Vì sao giới trẻ dễ dàng ly hôn, nghe thế hệ ông bà nói lý do mà giật mình

Phong Linh Clip: Kingpro,
Chia sẻ

Sự gắn kết hay tan vỡ gia đình đôi khi bắt đầu bằng những thứ rất nhỏ nhặt hàng ngày mà chúng ta không nhận ra, nhưng những người lớn tuổi lại thấy rất rõ.

ava0-NGANG copy

Trong dòng chảy mạnh mẽ mang tên tiến bộ và phát triển, người Việt đang từng bước đặt chân trên con đường hội nhập. Cùng với đó, mọi người lúc nào cũng vội vã, bận rộn và có thời khóa biểu riêng, tiệc tùng sôi nổi đôi khi được ưu tiên hơn gia đình. Trong nhiều gia đình, các thành viên ít khi gặp nhau, những bữa ngồi cùng nhau ăn cơm cũng thưa thớt. Người trẻ thì thấy bình thường, nhưng những người lớn tuổi thì nghĩ gì về bữa cơm gia đình?

Về nhà ăn cơm - Ý nghĩa của bữa cơm gia đình trong mắt người lớn tuổi.

Bỏ rơi bữa cơm chung, đánh mất thời khắc tuyệt vời nhất trong ngày

100% người lớn tuổi trò chuyện với chúng tôi cho rằng những ngày tập trung đông đủ gia đình, đó là khoảnh khắc họ thấy tuyệt vời, sung sướng nhất. Bằng sự từng trải của mình, họ nhấn mạnh, những người trẻ đôi khi chưa thấm thía ý nghĩa của bữa cơm gia đình. Dù sự mong mỏi con cháu về nhà ăn cơm cùng mình đôi khi được bù đắp bằng những niềm vui riêng, dù rất thông cảm cho con cái và thích nghi với việc thiếu vắng cảnh sum vầy, nhưng thẳm sâu trong suy nghĩ của mình, họ khẳng định, ăn cùng nhau là cách nhanh nhất để kết nối các thành viên gia đình.

"Bữa cơm gia đình có đầy đủ mọi người tạo ra gắn kết giữa thế hệ già và thế hệ trẻ. Hiện nay nhiều gia đình có thói quen để ông bà ăn riêng, khác mâm khác bát dù sống cùng nhà. Theo tôi, điều đó không nên. Ngay cả vợ chồng, nếu không có thời gian ăn cơm, chuyện trò cùng nhau cũng sẽ xa cách dần. Tại sao bây giờ nhiều đôi trẻ hay ly dị nhau thế, tôi cho là do không hiểu nhau, một phần do không ăn cơm cùng, không có thời gian để chuyện trò, chia sẻ khó khăn và suy nghĩ với nhau.

Master

Ở nhà tôi, bao giờ cũng phải chờ đủ người mới ăn. Nếu ai đó đi vắng hoặc quá bận để ăn cùng thì đành chịu, nhưng thường là khi dọn mâm ra, đủ người mới bắt đầu dùng bữa. Chờ một chút, đói một chút không sao, quan trọng là không ai phải ăn cơm một mình" - cụ Bùi Văn Đính nhận định.

Còn cụ Đỗ Thị Minh Nguyệt, người đã phải ăn những bữa cơm vắng chồng gần 30 năm nay, cho rằng, khi đã có gia đình phải có gắn kết trong bữa cơm, ít nhất phải ngồi bên nhau trò chuyện tâm tình. 

Master

Nếu không ăn cơm cùng nhau thì tẻ nhạt lắm. Bữa cơm là thời khắc tuyệt vời nhất với tất cả các thành viên, là khi người già hạnh phúc nhìn thấy con cháu, tận hưởng niềm vui, kéo dài tuổi thọ; là khi vợ chồng tâm sự, chăm chút cho sở thích ăn uống của nhau; là lúc bố lắng nghe chuyện của các con trong 1 ngày đi học, mẹ thể hiện tình yêu, tương tác với con...

Mới ở độ tuổi trung niên, nhưng rất trân trọng bữa cơm gia đình nên từ nhiều năm nay, nhà cô Nguyễn Vân Anh vẫn duy trì đều đặn thói quen về nhà ăn cơm cùng nhau đầy đủ ngày 2 bữa, cả trưa và tối, dù tất cả đều đi làm công sở. Cô quan niệm: "Bữa cơm ăn ở nhà một là sạch sẽ đảm bảo vệ sinh, hai là gia đình gắn kết. Ăn ngoài hàng mỗi người một nơi thì chán, không gắn bó, sinh ra nhiều tiêu cực không hay. Ăn cơm ở nhà tuy người nấu nướng vất vả một tí nhưng tình cảm, ấm cúng".

