Chàng trai trẻ cùng hành trình từ bãi rác tới nghĩa trang lạnh lẽo nhặt hơn 40.000 xác thai nhi, đưa về quê chôn cất

Gia Đoàn,
Chia sẻ

Cuộc hành trình nhặt hơn 40 nghìn thai nhi trong vài năm qua đã khiến chàng sinh viên Nguyễn Trọng Đạo nhiều lần đau xót, rơi nước mắt khi chứng kiến những linh hồn tội nghiệp, những số phận kém may mắn.

Thai nhi bị bỏ vào nhà vệ sinh, thùng rác và những cảnh tượng ám ảnh

Chiều muộn, khi các tuyến đường thủ đô Hà Nội sáng đèn cũng là lúc nhóm thiện nguyện của Nguyễn Trọng Đạo (22 tuổi, quê Nam Định) bắt đầu đi "nhặt xác thai nhi", công việc mà người đời cho là quái gở, kỳ dị đầy ám ảnh.

Đồng hành cùng với Đạo là cô bạn gái Nguyễn Thị Huế, đôi bạn trẻ mỗi tối lại bắt đầu tới những phòng khám tư, bệnh viện trên địa bàn thủ đô để đi nhặt xác thai nhi.

Chàng trai trẻ cùng hành trình từ bãi rác tới nghĩa trang lạnh lẽo nhặt hơn 40 nghìn xác thai nhi: "Có những lần hết tiền đi xe khách, tôi chở các con bằng xe máy về quê chôn cất" - Ảnh 1.

Nhiều năm qua Đạo và bạn gái luôn đồng hành cùng nhau không kể mưa nắng đi tới các phòng khám, bãi rác nhặt xác thai nhi.

"Mọi người phải tận mắt chứng kiến thì mới hiểu hết được công việc chúng tôi đang làm. Nhưng tôi không thể đưa người lạ theo chân bởi đó là "nỗi khổ". Các phòng khám họ phát hiện sẽ không đưa những thai nhi tội nghiệp cho mình về mai táng nữa.

Nếu như mình không được đến đón các con về thì số phận những đứa trẻ tội nghiệp chưa bao giờ nhìn thấy ánh mặt trời lại bị bỏ trong túi nilon rồi vứt ở những bãi rác, cống nước thải…", Đạo chia sẻ.

Chàng trai trẻ cùng hành trình từ bãi rác tới nghĩa trang lạnh lẽo nhặt hơn 40 nghìn xác thai nhi: "Có những lần hết tiền đi xe khách, tôi chở các con bằng xe máy về quê chôn cất" - Ảnh 2.

Công việc đem đến cho Đạo nhiều trăn trở, ám ảnh mỗi lần nhìn thấy những sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi.

Gắn bó với công việc nhặt xác thai nhi từ khi còn học phổ thông, rất nhiều lần công việc này để lại trong chàng trai trẻ những ám ảnh dù cho cậu đã nhặt vô số xác thai nhi.

"Tôi từng chứng kiến cảnh tượng mà có lẽ đến tận sau này vẫn chẳng thể nào nguôi ám ảnh. Lần đó là tại một phòng khám tư nhân ở tỉnh Nam Định nơi tôi sinh sống. Khi tôi có mặt, một thứ gì đó không rõ hình thù vừa bị vứt bỏ hết sức tàn nhẫn vào nhà vệ sinh.

Lại gần kiểm tra thì không phải rác thải y tế cũng chẳng phải những túi đồ cũ. Ôi trời ơi! đó một thai nhi còn đỏ hỏn vừa bị nạo hút. Khi chứng kiến cảnh đó, tôi chỉ biết sững sờ nhìn sinh linh bé nhỏ đó thật đáng thương. Tôi đã tự hỏi nếu các bé đã không được sống thì ít nhất cũng nên có một chỗ an nghỉ đàng hoàng", Đạo nhớ lại.

Chàng trai trẻ cùng hành trình từ bãi rác tới nghĩa trang lạnh lẽo nhặt hơn 40 nghìn xác thai nhi: "Có những lần hết tiền đi xe khách, tôi chở các con bằng xe máy về quê chôn cất" - Ảnh 3.

Những số phận kém may mắn không được đến với cuộc sống này thật may có người mang về chôn cất để không bị nằm lại ở những nơi bẩn thỉu, cô quạnh.

Lần đầu tiên trong đời, cậu cầm trên tay một hài nhi không còn nguyên vẹn, bị cắt ra thành nhiều mảnh, sự thương cảm lấn át tất cả. Lúc đó, trong tâm trí cậu bé học cấp 3 như Đạo chưa từng nghĩ một ngày nào đó phải trải qua cảnh tượng này. 

"Ngay ngày hôm sau, tôi cùng một vài người lớn tuổi trong xóm quyết định xin đưa thai nhi về nhà chôn cất. Thật may vì lúc đó vẫn kịp để cho em một ngôi nhà của riêng mình thay vì bị cuốn theo dòng nước xả nơi nhà vệ sinh đó.

