Tâm sự của một gái bán hoa tuổi 33

Ngọc Thị D,
Chia sẻ

18 tháng cải tạo tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2, tôi mới chỉ đang đi chưa hết 1/3 quãng đường. Và một ngày trong này, với tôi đang dài như 1 tháng cùng bao nước mắt ân hận hàng đêm.

Tuổi thơ ít học và hôn nhân không tình yêu

Tôi là Ngọc Thị D. Tôi sinh năm 1979 tại một miền quê nghèo khó Phú Thọ. Cuộc sống của gia đình tôi cũng nghèo đói và bần hàn như chính vùng quê tôi sinh ra vậy. Cả nhà tôi, gồm bố mẹ, tôi và 2 em trai đều làm nghề nông, quanh quẩn với mấy sào ruộng nương. Vì thế, cuộc sống vô cùng eo hẹp và khốn khó. Mấy chị em tôi chẳng bao giờ có điều kiện được ăn ngon mặc đẹp, cũng chẳng có cơ hội được học hành đến nơi đến chốn.

Phải cố gắng lắm bố mẹ tôi mới lo đủ cho mấy chị em tôi học đến cấp 2. Sau đó, dù chúng tôi học hành không đến nỗi tệ so với những đứa trẻ hàng xóm khác thì cũng buộc phải nghỉ học giữa chừng. Và tôi, dù đã rất cố gắng theo học nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn, tôi phải giã từ sách vở vào giữa học kỳ 1 năm tôi đang học lớp 6. Ngày đầu nghỉ học, tôi khóc như mưa vì không được cùng chúng bạn cắp sách đến trường mỗi sáng. Nhưng nhìn ánh mắt buồn lòng của mẹ, tôi kìm nén những giọt nước mắt tiếc nuối vào trong.


Tôi sinh năm 1979 tại một miền quê nghèo khó Phú Thọ.

Những ngày tháng sau khi nghỉ học, tôi lầm lũi ở nhà làm ruộng nương cùng bố mẹ. Lúc này tôi được coi là nhân lực chính của gia đình nên bố mẹ cũng xin hoặc nhận thêm ruộng nương để làm. Cuộc sống của gia đình tôi bớt chật vật hơn nhưng dù vậy vẫn rất vất vả và thiếu thốn.

Năm tôi tròn 20 tuổi, bố mẹ ép bắt tôi phải lấy một người đàn ông cùng làng. Anh sinh năm 1976 hơn tôi 3 tuổi. Bố mẹ ép tôi lấy anh là vì trước đây bố tôi và mẹ của anh yêu nhau tha thiết, nhưng vì duyên số không lấy được nhau nên đã giao ước nếu có con gái, trai thì sau này nhất định sẽ gả cho nhau để làm thông gia. 20 tuổi, tôi vẫn là một cô gái chân chất quê mùa, không có chút kiến thức về hôn nhân gia đình. Tôi chấp nhận làm đám cưới với anh (không đăng ký kết hôn) chỉ sau 1,2 ngày anh đến nhà gặp gỡ, đi lại. Và sau đám cưới sắp đặt không tình yêu, tôi có thai ngay. Chồng tôi cũng chỉ ở nhà với vợ hơn 1 tháng sau khi cưới là cũng phải lên đường đi bộ đội 3 năm.

3 năm chồng đi bộ đội xa, với số lần anh về phép chỉ đếm trên đầu ngón tay chưa hết. Tôi ở nhà thui thủi một mình trong suốt thai kỳ, chăm con mọn và làm lụng ruộng nương cùng bố mẹ chồng. Chẳng hiểu sao, dù con dâu một mình ở nhà nhưng mẹ chồng tôi rất ghét và đối xử khá cay nghiệt với tôi từng ly từng tí một. Biết thân biết phận làm dâu nên tôi cũng chưa bao giờ hỗn hào hay cãi lại bố mẹ chồng nửa lời. Ở nhà chồng, chỉ có bố chồng tôi là đối xử tốt với tôi. Nhưng ông cũng mất không lâu vì bệnh ung thư phổi sau ngày tôi sinh em bé.

