Tâm sự chàng trai nhặt hàng trăm xác thai nhi mỗi ngày: Hầu hết những đứa trẻ bị chối bỏ đều không còn nguyên vẹn, có khi chỉ là một "cục máu", không hơn
Ám ảnh, là thứ đọng lại với mỗi tình nguyện viên sau mỗi lần làm thủ tục khâm liệm cho các bé.
Nguyễn Văn Đ. (25 tuổi, quê ở Nam Định) là một trong những thiện nguyện viên năng nổ từ thời sinh viên, em đã từng thu lượm hàng nghìn xác thai nhi đem về quê mai táng.
Hiện nay, Đ. vẫn đang tích cực tham gia vào một câu lạc bộ tình nguyện, công việc chính của Đ. cùng bạn gái là mỗi đêm thường đi đến các địa điểm phòng khám phá thai, bệnh viện hoặc bãi rác để lượm thai nhi đem về bảo quản, mỗi tháng sẽ đem chôn tập thể một lần.
Làm thiện nguyện như một sứ mệnh
Là đứa con trai trong gia đình Công giáo, từ nhỏ Đ. được học giáo lý nên em hiểu biết về sự thiêng liêng của việc bảo vệ sự sống, chống nạn phá thai. Lúc chưa là sinh viên, Đ. tham gia nhóm bảo vệ sự sống (chuyên đi lượm xác thai nhi đem về chôn cất) của xứ đạo làng quê.
Khi lên Hà Nội theo học một trường cao đẳng dược, Đ. vẫn đam mê công việc thiện nguyện của mình như một sứ mệnh.
Hầu hết những đứa trẻ vô tội bị chối bỏ đều trong tình trạng không còn nguyên vẹn, có khi chỉ là một "cục máu", không hơn
Đ. chia sẻ, làm rồi sẽ quen, như đã thấm vào máu, cứ mỗi chiều muộn là em lên đường rồi "thập thò" ở các phòng khám phá thai, mục đích để tiếp cận với những cặp vợ chồng có ý định chối bỏ "cục máu", khuyên nhủ họ hãy giữ lại để bảo vệ sự sống vì đây là món quà do tạo hóa trao ban.
Trường hợp nào không thể cứu vãn, Đ. tìm mọi cách tiếp cận đem thai nhi đó đưa về bảo quản.
Cùng với đó, Đ. liên hệ với các chủ phòng khám, nhân viên phòng khám và giới thiệu với họ về ý định của mình.
Đ. kể: "Những ngày đầu tiên ở Hà Nội không có bất cứ người nào hiểu được việc làm của em, rất may người bạn gái chung lý tưởng nên chúng em kết hợp lại để duy trì công việc thiện nguyện như một cơ duyên".
Theo Đ., ban đầu các em lượm thai nhi đem về phòng trọ, sinh viên nghèo nên chỉ có chiếc hộp xốp mua đá về bảo quản khoảng 2 ngày, được khoảng 10 cháu thì bắt xe khách đem về nghĩa trang thai nhi ở quê làm thủ tục mai táng.
Về phần gia đình, bố mẹ Đ. rất an tâm để con trai thực hiện việc thiện. Nhưng khi con xa gia đình lên Hà Nội thì gia đình cảm thấy không yên tâm. Đặc biệt những lần xem trên tivi thấy con trai trong các phóng sự, ông bà nhận ra và thấp thỏm không yên. Nhưng ông bà không can ngăn, vì đó là con đường con trai đã chọn.
"Tai nạn nghề nghiệp"
Theo lời Đ., dù lúc đầu chưa có tiền nhưng em cùng bạn gái luôn duy trì công việc thiện nguyện như một thói quen và cái duyên không thể bỏ.
"Bố em là một lương y gia truyền, mỗi khi gửi thuốc cho bệnh nhân quen, ông đều cho em một chút tiền. Khi đó, có thêm kinh phí thì em mua chiếc thùng đựng đá nên bảo quản các cháu được lâu hơn, nếu có tiền thì em đi xe khách về, lúc không có tiền thì đi xe máy về thẳng quê và mai táng cho các cháu", Đ. tâm sự.
Ám ảnh, là thứ đọng lại với mỗi tình nguyện viên sau mỗi lần làm thủ tục khâm liệm cho các bé...
Rồi một hôm, trong lúc lượm thai nhi Đ bị xước tay, không có tiền để tiêm phòng, một thiện nguyện viên thuộc nhóm từ thiện đã nhận lời giúp em có tiền mua thuốc, tiêm phòng. Họ nhận ra cậu sinh viên nghèo có đức tính thật thà và nhiệt tình nên đã bảo trợ cho công việc của Đ. cùng nhóm bạn hoạt động mỗi ngày
"Em cũng về tâm sự với cha xứ về trường hợp này, cha khuyên bảo; hãy coi họ là mối ân nhân, con hãy giữ niềm tin, giữ đức công bằng...", nam thanh niên cho biết, dù bên ngoài xã hội có một số thông tin đồn đoán nhưng em chỉ biết chu toàn công việc của mình.
Ám ảnh và thị phi
Nhiều năm tham gia công việc thiện nguyện, Đ. gặp không ít hoàn cảnh éo le. Cùng với đó cũng là không ít thị phi, những lời dèm pha và cả sự ám ảnh. Nhưng chưa bao giờ ý nghĩ bỏ cuộc lóe lên trong tâm trí Đ..
Đ. kể, hiện nay xuất hiện khá nhiều CLB từ thiện hoạt động công việc nhặt xác thai nhi như em đang làm. Một số người đã từng đặt vấn đề tài trợ cho nhóm của Đ..
"Em không biết họ làm việc thiện vì mục đích gì, sẵn sàng chi phí xăng xe, tiền thuê nhà, nhưng họ so sánh giữa nhóm này và nhóm khác, lại đặt vấn đề mua thai nhi về chôn cất thì không đúng rồi".
Nói xong, Đ. kể về một lần chạm trán, làm cho nhóm khác mất "miếng ăn": "Đêm hôm đó, một người mẹ gọi điện khóc thảm thương sau khi vừa bỏ đứa con đã thành hình người, sau đó có người nhận đưa đi làm thủ tục chôn cất hết 3 triệu đồng, em nói lại rằng, chị để em lo không mất bất cứ khoản nào, thế là em bật dậy đi đón em đó về".
Tại sao lại nhiều người chối bỏ con như vậy, theo Đ., nếu các bà mẹ nhìn thấy cảnh con mình bị bác sĩ "chia ra" thì chắc chắn chẳng ai dám. Nhưng nhiều người họ coi đó là một gánh nặng vì quá khó khăn, cũng có người mẹ hận đứa bé, hoặc nhiều lý do khác.
"Em ám ảnh nhiều bé sắp đến ngày được sinh ra đời nhưng bị bác sĩ 'chia' để lôi ra ngoài. Và, mới đây vụ việc phát hiện tủ lạnh chứa thai nhi của nhóm chúng em, vì công việc nên cảnh sát phải khám nghiệm, nhìn những bé ấy em không thể cầm lòng, thương và sợ", chàng trai kết thúc câu chuyện bằng cái lắc đầu ngán ngẩm, nhưng vẫn không có ý định bỏ cuộc.
(Còn nữa)