Tâm lý bối rối trước lời khen không chỉ xảy ra ở những người mắc chứng lo âu xã hội
Vì sao họ bối rối, ngượng ngùng và phủ định lời nói của đối phương?
Bạn đứng ngắm nghía hồi lâu trước gương, bạn đã chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất, tóc thì mới làm hôm qua, bạn hài lòng với toàn bộ tổng thể.
Rồi bạn bước ra ngoài đường, mọi người ngạc nhiên và không ngừng khen ngợi bạn, hơn hẳn những gì bạn mong đợi. Cảm giác căng thẳng từ đầu xuất hiện, dường như có gì đó không đúng. Bạn “đơ” ra trước lời khen, thậm chí phủ nhận ý tốt, thu mình lại và lẩn tránh.
Thì ra bạn không phải người duy nhất, có rất nhiều người có xu hướng bối rối với lời khen, họ ngượng ngùng, xấu hổ, phủ định hay nghi ngờ liệu mọi người đang nói quá về mình, dẫn đến việc họ cảm thấy không thoải mái chút nào.
Vậy tại sao lời khen khiến một số người khó chịu?
“Mọi người khó chấp nhận lời khen vì một số lý do. Đôi khi, nó gắn liền với chứng lo âu xã hội. Hoặc cũng có thể bạn tự ti và chưa trải nghiệm cảm giác biết ơn tích cực. Hơn nữa, nếu bạn đang ghét một người và họ khen bạn, bạn cũng cảm thấy lời khen đến từ họ không đáng tin”, Lisa Schuman, một nhân viên hoạt động xã hội ở New York, giải thích.
Rối loạn lo âu xã hội là một tình trạng tâm lý ảnh hưởng đến 7% dân số Hoa Kỳ, theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ. Những người mắc chứng này có thể rất gặp khó khăn với việc khen ngợi người khác và nhận lời khen. Họ có thể gạt bỏ điều tử tế người khác nói về mình vì cảm thấy không xứng đáng, dẫn đến hệ quả là họ càng lo âu nhiều hơn.
Ngay cả đối với người không mắc chứng rối loạn lo âu, lời khen đôi khi cũng làm họ bối rối, đặc biệt nếu họ không có khả năng nắm bắt, gọi tên và kiểm soát cảm xúc bản thân.
Về mặt tiến hóa sinh học, Lisa Schuman tin rằng hiện tượng phủ nhận lời khen có thể bắt nguồn từ tổ tiên của loài người, cơ thể và bộ não của loài người nguyên thủy được lập trình để tìm kiếm những gì tiêu cực và đáng ngờ trong môi trường, nhờ đó tăng khả năng sống sót, sinh tồn.
Trong cuộc sống hiện đại, hiện tượng sợ lời khen có thể diễn ra trong các tương tác xã hội, và đặc biệt đúng khi ta giao tiếp với người mình không thích. Ta mơ hồ cảm giác mọi lời khen của họ đều ẩn ý hoặc không đáng tin.
Hơn nữa, nhiều người luôn muốn hòa nhập với đám đông. Lời khen ngợi có thể khiến họ thấy mình khác biệt, thậm chí lạc lõng.
Nhưng đó chưa phải toàn bộ lý do. Christopher Littlefield, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng văn hóa công sở đã thực hiện một cuộc nghiên cứu nho nhỏ để quan sát cách cơ thể người phản ứng với lời khen. Anh nhận ra lời khen thông thường là chưa đủ để khiến người ta rụt mình lại, mà chính là những lời khen khiến họ cảm thấy bất ngờ, phấn khích. Đứng trước một lời khen quá lớn hoặc họ chưa từng nhận được trước đây, tim của họ bắt đầu đập nhanh, đồng tử giãn ra và lòng bàn tay đổ mồ hôi khi mức độ dopamine tăng lên.
Nhìn chung, việc nhiều người trong chúng ta phản ứng một cách vụng về trước lời khen chỉ đơn thuần là một hành động tự vệ vô thức. Thật không may, sự tự vệ này ngăn ta tiếp nhận lời tử tế và lòng biết ơn của người khác.
Để từng bước vượt ra khỏi nỗi sợ nhận lời khen, trước tiên bạn cần…
Bắt đầu với khả năng tự nhận thức
Các nghiên cứu chỉ ra sự tự thấu hiểu bản thân (self-knowledge) và lòng tự tôn (self-esteem) có khả năng ảnh hưởng đến các tương tác xã hội.
Theo dữ liệu, nếu lòng tự tôn của chúng ta thấp, thì chúng ta ít có khả năng chấp nhận phản hồi tích cực hoặc thay đổi nhận thức về bản thân dựa trên phản hồi đó. Chúng ta nghĩ mình không xứng đáng. Lời khen bên ngoài trở nên mâu thuẫn với niềm tin và những giá trị mà ta xây dựng cho bản thân mình ở bên trong. Vì thế mà ta gạt bỏ nó đi.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học Guy Winch cũng bổ sung: “Những người có lòng tự tôn thấp thường không thoải mái khi nhận được lời khen nhưng không phải tất cả những người không thoải mái khi nhận được lời khen đều có lòng tự tôn thấp”. Vì vậy, nâng cao lòng tự tôn chỉ là bước đầu để ta tự tin hơn và thoải mái đón nhận lời khen hơn.
Tất cả mọi người đều có những ngày cảm thấy tồi tệ, hoài nghi năng lực và giá trị bản thân, một số người thì tự ti mọi lúc mọi nơi. Nếu chúng ta nhận được lời khen vào những ngày cảm xúc chạm đáy, ta có xu hướng không coi trọng lời khen đó lắm.
Thực hành lòng biết ơn
Sau khi hiểu lý do vì sao ta không dám chấp nhận lời khen, tiếp theo bạn cần học cách đáp lại và nói cảm ơn với lời khen, ngay cả khi bạn thấy mình không xứng đáng, đừng gồng mình lên phủ nhận và né tránh. Hãy chấp nhận và biết ơn. Dần dần bạn sẽ hiểu nỗ lực của mình đã đem lại thành quả mà mọi người đều có thể nhìn thấy, bạn sẽ tự tin hơn.
Ví dụ, khi ai đó khen bạn học giỏi hoặc làm việc xuất sắc, bạn có thể nói: “Cảm ơn bạn vì đã quan tâm đến dự án của mình. Đúng là mình đã đầu tư rất nhiều tâm sức cho dự án đó”. Hoặc nếu ai khen áo bạn đẹp, dù bạn thấy rất bình thường, bạn có thể vui vẻ đáp lại: “Bạn cũng thấy đẹp à, cảm ơn nha. Thế là tụi mình cùng gu thẩm mỹ rồi đấy”. Sẽ chẳng mất gì để nói ra một lời cảm ơn gọn gàng, nhẹ nhàng và thân thiện cả.
Cuối cùng, nếu bạn cảm thấy cần một công cụ để chuyển hóa lời khen mà không bị ám ảnh bởi nó, bạn có thể mua muốn sổ để viết lại những điều tốt đẹp mà người khác nói về bản thân. Đây được gọi là cuốn sổ biết ơn.
Nhận được lời khen cũng là cơ hội để bạn đưa ra lời khen ngược lại với đối phương. Tất nhiên bạn không bắt buộc lúc nào cũng cần khen ngược lại, và lưu ý là đừng biến cuộc trò chuyện thành “cuộc chiến của những lời khen đãi bôi”.