Sau 3 năm đi nghĩa vụ quân sự trở về nhà, vợ chồng tôi xin mẹ cho ra ăn riêng và cũng được bà đồng ý. Lúc này vợ chồng tôi chuyển về ngôi nhà tuềnh toàng trong một xóm khác ở, tách biệt hẳn với nhà mẹ chồng tôi. Vì nhà quá nghèo lại vất vả, chồng tôi quyết định đi làm ăn xa tận Sơn La. Và thế là, tôi và con gái lại lầm lũi ở nhà chẳng khác gì như những năm chồng đi bộ đội.

Những năm chồng tôi mang tiếng đi làm xa nhưng chưa bao giờ anh gửi một đồng tiền lương nào về đỡ đần cho tôi nuôi con gái. Chưa kể, năm nào anh cũng chỉ về quê đúng 1 lần vào dịp Tết. Vì vợ chồng xa nhau đằng đẵng lại không có điều kiện liên lạc qua điện thoại nên tình cảm vợ chồng dường như đã hết. Cuộc sống của 2 mẹ con tôi ở nhà vô cùng thiếu thốn. Bà nội thì không chăm nom, ỏ ê đến con dâu và cháu nội. Còn bà ngoại thì quá nghèo không thể hỗ trợ gì cho mẹ con tôi được.


Tuổi thơ chật vật và cuộc sống hôn nhân không tình yêu khiến tôi phạm sai lầm khi cả tin nghe theo lời dụ dỗ

Cho đến một ngày, sau hơn 3 năm chồng đi làm xa, anh đột ngột dẫn về một phụ nữ lạ và nói rằng đó là bạn gái của anh. Khi ấy tôi đã rất sốc nhưng vẫn âm thầm chịu đựng. Anh và người phụ nữ ấy cứ một năm về nhà vài lần và mỗi lần về họ ở lại nhà một vài ngày. Họ thản nhiên chung sống như vợ chồng ngay trước mặt mẹ con tôi. Họ vẫn thường hú hí trong chính căn phòng của vợ chồng tôi ngày cưới. Mẹ chồng tôi cũng không hề phản đối gì. Bà thậm chí còn làm đám cưới cho con trai và người phụ nữ ấy bất chấp con trai bà đang có vợ và cháu nội.

Ngày chồng cưới vợ mới, tôi đau khổ chỉ muốn ôm con nhảy xuống sông để tự tử. Nhưng rồi, sau những ngày tháng đau khổ, tôi chợt nhận ra, con gái tôi cần mẹ đến nhường nào, tôi không có quyền cướp đi sự tồn tại của cháu trên cõi đời này. Sau khi cưới, chồng tôi hầu như không quan tâm đến 2 mẹ con tôi nữa. Tôi như một người dưng xa lạ với mẹ chồng, với chồng.

Vì lúc trước 2 vợ chồng lấy nhau mà chưa đăng ký kết hôn nên tôi tự về nhà người ta (dù cũng cưới hỏi đàng hoàng) thì cũng tự trở lại nhà mình. Tôi buồn bã ôm con về nhà bố mẹ đẻ. Gần 3 năm qua, nhà chồng và chồng tôi cũng chẳng hề một lần đến thăm hai mẹ con. Sống trong cùng một làng mà dường như họ đoạn tuyệt hẳn với mẹ con tôi. Tôi không tủi thân về điều này, tôi cũng không trách cứ bố mẹ tôi vì đã sắp đặt cuộc hôn nhân này. Tôi chỉ coi tất cả là số phận buồn tủi của tôi.

Cái giá phải trả cho lầm lỡ tuổi 33

Trở về nhà mẹ đẻ, tôi cùng sống với bố mẹ và em trai út. Cuộc sống lúc này ở nhà bố mẹ đẻ vẫn vô cùng thiếu thốn. Hàng ngày, tôi chăm chỉ làm ruộng nương với bố mẹ và các em để mong có thể nuôi con học hành. Cho đến một ngày trên đường ra ruộng làm, tôi có gặp một chị “lên Hà Nội như cơm bữa”. Chị này cùng làng với tôi. Chị ấy đã tỏ ra rất tốt bụng và nói sẽ giới thiệu tôi xuống thị xã Sơn Tây để rửa cốc chén cho một quán cà phê. Lương hàng tháng mà tôi có thể được trả là 1,5 triệu đồng. Vì nghĩ đi làm xa sẽ có thêm một khoản thu nhập cho gia đình, tôi đành dứt ruột bỏ lại cô con gái nhỏ đang học lớp 5 để khăn gói lên thị xã Sơn Tây làm. Cả nhà tôi đều biết và cũng ủng hộ quyết định này của tôi.


