Layer 240

 "Tre già có người chuộng, người già chẳng ai ưa" - bà ngoại tôi vẫn vừa cười vừa nói thế, mỗi lần hai bà cháu có dịp gặp nhau. Và sau câu nửa thở than nửa bông đùa ấy, bà luôn hỏi tôi hôm nay có ở lại ăn cơm không, "chiêu dụ" tôi rằng bà có thể mua món này món kia - những món tủ được tôi đặc biệt yêu thích trong suốt tuổi thơ sống bên bà. Tôi, như thường lệ, từ chối, bởi quá bận, làm gì có thời gian để ăn với bà một bữa cơm không lên lịch trước, chẳng nhân dịp gì.

Layer 263

Bà tôi hiện sống cùng gia đình bác tôi. Mẹ tôi sống ở một thành phố khác, một năm đến thăm bà dăm bảy ngày. Thường ngày, bà ăn cơm một mình trước bữa cả nhà, ăn trong tô, vì tay run, xúc cơm vương vãi. Những ngày có cỗ, đại gia đình tập trung đông đủ cũng vậy, bà một mình một mâm, còn tất cả ngồi ăn ở một phòng khác. Sau mấy đận ốm, bà tôi đã không còn đi đứng, tự chủ việc cá nhân như hồi xưa, cũng kém minh mẫn hẳn, nhưng câu chuyện muôn thuở bà chẳng bao giờ quên, là rủ tôi ở lại nhà bà, cùng ăn một bữa cơm...

Layer 264

Bà tôi có lẽ không phải người già duy nhất trong thành phố này bị "ám ảnh" bởi chuyện ăn cơm, hay nói đúng hơn là đau đáu với nỗi thèm người, thèm được ăn cơm cùng con cháu. Tôi, cũng như phần lớn người đang sống giữa guồng làm việc điên cuồng, ăn chơi bất tận của thời hiện đại, lấy đâu ra nhiều thời gian mà ăn cơm với bà. 

Layer 265

Cái câu người già chẳng ai ưa bà tôi hay nói có thể chỉ là lời giận lẫy, nhưng cũng vẽ ra một bức tranh rất thật: Dường như chúng ta càng lúc càng trở nên xa cách với người già. Những ông bà cha mẹ ở quê, lâu lâu mới được một lần con cháu về thăm hoặc ông bà khăn gói lên thành phố thăm con, còn lại quanh năm suốt tháng là những ngày hiu quạnh đã đành. 

Còn những ông bà ở thành phố, tưởng chừng hạnh phúc hơn vì ở chung nhà con cháu, nhưng thực tế cũng chẳng khá hơn. Ở chung nhà nhưng phòng ai nấy ở, hàng ngày con cháu đi làm, đi học, tối về cơm nước.

Xong bữa cơm, chúng lại đóng kín cửa phòng, mỗi người một thế giới. Có nhà, như tôi biết, mấy thế hệ sống chung, nhưng ăn riêng cho tiện nấu nướng, bởi khẩu vị mỗi người một khác. Đâu cứ xa mặt mới cách lòng, gần ngay đó mà sao cũng xa xôi ghê.

Layer 266

Hãy nhìn vào người lớn tuổi trong gia đình mình, nhìn vào cách họ cứ ngồi đó mà ngắm con cháu ăn và cười mỗi bữa tụ tập, hãy nghe những lời mời về nhà ăn cơm được nhắc đi nhắc lại đến mức bạn phát ngấy, hãy để ý sự cuống quýt của họ khi giục con cháu nấu nhanh lên, ăn món này món kia đi, bạn sẽ thấm thía nỗi cô đơn, sự thèm người của thế hệ già trong thời hiện đại, và hiểu ý nghĩa của chuyện về nhà ăn cơm. 

Layer 267

Layer 268

 Nếu để ý, bạn sẽ thấy người già hiện đại không mấy ai hờn dỗi, mè nheo, trách cứ con cháu. Họ thậm chí còn rất thông cảm, thấu hiểu sự bận rộn của cuộc sống, hiểu những áp lực đè lên vai thế hệ trẻ. Người già hiện đại tự thích nghi, tự vun vén để làm chủ cuộc sống của mình, không làm phiền lụy người khác. 