Master

Đó là lý do mà người phụ nữ này tích cực học hỏi rất nhiều món ngon theo tiêu chuẩn nhà hàng, để mỗi cuối tuần hoặc những dịp tập trung đại gia đình, cô lại tổ chức nấu nướng cầu kỳ. Đó cũng là bí quyết riêng giữ lửa gia đình cô, khiến tất cả thành viên đều "nghiện" cơm nhà, đặc biệt là chồng cô, dù làm ở Cầu Giấy nhưng trưa nào cũng về Bạch Mai ăn cơm với vợ. 

Những bữa cơm đoàn viên gia đình thưa thớt dần vì ai cũng bận

Chị Vân Anh hiện đang sống cùng hai con và chồng. Đã nhiều năm nay, do đặc thù công việc, chồng chị ăn cơm ngoài, và chỉ những khi nghỉ phép, nghỉ lễ trong năm, đi du lịch, cả gia đình 4 người mới cùng ăn với nhau.

Chị Vân Anh và các con cảm thấy ổn với chuyện đó và tiêu chuẩn ăn cơm của chị là phải vui vẻ. Dù ăn một mình, ăn ba mẹ con hay đông đủ cả gia đình, chị đều giữ cho mình sự tươi vui, theo nguyên tắc không để cảm xúc tiêu cực lọt vào bữa cơm.

Master

Do đặc thù công việc, gia đình chị Vân Anh đã ăn những bữa cơm vắng bố nhiều năm nay.

Gia đình chị Vân Anh, cách suy nghĩ của chị không phải cá biệt trong thời buổi này, bởi sự bận rộn của cuộc sống hiện đại "xé lẻ" các đại gia đình. Nhiều người lớn tuổi thường phải ăn cơm một mình hoặc cùng bạn đời, còn những dịp tập trung đoàn tụ đủ con cháu dâu rể trở thành "của hiếm", thành những dịp trọng đại.

Như nhà cụ Nguyễn Thị Hòa chẳng hạn, hiện tại chỉ có 2 ông bà sống với nhau. Cụ tâm sự, trước đây hai cụ cũng ở cùng gia đình con trai, mỗi bữa cơm là một buổi nhộn nhịp vì con cháu vui vẻ tíu tít. Đến khi gia đình con trai cụ ra ở riêng, mất một thời gian dài, cụ Hòa thấy buồn và hụt hẫng. 

Sequence 03

Cụ Nguyễn Thị Hòa: Cha mẹ cần thông cảm cho sự bận rộn của con cái.

Nhưng rồi cũng dần quen, họ chờ đợi những ngày giỗ, ngày Tết, những khi "có dịp" để tập trung con cháu gặp nhau. "Cũng phải thông cảm cho các con nếu không tụ tập ăn uống được nhiều, vì ai cũng bận mải với công việc, có mấy ngày lễ ngày phép được nghỉ thì cũng muốn đi du lịch, dành thời gian thư giãn chứ không nhất thiết phải về nhà ăn cơm với bố mẹ".

Tương tự, gia đình cụ Nguyễn Hữu Khanh, bình thường cũng neo người. Nhiều bữa trưa cụ ăn cơm một mình vì vợ sang nhà con gái trông cháu ngoại. "1 năm nhà tôi chỉ tập trung đông đủ 4 - 5 lần, 3 cái giỗ và thêm Tết độc lập hay Tết nguyên đán, hoặc một ngày lễ lạt gì đó. Tụ tập nhiều thực ra cũng hơi phiền, vì con cháu phải bỏ công bỏ việc đến với mình", và cụ cảm thấy vui vừa đủ với nhịp độ vài tháng 1 lần gặp đông đủ con cháu như thế.

Master

Cụ Nguyễn Hữu Khanh

Cũng có những gia đình có nhiều thời gian gặp nhau đông đủ hơn, thường là cuối tuần, cuối tháng. Đó luôn là dịp được người lớn tuổi trong nhà trông đợi nhất, dù vẫn tôn trọng cuộc sống riêng của các con cháu. Đó là chuyện nhà ông Trịnh Đình Thường, dù nhà chật chội, phải bày ra nền đá hoa mới đủ chỗ ngồi mà vẫn thấy vui, hay như cụ Nguyễn Minh Hối, lần nào con cái về tập trung, cụ cũng bị trêu là vui đến mức "nhấp nhổm", nói nhiều, ăn nhiều hơn hẳn ngày thường.

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 là ngày lễ tôn vinh mái ấm gia đình, là ngày mà mọi thành viên trong gia đình thể hiện tình cảm, sự quan tâm đến nhau. Xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có cha mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

Chủ đề ngày Gia đình Việt Nam năm 2019 là "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình".

bannervenhaancom

Chia sẻ