Mỗi sáng thức dậy, tôi đều đếm từng ngày và mong sao 18 tháng cải tạo ở trung tâm này trôi qua thật nhanh.

Gửi gắm con cho bà ngoại chăm, tôi nhanh chóng thu xếp lên thị xã Sơn Tây để nhận việc. Nhưng khi đến đây, tôi mới phát hoảng và ngã ngửa người ra khi biết mình bị lừa lọc. Thực ra, tôi không phải nhận việc rửa cốc chén mà bị chủ quán bắt ra tiếp khách ngay từ hôm đầu xuống. Ban đầu, tôi nhất định không chịu tiếp khách thì ngay lập tức đã bị chủ quán cùng một số nhân viên khác trói và nhốt vào một phòng tối ra sức đánh đập. Cứ thế, 3 ngày liền tôi bị nhốt trong quán không được ăn được uống. Và cuối cùng, tôi đành phải gật đầu nhận lời làm gái bán hoa tiếp khách làng chơi mới được bà chủ thả ra.

Những ngày đầu tiếp khách, đã có lúc tôi muốn chạy trốn. Vài lần trốn, tôi đều nhanh chóng bị bắt trở lại vì tai mắt của bà chủ có ở mọi nơi. Chưa kể, tôi không có một đồng nào trong túi, tôi cũng không quen ai ở đây nên không thể về nhà được. Thế là tôi đành nhắm mắt đưa chân ở lại, chấp nhận làm gái gọi và tiếp đủ mọi thành phần khách làng chơi tại cái thị xã bé nhỏ này. Có những thời điểm, một ngày tôi phải tiếp đến 6-7 khách là chuyện bình thường.

Đúng 3 tháng sau, khi đang tiếp khách ở quán thì tất cả quán chúng tôi bị công an bắt. Sau khi lấy lời khai, tôi đã bị đưa về Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2 (Yên Bài, Ba Vì) để cải tạo. Mỗi ngày tại đây tôi thấy chúng dài hơn cả một tháng. Mỗi sáng thức dậy, tôi đều đếm từng ngày và mong sao 18 tháng cải tạo ở trung tâm này trôi qua thật nhanh.


Tôi phải sống thế nào để bắt đầu một cuộc sống không lầm lỡ?

Hiện tôi mới chỉ qua 4 tháng cải tạo tại đây thôi. Ông bà ngoại cũng biết tôi đã vào Trung tâm này nhưng vì nhà quá nghèo không đủ tiền đi lại nên bố mẹ tôi cũng chưa xuống thăm tôi được. Mỗi tháng 1 lần, theo quy định của Trung tâm, tôi chỉ được gọi điện về nhà nói chuyện trong 2-3 phút. Mỗi lần gọi điện về, nước mắt tôi cứ tuôn rơi vì thương bố mẹ, thương con gái và vì chính hoàn cảnh trớ trêu của mình lúc này.

Nhiều đêm nằm tại đây, dù cả ngày và đêm đã lao động cực nhọc nhưng tôi vẫn không sao ngủ được. Cứ nằm xuống chợp mắt, tôi lại vừa lo vừa sợ khi nghĩ về tương lai. Tôi nhớ con gái tôi, không có tôi bên cạnh chăm lo, con gái tôi sẽ rất tội nghiệp. Ông bà ngoại vẫn giấu con và chỉ bảo tôi đang đi làm ăn xa, không có điều kiện về nhà để con gái đỡ mong mẹ về. Cứ mỗi lần nghĩ đến con, đến bố mẹ vất vả ở nhà, tôi lại quyết tâm cải tạo  thật tốt để có thể trở về nhà đúng kỳ hạn. Nhưng rồi tôi lại chùng lòng xuống. Tôi không biết sau khi trở về nhà, tôi phải đối diện thế nào với những lời khinh miệt của bà con chòm xóm về một người phụ nữ từng là gái bán hoa như tôi? Tôi phải sống thế nào để bắt đầu một cuộc sống không lầm lỡ? Tôi phải làm gì để lo đủ cuộc sống cho con gái nhỏ của tôi?
 
Mọi chia sẻ bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp với chị Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội 2
 
Địa chỉ: Xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Tây

ĐT: 034 969 059 / 0982 307378 - 0913 307378

Chia sẻ