Có chút gì đó vừa ám ảnh vừa trăn trở trước việc nhiều người nhẫn tâm chối bỏ những bé con chưa thành hình thay vì cố gắng cho các em một cơ hội được sống. Chính vì điều đó, tôi đã quyết định làm việc nhặt và chôn xác thai nhi bị vứt ra từ các phòng khám. Cũng từ đây, nhiều người cho tôi là kẻ ngớ ngẩn, kẻ tâm thần này nọ", Đạo tâm sự.

Hết tiền đi xe khách, chở thai nhi bằng xe máy về quê chôn cất

Năm 2016 Đạo bắt đầu hành trình đi dọc khắp các phòng khám ở Nam Định rồi lên tận Hà Nội để tìm kiếm những thai nhi xấu số.

Ngay trong ngày đầu tiên nhập học trên Hà Nội, Đạo đã lang thang khắp các phòng khám sản để tìm hiểu và đặt vấn đề muốn được xin xác thai nhi về chôn cất. Nhiều nơi đồng ý, chủ động gọi điện cho Đạo khi có ca nạo hút thai. 

Chàng trai trẻ cùng hành trình từ bãi rác tới nghĩa trang lạnh lẽo nhặt hơn 40 nghìn xác thai nhi: "Có những lần hết tiền đi xe khách, tôi chở các con bằng xe máy về quê chôn cất" - Ảnh 4.

Những số phận kém may mắn không được đến với cuộc sống này chỉ vì sự kém hiểu biết của những người làm cha, làm mẹ.

Nhưng, nhiều nơi nghi ngờ việc Đạo làm có điều mờ ám nên từ chối, xua đuổi. Đạo phải đợi đến khuya, khi phòng khám đóng cửa, nhân viên về hết mới đến bới tìm các bé trong túi rác vứt lăn lóc bên lề đường.

Không ít người bảo "Mày có bị làm sao không? Hay là tâm thần?", "Mày được người ta trả lương bao nhiêu?",... 

Nghe những câu đó, Đạo im lặng không thanh minh. Trong đầu cậu luôn nghĩ rằng đó không phải là công việc để ai đó trả lương cho mình bởi chẳng ai dại dột đi trả tiền cho kẻ chuyên đi đào bới lại "rác thải".

Chàng trai trẻ cùng hành trình từ bãi rác tới nghĩa trang lạnh lẽo nhặt hơn 40 nghìn xác thai nhi: "Có những lần hết tiền đi xe khách, tôi chở các con bằng xe máy về quê chôn cất" - Ảnh 5.

Những nụ cười cúa một trong số ít những đứa trẻ may mắn được Đạo và nhóm thiện nguyện của mình cứu sống.

Để tránh những lời dị nghị của những người ác ý và không muốn bố mẹ phải lo lắng, Đạo kín tiếng trước những việc mình làm. Mỗi tháng, với số tiền 3 triệu đồng bố mẹ cho để ăn học, Đạo tính toán, chi tiêu tiết kiệm nhất có thể để dành một phần lo cho các bé.

Đạo mua những chiếc thùng xốp giá 15 nghìn ở chợ để đựng xác thai nhi. Vào những ngày tháng 5, tháng 6 nóng nực phải cần đến đá để giữ nhiệt. Đá chảy ra ngấm vào xác thai nhi. Chỉ cần đến ngày thứ  ba, mùi xác đã bốc lên nồng nặc. Đã không ít lần mùi xác thai nhi khiến Đạo bị ngất lịm, khi đó Đạo lại nhanh chóng thu xếp mang các con về quê.

Chàng trai trẻ cùng hành trình từ bãi rác tới nghĩa trang lạnh lẽo nhặt hơn 40 nghìn xác thai nhi: "Có những lần hết tiền đi xe khách, tôi chở các con bằng xe máy về quê chôn cất" - Ảnh 6.

Đạo kể có những hôm không còn tiền đi xe khách về quê, chàng trai trẻ đã đi xe máy chở những thai nhi về quê chôn cất.

"Có những lần hết tiền đi xe khách, tôi đành chở các con bằng xe máy về quê. Vì cũng không muốn nhiều người biết nên đó là cách duy nhất tôi có thể làm. Cứ thế 3 ngày một lần, tôi chở các con bằng xe máy về quê chôn cất, rồi 8h tối lại vòng lên Hà Nội để sáng hôm sau đi học. 

Sau này, nhờ một nhóm tình nguyện tài trợ cho một chiếc tủ lạnh, việc bảo quản xác thai nhi cũng trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Cứ chờ khi đủ số lượng, tôi lại thuê xe chở các con về với đất mẹ", Đạo chia sẻ.

Mở cuốn sổ ghi chép số lượng thai nhi xấu số gom được trong ngày, Đạo cho biết hầu như ngày nào cậu cùng nhóm 4-5 người của mình cũng chia nhau khắp các quận, huyện tại thủ đô thì nhặt được 40-50 thai nhi. Có ngày nhiều lên 60-70 cháu. Tính từ thời điểm bắt đầu ghi nhật ký cuối năm 2016, đến giờ, con số đã lên đến hơn 40 nghìn xác thai nhi được thu nhặt.

