Bất bình của một quý ông vì một năm toàn "Ngày của vợ"

Trần Quang Hà,
Chia sẻ

Phụ nữ cứ tự cho mình như giá vàng, còn đàn ông thì như chỉ số chứng khoán. Một bên kịch trần và một bên kịch sàn. Ấy thế mà còn sinh ra mấy ngày Quốc tế Phụ nữ, Phụ nữ Việt Nam… để hành hạ thêm cánh đàn ông chúng tôi.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 8-3 rồi. Đây là ngày mà phụ nữ trên thế giới được quyền "đè đầu cưỡi cổ" tất cả đàn ông. Nhưng ở nhà tôi, “tuần phụ nữ” đã bắt đầu từ đầu tháng đến giờ. Nữ hoàng vợ nhà tôi đã “lên ngôi” mấy ngày nay.

Tôi xin phép được viết đôi dòng tâm sự này để bày tỏ sự bất bình thay cho cánh đàn ông. Mỗi khi đến gần ngày phụ nữ nào, tôi lại tự hỏi: Tại sao phụ nữ lại có quá nhiều ngày lễ đến vậy? Trong khi đàn ông thì lại chẳng có đến một ngày, 1 giờ hay 1 phút được tôn vinh?

Đáng ra, bên cạnh những ngày của các chị em phải có những “Ngày quốc tế đàn ông”, “Ngày đàn ông Việt Nam” mới công bằng chứ nhỉ? Bởi vì trên thực tế, đàn ông chúng tôi hiện nay mới là những người luôn phải vất vả và phải chịu sự bất bình đẳng trong xã hội. 

Làm thân đàn ông vừa khổ, vừa thiệt. Từ khi sinh ra, đàn ông đã phải thuộc lòng nguyên tắc “phụ nữ là nhất”. Nếu không thì sẽ bị những người thuộc nửa còn lại của thế giới với cái miệng vô cùng lợi hại ghét, khinh, bôi bác chúng tôi không ra gì. Chưa kể, họ còn nghiễm nhiên chuyển đổi giới tính của chúng tôi thành: “Đồ đàn bà!”.

Bất bình của một quý ông vì một năm toàn
Sao phụ nữ lại có quá nhiều ngày lễ đến vậy? Trong khi đàn ông thì lại chẳng có đến một ngày, 1 giờ hay 1 phút được tôn vinh?

Khi người đàn ông trở thành “chồng” của một phụ nữ, sự bất bình đẳng càng thêm sâu sắc. Nghĩa vụ của người chồng nhiều vô kể. Cứ suy ra từ tôi, ngày nào mở mắt ra, tôi cũng thấy choáng ngợp trước một loạt nghĩa vụ từ khi lấy vợ.

Thứ nhất, tôi phải kiếm được nhiều tiền, ít nhất là nhiều hơn vợ. Nếu không làm được, tôi sẽ bị chính vợ và những người xung quanh gán luôn cho biệt danh “Thằng bám váy vợ”.

Thứ hai, hàng tháng, tôi phải nộp tiền vất vả bán mồ hôi nước mắt làm được cho vợ và không được biết những đồng tiền ấy trôi dạt về phương nào. Nếu không nộp, không đưa vợ, tôi bị liệt vào tội ki bo, tội giữ tiền đem cho gái. 

Thứ ba, đi làm về tôi cũng phải biết làm việc nhà đỡ đần vợ. Và những “việc nhà” ấy phải nặng hơn “việc nhà” của vợ. Nếu không làm, tôi mắc tội đàn ông lười nhác, ích kỷ, không ga lăng, không thương vợ.

Thứ tư, tôi phải nghe lời vợ, hỏi ý kiến vợ mọi việc và tuân lệnh vợ. Nếu không nghe, tôi bị vợ quy kết cho tội gia trưởng, độc đoán.
 
Thứ năm, tôi phải nhường vợ, phục vụ vợ vô điều kiện. Vợ dỗi, dù vô lý đến đâu cũng phải dỗ dành. Vợ than thở, dù là nửa đêm cũng phải bật dậy mà nghe. Nếu không, tôi lại bị vợ soi cái tội không yêu vợ, không biết chia sẻ.

Thứ sáu, là đàn ông, tôi không được mắng vợ, đánh vợ, tức giận với vợ, to tiếng với vợ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nếu không, tôi bị gán ngay tội vũ phu, bạo hành gia đình.

Thứ bảy, ra đường hay ở nhà, tôi không được chiêm ngưỡng, ca ngợi và tiếp cận cái đẹp ngoài vợ tôi. Nói chung không được phép thân mật với bất cứ cô nào xinh và trẻ hơn vợ. Nếu không, tôi mắc tội dê già, phản bội…

Còn nhiều lắm những nghĩa vụ mà tôi có liệt kê cả ngày cũng không hết. Từ nhà tôi suy ra, tôi thấy phụ nữ ngày càng lên ngôi và đàn ông ngày càng xuống hạng thảm hại. Phụ nữ cứ tự cho mình như giá vàng, còn đàn ông thì như chỉ số chứng khoán. Một bên kịch trần và một bên kịch sàn. Ấy thế mà còn sinh ra mấy ngày Quốc tế Phụ nữ, Phụ nữ Việt Nam… để hành hạ thêm cánh đàn ông chúng tôi.

