông Nguyễn Duy Hải, gần 60 tuổi, vốn là trưởng họ nhánh Nguyễn Duy đã có truyền thống 11 đời, kể: "Tôi sinh ra trong một gia đình gia giáo, cha mẹ tôi dạy tôi khá nghiêm khắc. Làm việc gì sai có thể bắt phạt quỳ ngay. Nhưng tôi đã từng học ở nước ngoài, tôi kế thừa sự nghiêm khắc của cha mẹ dạy lại nhưng không thái quá. Tôi dạy con mình phải biết thờ cúng tổ tiên, kính trọng người lớn tuổi, giữ chữ Đức là trước nhất, nhưng tôi luôn coi con mình là bạn.
Tôi không can thiệp vào cuộc sống, kinh doanh, tài chính của con cái. Sự kết nối con cái với nhau, cha mẹ với ông bà, ông bà với con cháu hiện tại đang được "trông cậy" cả vào bữa cơm đoàn viên. Khoảng thời gian sinh hoạt vui vẻ trước, trong và sau bữa ăn chính là lúc mọi người trong gia đình có thể chuyện trò, tâm sự vui vẻ. Dù nó không nhiều, nhưng lúc nào có thể, các con cháu cũng về cùng ăn cơm với bố mẹ".
Đấy, gọi là bữa cơm "mẹ gọi về" cho dễ hiểu thôi, chứ thực ra, mẹ là liên lạc viên, còn tâm nguyện của bố chứa trong đó.
Bảo Trâm đang mang bầu 6 tháng, con lớn cũng chưa đầy 2 tuổi cùng những show diễn và hàng tá các công việc khiến cô không khỏi mệt mỏi, stress. Hải Linh cũng thế, áp lực về doanh số và những cuộc họp hành khiến đôi khi ông bố trẻ không thở nổi. Quá nhiều áp lực đôi lúc khiến gia đình nhỏ bị xáo trộn, thế nhưng họ may mắn có được sự hậu thuẫn, yêu thương của gia đình.
Một lời của mẹ: "Các con bận thì cứ mang cháu về đây mẹ trông. Trâm sinh xong về mẹ chăm sóc..." thì mọi mệt mỏi cũng nguôi ngoai phần nào. Hoặc chỉ một tiếng mẹ gọi: "Tối các con về nhà ăn cơm nhé. Nay mẹ nấu bún riêu" thì cũng thôi, quẳng hết lo toan ở lại mà về ăn cơm với mẹ. Anh chị em cười nói với nhau, ăn bát bún riêu ngon, mát mẹ nấu. Cô Trâm làm "quản ca" mà hát hò một bài cho em Kem nhảy, ông bà vỗ tay... thế là không khí chộn rộn cả lên. Rồi sau tất cả lại bắt tay vào chiến đấu với 150% năng lượng, hứng khởi vừa được nạp từ sự đoàn viên, êm ấm từ bữa cơm nhà.
Nhà có 2 nàng dâu nhưng bác Tuyết như "gom" thêm 2 cô con gái. Có nàng dâu nổi tiếng trong nhà, bác cũng không coi "nặng" hay "nhẹ" hơn dâu trưởng. Trâm có bận thì đến sát giờ về nhà ăn cơm cùng là được, miễn là về nhà đừng mang căng thẳng vào nhà, không cần câu nệ mẹ, chị hay ai nấu cơm, không khí vui vẻ là đủ. Có lúc hai vợ chồng có chút hục hặc, mẹ gọi về nhà ăn cơm, thế là lại đâu vào đấy cả.
Sự kết hợp của truyền thống và hiện đại trong ngôi nhà này được thể hiện rõ qua bữa cơm chung. Không mâm cao, cỗ đầy, chỉ cần cùng nhau ăn bữa cơm thường hay bát bún riêu nhưng vui vẻ, đầm ấm là đủ. Những thứ khác về lễ nghĩa đều được bố mẹ giảm nhẹ.
Trong bữa ăn, các cháu lớn rủ bạn bè về nhà làm bánh, làm trà sữa. Cô cháu con ông anh cả trong nhà nhún chân như một cô bán hàng, vui vẻ bảo: "Cô Trâm muốn dùng một ly như bình thường hay bớt đá, bớt đường gì không ạ?". Bảo Trâm tươi cười đáp: "Cho cô một ly trà sữa bình thường, nhiều trân châu hơn một chút nhé cô phục vụ xinh đẹp". Ừ, thế là vui. Bữa cơm đâu chỉ là bữa cơm, còn là bữa cơm mở rộng sang cả trà sữa trân châu có khi hơi ngọt mà ai cũng tấm tắc khen ngon như thế này cơ mà.
Thường mẹ Tuyết vẫn hay gọi gia đình Bảo Trâm - Hải Linh về nhà để "ăn cơm". Nhưng trên hết đây là dịp để cả nhà gặp mặt, sum vầy, nói vài ba câu chuyện nhỏ mà cũng có khi là chuyện lớn bằng những cái vỗ vai, bằng nụ cười.
Thế mới thấy bữa cơm này đâu chỉ là... ăn. Tình cảm anh em thắm thiết, nàng dâu mẹ chồng không còn khoảng cách, bố mẹ con cái thêm yêu thương, chỉ bởi một bữa cơm chung. Lúc này có những thứ tưởng nhỏ mà không hề nhỏ nữa, mà có những chuyện tưởng to cũng nhỏ lại. Bữa cơm là vui vẻ, là ấm áp, là yêu thương, là cả... hàn gắn.
Văn hóa của người Việt luôn coi trọng hai chữ gia đình nên bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên có ý nghĩa sâu sắc trong mỗi người. "Em mời anh, chị hôm nay sang nhà em ăn cơm", "Tối nay các con về nhà ăn cơm", "Hôm nay sinh nhật Kem con mời bố mẹ, anh chị và các cháu sang nhà ăn cơm ạ"... Bữa cơm thành chủ đề cho mọi cuộc hẹn hò, gặp mặt nhưng đằng sau là chữ gia đình, đoàn viên, đoàn kết.
Cuộc sống hối hả và những áp lực của công việc hiện đại khiến anh em trong gia đình đôi lúc cách xa vì những lần gặp gỡ càng ngày càng thưa đi. Nhưng nếu mời nhau tới nhà ăn một bữa cơm thì khoảng cách ấy tự nhiên được kéo gần lại biết bao nhiêu.
Ngày nay, vì địa lý, vì công việc có thể bữa cơm chung trong gia đình trở nên thành một thứ xa xỉ. Nhưng kể cả như thế, thì hãy nhớ trong tâm tưởng về một bữa cơm rộn rã buổi trước. Và hãy dành thời gian gần nhất để về nhà ăn cơm, "ăn" thêm cái tình, thêm sự thương quý để phong ba bão gió ngoài kia luôn dừng sau cánh cửa nơi có những người thân.
Thống kê chỉ ra rằng hơn 50% các gia đình trẻ hiện nay thường xuyên ăn ở ngoài và rất khó để có một bữa cơm gia đình chung. Cuộc sống bận rộn, bữa cơm bên nhau cũng ít dần. Vậy bên cạnh những mâm cơm ngày giỗ, ngày Tết tại sao chúng ta không coi Ngày gia đình Việt Nam 28/6 là ngày để về nhà ăn cơm? Bữa cơm có thể giản dị nhưng là dịp để chúng ta sum họp bên nhau, chia sẻ khoảnh khắc yêu thương ấm áp.