Bạn sẽ không thấy cha mẹ mình nhờ vả hay yêu cầu con ở cạnh, con thăm hỏi, con bầu bạn chuyện trò… Bạn sẽ thấy ông bà mình tiêu thời gian bằng những niềm vui riêng hoặc những hoạt động đội nhóm, thấy họ rất tự tin trong cuộc sống: Đi bộ buổi sáng, ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, đọc sách, làm vườn... với thái độ ung dung. 

Layer 247

Nhưng có một sự thật khác mà không mấy khi họ thổ lộ, hoặc đã từng nói rồi mà bạn không chú ý, rằng tận trong thâm tâm, họ thèm sự hiện diện của con cháu, người thân biết bao, ít nhất là trong bữa cơm chung - bữa cơm của sự sum vầy.

Layer 248

Ông Hối đỏ mặt "thú nhận": "Bà nhà tôi cứ trêu, hôm nào các con sang đông đủ là y như rằng lại thấy ông nói nhiều, tươi cười hớn hở, ăn cũng nhiều hơn, hàng xóm cứ nhìn mặt ông cũng đủ biết hôm ấy nhà có bao nhiêu người ăn cơm"; dù trước đó, ông khăng khăng rằng, vợ chồng ông không nhất thiết phải bắt con cháu ăn cơm cùng, ai cũng có nếp sinh hoạt, giờ giấc làm việc riêng, không nên để ý soi mói nhau cho cuộc sống nặng nề. 

Mắt ông cũng sáng lên khi khoe nhà ông có những cuộc ganh đua ngầm thú vị của các con, mỗi lần tập trung ăn cơm đại gia đình, họ sẽ chuẩn bị sẵn một món ngon nào đó ở nhà và mang đến góp bữa, cả nhà cùng nhau thưởng thức và bình chọn món nào ngon nhất, thế là đủ hiểu hạnh phúc của cụ ông xấp xỉ 80 này.

Layer 269

Hoặc nếu hỏi niềm vui của bà Nhuận, hiện sống riêng với gia đình các con, bà chẳng ngại trả lời rằng đó là những dịp các cháu "trốn" bố mẹ đến ăn cùng bà, vòi bà nấu món này món khác. Có món siêu đơn giản như cháo trứng, được nghe cháu khẳng định là bà nấu ngon hơn mẹ, thế là đủ khiến bà sung sướng cười tít mắt. 

"Đấy lắm khi các con bận không muốn về cơ, nhưng các cháu thì mê đồ ăn bà nấu lắm. Tôi toàn dỗ chúng nó, thích gì về đây bà chiều tất. Người trẻ nhiều người nghĩ nấu cho lắm gia vị, các món Đông món Tây lạ miệng là ngon, nhưng không đâu, nấu nướng muốn ngon cần nhất là thời gian và sự chú tâm. Mẹ chúng nó bận, nhiều khi vừa nấu vừa xem điện thoại, làm sao ngon bằng món bà nấu được?".

Layer 270

Thời gian và sự chú tâm mà bà Nhuận đề cập đến, có lẽ không chỉ đúng ở chuyện nấu ăn. Người già thèm ăn cơm cùng con cháu, có lẽ không phải vì miếng ăn, mà vì không khí đằng sau đó, vì có cơ hội thưởng thức thời gian bên gia đình, được hít hà cho thỏa cơn thèm người thì nhiều hơn.

Nhiều người bảo với tôi, đó là nỗi cô đơn thầm lặng, ngấm ngầm thấm vào lòng, ngày này qua ngày nọ, tạo thành một mối trầm uất khó lòng giải tỏa, mà họ cũng ngại nói ra vì sợ con cháu nghĩ mình rầy rà. 

Layer 271

Layer 252

Chuyện của bà Nhuận, cụ Hối, hay rất nhiều người già tôi biết… chỉ là những câu chuyện vụn vặt ở xung quanh chúng ta, mà nếu có thời gian ngồi bên hỏi han, người lớn tuổi nào cũng sẵn sàng kể cho bạn nghe. 

Nếu hỏi những người thuộc thế hệ "thèm hơi con cháu" về bữa cơm gia đình, họ sẽ nói với bạn nhiều điều, rằng bữa cơm sum vầy là để giữ lửa gia đình, rằng họ giữ được tình cảm đậm đà bao năm với bạn đời là nhờ chăm chút cái dạ dày của nhau, rằng nguyên tắc vào mâm là phải thế này thế kia… Và có 1 điểm chung mà gần như tất cả người lớn tuổi đều không bao giờ quên, là họ nhắc nhiều đến ngày xưa.

