Tâm sự quặn lòng của người mẹ có con trai đầu mất vì bệnh bại não, phải ăn na trừ bữa để dành tiền cho đứa con thứ 2 chữa bệnh tim

Hướng Dương HT,
Chia sẻ

"Khi ấy mẹ mới sinh con được 10 ngày. Vết khâu tầng sinh môn còn chưa lành nhưng sao đau đớn bằng việc mất con, phải không" - người mẹ viết.

Mới đây, đăng tải trên một group đông thành viên, một người mẹ có tên là N.T đã trải lòng tâm sự về nỗi đau mất con khi chị vừa sinh hạ được 10 ngày.

Chị sinh đôi, khi đó con chị mới chỉ vừa được 30 tuần. Mỗi bé sinh ra chỉ nặng hơn 1,3 kg.

Ngày con chào đời cũng là ngày chị đau đớn tột cùng khi nhận được hung tin: Bé lớn bị bại não và bé nhỏ bị tim bẩm sinh. Sau đó là những ngày chị sống trong ám ảnh về sự ra đi của con lớn và chuỗi ngày nhịn ăn để dành tiền chữa bệnh cho con nhỏ.

Tâm sự quặn lòng của người mẹ có con trai đầu mất vì bệnh bại não, phải ăn quả na trừ bữa để dành tiền cho đứa con thứ 2 chữa bệnh tim - Ảnh 1.

Người mẹ tâm sự: "P.A của mẹ.

Ngày mẹ sinh con và em, 2 đứa mới chỉ 30 tuần. 1 đứa nặng 1,3 kg, 1 đứa nặng 1,4 kg.

Con nằm bệnh viện nhi Hải Dương được 10 ngày thì chuyển lên tuyến Trung ương. Ngày đưa con lên, tiên lượng 95% tử vong. Con bị bại não. Em con thì bị bệnh tim bẩm sinh. 2 đứa đều nhiễm trùng máu, viêm phổi, hoại tử ruột. Người con bị phù căng lên như quả bóng bay sắp vỡ. Ngồi xe cấp cứu mẹ chưa bao giờ cảm thấy quãng đường 60km nó dài đến vậy.

Cuối cùng mẹ con mình cũng vượt qua. Đưa con vào phòng cấp cứu, bác sĩ lắc đầu bảo mẹ: "Thôi cho các con vào nằm được ngày nào hay ngày ấy, chứ chỉ số sống của các con không còn nữa".

Lúc ấy, mẹ mới đẻ được 10 ngày. Vết khâu tầng sinh môn còn chưa lành nhưng làm sao đau đớn được bằng các con, phải không?

Con cố gắng được 10 ngày trên đó thì con bỏ mẹ đi. Ngày con đi, mẹ đang ở quê. Bà ngoại không dám gọi cho mẹ. Bà gọi cho bà cô ở nhà bảo mua quần áo cho con rồi mang lên. Con sắp được về. Mọi người đều giấu mẹ.

Sáng thứ 7, một ngày nắng chói chang, 11 giờ trưa bà gọi về cho mẹ, bảo mẹ lên với con. Con sắp được về rồi. Lúc ý mẹ biết mẹ mất P.A thật rồi.

Sấp ngửa ra bắt xe lên, lúc mẹ lên đến nơi là 2 giờ chiều. Bác sĩ bảo mẹ mặc áo vào nhìn con lần cuối. Bác sĩ bảo đáng lẽ con đi lúc đêm hôm qua rồi, nhưng có lẽ còn đợi mẹ nên chưa đi được. Con cứ gắng gượng để chờ mẹ. Lúc mẹ vào, nhịp tim con chậm dần rồi con ra đi mãi mãi. Mẹ không biết phải diễn tả cảm giác ấy như thế nào. Không 1 câu từ nào có thể lột tả được đau đớn ấy.

Nhưng con đi để em lại cho mẹ. Từ hôm P.A của mẹ đi, em con khỏe lên trông thấy. Sau 25 ngày con mất, em con đủ sức khỏe để mổ tim. Sau đó, tự thở được và ra với mẹ. Ghép tim được 40 ngày thì em xuất viện, khi ấy nặng 2,2 kg.

Suốt một tháng em con nằm theo dõi đặc biệt, mẹ không còn nhiều tiền. Hay nói đúng hơn là mẹ không dám tiêu tiền vì sợ em con ra ghép mẹ, mẹ không lo được tiền bỉm sữa. Mẹ đã ăn na con ạ. Cơm ở căng - tin thì 30 nghìn 1 suất nhưng na thì 20 nghìn 1 cân. Và thế là ròng rã vài tuần, sáng mẹ xin cháo từ thiện, trưa và tối ăn na trừ cơm. Nhưng cuối cùng đều qua cả đúng không con?

Tháng 10 em con xuất viện. Lúc đó, Hà Nội không còn nhiều na nữa.

Đến nay cũng qua vài mùa na. Em con cũng đã 4 tuổi, nhưng nỗi đau của mẹ vẫn mãi như vậy, vẫn như mới chỉ ngày hôm qua.

Sáng nay hạ đĩa quả trên bàn thờ con xuống, thấy có quả na mà lòng mẹ nặng trĩu.

Một mùa na mới lại sắp tới... Sắp đến giỗ con... Chàng trai tháng 7 của mẹ".

Tâm sự quặn lòng của người mẹ có con trai đầu mất vì bệnh bại não, phải ăn quả na trừ bữa để dành tiền cho đứa con thứ 2 chữa bệnh tim - Ảnh 2.

Hình ảnh được đính kèm trong bài viết xúc động của người mẹ.

Đọc xong dòng tâm sự của người mẹ, ai cũng cảm thấy xúc động đến rơi nước mắt theo. Quả thực có làm mẹ mới hiểu được nỗi đau đến xé lòng khi mất đi đứa con mình mang nặng đẻ đau.

Nhưng thật may mắn vì số phận đã không quá nhẫn tâm với người mẹ này. Chị vẫn còn một đứa con nữa để an ủi, để lấy đó làm động lực sống cho mình.

Mọi người cảm thấy thương cảm và gửi rất nhiều lời động viên đến chị: "Chúc chị và bé luôn khỏe mạnh, bình an. Cố lên chị nhé. Mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp thôi".

Chia sẻ