"Bao năm qua tôi vẫn chỉ ước có một ngày nào đó đi tìm các bé và về tay không. 

Những hình ảnh các con không còn nguyên vẹn, nhiều bé gần đến ngày sinh vẫn bị chối bỏ khiến không ít lần tôi đã rơi nước mắt. 

Cuộc sống này sẽ nhẹ nhõm, và thanh thản nếu có một ngày không gặp bất kì một sinh linh tội nghiệp nào bị vứt bỏ nữa. Thế nhưng ngoài kia vẫn còn rất nhiều sinh linh vô tội chưa được chôn cất, các con vẫn còn bị lẫn vào bãi rác hay nơi nào đó", Đạo xót xa.

Chàng trai trẻ cùng hành trình từ bãi rác tới nghĩa trang lạnh lẽo nhặt hơn 40 nghìn xác thai nhi: "Có những lần hết tiền đi xe khách, tôi chở các con bằng xe máy về quê chôn cất" - Ảnh 8.

Đạo cùng nhóm thiện nguyện của mình vừa đi nhặt thai nhi về vừa tự tay làm các thủ tục để chôn cất những sinh linh bé nhỏ để các em có một ngôi nhà thay vì những nơi lạnh lẽo.

Phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV vì đi nhặt xác thai nhi

Trong số những lần đi nhặt xác thai nhi, Đạo nhớ nhất những ngày mưa ngập ở Hà Nội. Lội bì bõm trong nước đến các địa điểm quen thuộc, nước ngập đến bụng nhưng điều duy nhất mà Đạo lo lắng là nếu đến trễ, cơ hội nhặt các bé về vuột mất trong tíc tắc, những hình hài, giọt máu sẽ lẫn vào rác, vào nước và tan biến trong đau đớn. 

Thế nên, mưa mấy cũng đi, rét mấy cũng đi, cậu chấp nhận vất vả và hoàn toàn tự nguyện.

"Năm 2017, trong một lần đi nhặt thai nhi khi tôi vừa mở bịch nilon rác tại khu vực gần Bệnh viện Nhi Trung ương trên đường Đê La Thành không may bị kim tiêm đâm vào tay chảy máu. Một thời gian dài sau đó, tôi phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV. Đợt đó nghĩ cũng sợ vì người mình xanh xao, sút cân nhanh chóng nhưng công việc gom các bé thì tôi quyết không bỏ ngày nào.

Đợt đó ngày nào tôi cũng sống trong lo sợ, sợ nhỡ mình làm sao thì khổ người thân. May mắn khi cầm kết quả xét nghiệm không sao tôi mới thở phào nhẹ nhõm", Đạo tâm sự.

Nhớ lại kỷ niệm vào tối 19/11/2019, khi trận bóng đá Việt Nam - Thái Lan đang nảy lửa. Trên chiếc xe máy cà tàng Đạo cùng bạn gái đang rong ruổi trên đường Phùng Hưng (Hà Đông) với công việc thường lệ thì va chạm với một phụ nữ vượt đèn đỏ. 

"Làm công việc này thì tôi đã quen với những chuyện bị dọa nạt, tấn công khi đi gom các bé. Nhưng đau đớn nhất là lần này tôi không bảo vệ được các con. Sau khi va chạm với người phụ nữa kia thì người đó vừa chửi bới vừa đạp mạnh vào yếm xe khiến chiếc hộp đựng thai nhi rơi xuống đường, vỡ toang, xác hài nhi vương vãi. 

Lúc đó tôi hoảng hốt chỉ lo sợ để mất các bé mà không gom lại được. Tôi nhặt các bé lên, lấy đồ gì thấm được thì thấm, rồi bỏ các bé lại vào hộp.

May sao, người dân và công an giao thông sau đó đến kịp thời. Họ biết việc hai đứa chúng tôi đang làm, nên ai cũng cảm động, gom góp mỗi người 10.000 đồng, 20.000 đồng, họ nói đó là tâm nguyện muốn nhờ đôi bạn trẻ mua giúp hương hoa, thắp hương cho các thai nhi", Đạo chia sẻ.

Chàng trai trẻ cùng hành trình từ bãi rác tới nghĩa trang lạnh lẽo nhặt hơn 40 nghìn xác thai nhi: "Có những lần hết tiền đi xe khách, tôi chở các con bằng xe máy về quê chôn cất" - Ảnh 10.

Những va chạm như thế chỉ là một trong số rất nhiều sự cố mà Đạo và các bạn gặp phải trên hành trình gom xác thai nhi mấy năm qua. Được bênh vực, giúp đỡ, động viên, Đạo thấy vững tâm hơn để tiếp tục thực hiện công việc của mình.

(CÒN NỮA)

Chia sẻ