Layer 272

Tôi cứ nghĩ hoài, chẳng hiểu sao những người già xung quanh mình nói nhiều về cái ăn gắn với ngày xưa đến thế, và tự hỏi, đến khi thế hệ chúng tôi - những người gần như không có ký ức về thời bao cấp, câu chuyện chúng tôi sẽ đem ra "tra tấn" con cháu mình là gì, có phải chuyện mớ rau con cá nữa không? 

Layer 273

Câu trả lời là, người già hay nhớ về quá khứ, vì đó là những ngày con cháu chưa bận rộn đến mức khó thu xếp về nhà ăn cơm, vì đó là thời người ta ngồi bên chuyện trò dăm ba câu chuyện trà nước chứ chưa có smartphone, Facebook, là thời con cái chưa "xé lẻ" thành những gia đình riêng… 

Đó là thời bữa cơm dù chẳng đủ đầy nhưng ấm vô cùng bởi tình cảm gia đình. Người già thèm ăn cơm cùng con cháu, đó là bởi trong khoảnh khắc ấy, không gian ấy, bữa cơm chung là sự sẻ chia thân ái, tình cảm mà bất cứ ai cũng mong có, để họ bước ra khỏi thế giới tĩnh lặng thường nhật, thế giới của những câu chuyện cũ muốn kể lại hoài vì sợ mình sẽ quên.

Người già hay nói về ngày xưa, vì ngày ấy dù khổ nhưng con người ta sống đơn giản, và quý miếng ăn, quý thời gian ở bên nhau. Ăn cơm là cùng ngồi nói chuyện, cùng thủ thỉ chuyện nhỏ chuyện to, nên đạm bạc mấy cũng thấy ngon. Giờ thì ăm ắp cá thịt, nhưng vẫn thấy thiếu, vẫn thấy thèm… Đó dường như cũng là cảm nhận chung của rất nhiều người thuộc thế hệ bố mẹ, ông bà chúng ta.

Layer 274

Cuộc sống ngày càng hiện đại, người ta ngày càng bận rộn và đề cao sự riêng tư. Những bữa cơm sum vầy ngày càng thưa vắng, thời gian chất lượng cho bố mẹ, ông bà vì thế cũng thiếu hụt dần. Những câu gọi mời về nhà ăn cơm của bố mẹ, ông bà, đôi khi khiến người ta thấy phiền, vì bận ngập đầu, có chút ít thời gian nghỉ ngơi, người ta còn phải đi spa, cafe tán gẫu, đi du lịch, về nhà ăn cơm có "lạc hậu" quá không, vì đâu ai thiếu ăn thời buổi này? 

Layer 275

Nhưng với người già, bữa cơm sum họp đâu phải chỉ để ăn. Bạn là con gái lấy chồng xa, con dâu ở riêng, những buổi cuối tuần, lễ lạt về nhà, hãy thử khoác tay mẹ ra chợ, bàn luận món này món nọ, về nhà nấu nướng và bày biện, nhân tiện học hỏi kinh nghiệm gia chánh của mẹ, lắng nghe những chuyện vụn vặt mà bình thường mẹ mình đâu biết kể ai nghe, rồi nhìn xem ánh mắt mẹ trong bữa cơm ấy ra sao?

Bạn là con trai cưng, con rể quý, là cháu nội cháu ngoại, đừng ôm điện thoại chơi game trong lúc chờ cơm. Hãy đánh cùng một ván cờ, cùng "ông bô" tưới cây, uống trà tán gẫu, rồi ngắm xem nụ cười ông có khác hơn sự lầm lũi thường ngày không?

Đến khi nếm đủ vị cuộc đời, bạn sẽ thấy, người già có lý phết, rằng về nhà ăn cơm, 4 chữ ấy sẽ là "thần chú nhiệm màu" kết nối gia đình theo một cách rất giản dị, vì còn cùng ăn được một bữa cơm sum vầy, còn khúc khích cười vì những điều vụn vặt, ấy là có phúc rồi!

Layer 276

Trang
Tất Sỹ
Bi
Theo Trí Thức Trẻ