Cứ vào những ngày ấy, đàn ông chúng tôi thật thảm hại. Đầu tiên là phải vét sạch những đồng tiền ít ỏi không bị vợ trấn lột để mua quà tặng vợ. Quà phải to, phải đắt nếu không muốn bị chê không đủ lòng thành, không đủ quan tâm. 

Mà nhiều khi muốn mua quà rẻ cũng chẳng được, vì vợ đã chỉ định sẵn rồi. Chẳng hạn như vợ tôi. Mấy ngày hôm nay, bà xã pm tôi liên tục trong giờ làm việc, gửi hàng loạt ảnh các giày cao gót, quần áo, bảo tôi chọn một trong những thứ đó mua tặng vợ. Và dù vợ đã biết trước quà là gì, vẫn phải bắt đem đi gói thật đẹp, thật lộng lẫy kèm với 1 tấm thiệp càng dài càng tốt. Có như thế mới làm vợ vừa lòng.

Ngày phụ nữ, 10 bà vợ thì 9 bà tự cho mình cái quyền bắt chồng đảm đương việc nhà thay vợ một ngày. Có bà còn lạm dụng bắt chồng đảm đương luôn cả tuần. Đó chính là vợ tôi. Cứ đến ngày phụ nữ gì đó, điệp khúc chồng nấu ăn và dọn nhà sẽ kéo dài từ ngày này sang ngày khác. 

Chồng nai lưng ra làm còn vợ nằm ườn hưởng thụ. Mấy ngày liên tục chồng chẳng đi nhậu nhẹt gì, cung cúc nghe lời vợ về nhà nấu ăn, dọn nhà. “Kiếp nạn” 8 - 3 sao mà dài dằng dặc.

Có những ngày lễ trong năm vốn là ngày lễ chung, nhưng vẫn bị biến thành “ngày của vợ”. Chẳng hạn như Tết Nguyên đán và Valentine.

Thường thì trong ngày lễ Tình yêu, tôi đưa mắt nhìn dọc đường chỉ thấy bóng dáng các quý ông, một tay lái xe, tay kia thì cầm hoa hoặc quà. Nào tôi có thấy thấy bóng dáng của một phụ nữ làm việc ấy với bạn trai hay chồng mình đâu.

Chả thế mà vợ tôi cứ vin vào điều hiển nhiên ấy, được thể lộng hành. Ở nhà tôi ngày ấy cũng vậy, chỉ có vợ mới được đòi quà chứ chồng chứ chồng cấm chỉ được đòi vợ. Một là không có quà. Hai là quà sẽ là một bữa ăn vợ vì chồng mà nấu. Thật ra chẳng khác gì ngày thường, chỉ có món ăn được trang trí thêm trái tim phun bằng tương ớt. Ba là quà sẽ là chính vợ, xinh đẹp hơn ngày thường gấp bội nhờ có bộ váy đắt tiền - là quà của tôi.

Ngày Tết Nguyên đán, chồng sẽ phải mừng tuổi vợ, vợ thì còn lâu mới mừng tuổi chồng. Lý do là “Tại anh là ‘anh’, mà ‘anh’ thì phải mừng tuổi cho ‘em’ chứ làm gì có chuyện ‘em’ phải mừng tuổi cho ‘anh’”.

Và nếu hỏi vợ quà, hỏi vợ tiền mừng thì sẽ bị giáo huấn ra trò. Có lần Valentine, tôi làm ra vẻ rầu rĩ hỏi: “Quà của anh đâu?” thì vợ lại nhăn mặt: “Anh là đàn ông cơ mà. Sao lại nhỏ nhen thế?”.

Bất bình của một quý ông vì một năm toàn
Tôi nhận ra chân lý: À, là đàn ông thì không có đặc quyền nhận quà. Mọi đòi hỏi về quà cáp đều được “gán” cho cái mác nhỏ nhen và sẽ bị chuyển đổi giới tính thành “đàn bà”.

Sau khi vợ đến buôn chuyện với chị gái, với mấy cô ở cơ quan thì ngay lập tức khi về tôi bị vợ phủ đầu: “Khiếp, chúng nó bảo chồng chị/em đàn bà thế. Có món quà mà cũng so đo với vợ. Đàn ông phải mạnh mẽ, sao lại thích mấy trò quà cáp ủy mị”.

Từ đó, tôi nhận ra chân lý: À, là đàn ông thì không có đặc quyền nhận quà. Mọi đòi hỏi về quà cáp đều được “gán” cho cái mác nhỏ nhen và sẽ bị chuyển đổi giới tính thành “đàn bà”.

Càng nghĩ tôi mà càng thấy thương thân phận đàn ông. Cái câu “Ba đồng một mớ đàn ông. Mang bỏ vào lồng cho kiến nó tha” thật đúng là chuẩn không cần chỉnh. Đàn ông chúng tôi thiệt thòi quá, bị đàn áp nhiều quá.

Thiết nghĩ cần phải bình chọn ra ngày của các đấng mày râu để tôn vinh những ông chồng. Đến khi nào những người chồng như tôi mới có một ngày được chơi bời xả láng để vợ phục vụ từ A-Z? Đến khi nào những người chồng như tôi được hoan hỉ lên mạng chọn quà cho vợ mua tặng? 

Liệu có quý ông và cả chị em nào ủng hộ tôi làm cuộc cách mạng này không?




Bất bình của một quý ông vì một năm toàn

Chia sẻ