Học cách chuyển hóa cảm giác ghen tị, đố kỵ thành động lực phấn đấu

Đông Hà,
Chia sẻ

Ghen tị là một cảm xúc bình thường của con người, thậm chí là cơ chế tiến hóa tự nhiên.

Hãy tưởng tượng, một ngày đẹp trời, bạn phát hiện người yêu cũ có tình yêu mới, người này xinh đẹp, tài giỏi, và dường như hơn bạn mọi mặt. Nếu còn trẻ và chưa có nhiều trải nghiệm, hẳn bạn ít nhiều thấy ghen tị, hoặc đâu đó, bạn tự ti mình thua kém.

Nhưng không phải cứ người trẻ và ít trải nghiệm là hay ghen tị, ngay cả người từng trải vẫn tràn đầy “năng lượng ganh đua”. Họ thấy đồng nghiệp cũ thăng tiến, lương cao - ghen tị. Họ thấy một người có bố mẹ giàu có, chu cấp cho họ các chuyến đi chơi xa xỉ - tiếp tục ghen tị.

Ghen tị là một cảm xúc bình thường của con người, thậm chí là cơ chế tiến hóa tự nhiên để ta học cách sinh tồn, cạnh tranh và có thêm động lực nâng cấp kỹ năng cá nhân. 

Tiến sĩ Lauren Appio, một nhà tâm lý học ở Manhattan cho biết: “Tất cả các cảm xúc của chúng ta đều phát triển để hướng ta đến những điều quan trọng xảy ra quanh mình, cho phép ta giao tiếp với người khác. Từ quan điểm sinh tồn, nếu chúng ta không có đủ thức ăn hoặc những thứ cần thiết khác, sự ghen tị sẽ thúc đẩy chúng ta đấu tranh để giành phần công bằng cho mình”.

Do đó, bạn không nên cảm thấy xấu hổ hay tự trách bản thân nhỏ mọn khi có cảm xúc như vậy. Điều này không đồng nghĩa với việc bạn nên ghen tị bất kể lúc nào mình muốn, bởi sự ghen tị khi được “nuông chiều” dễ biến thành cảm giác ghen tức, đố kỵ và rút cạn năng lượng của bạn.

Học cách chuyển hóa cảm giác ghen tị, đố kỵ thành động lực phấn đấu - Ảnh 1.

Ghen tị là một cảm xúc bình thường của con người

Để kiểm soát mớ hỗn độn trong mình, đầu tiên cần học cách hiểu cơ chế hoạt động của cảm xúc

“Nếu chúng ta tin rằng những nguồn tài nguyên ngoài kia là có hạn, ta sẽ bám chặt hơn vào những gì mình có hoặc hoảng sợ khi thấy người khác đạt được những gì mình muốn hoặc cần”,  tiến sĩ Appio nhận định.

Nhiều nhà tâm lý học gọi lối suy nghĩ này là “tư duy khan hiếm” (scarcity mindset). Đó là nỗi sợ không đạt được thứ gì đáng tự hào - ví dụ một sự nghiệp vẻ vang hay một tình yêu chân thành. Bạn nghĩ rằng chỉ một số ít đạt được, còn bản thân bạn thì không thể.

Appio giải thích, nếu mắc kẹt trong lối suy nghĩ này, ta sẽ hành động như thể hạnh phúc hay thành công trong tương lai phụ thuộc vào việc nắm giữ một vật hay một người cụ thể. Từ đó, tầm nhìn bị thu hẹp, và ghen tị biến thành ghen tức.

Học cách chuyển hóa cảm giác ghen tị, đố kỵ thành động lực phấn đấu - Ảnh 2.

Ảnh: Minh họa

Các nhà nghiên cứu tạm chia cảm xúc ghen tị thành hai loại: ghen tị lành tính (benign envy) và đố kỵ hiểm độc (malicious envy). Ghen tị lành tính là khi bạn tin người kia xứng đáng có được thành tựu mà họ đã phấn đấu để đạt được, ngược lại với lòng đố kỵ hiểm độc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra sự ghen tị lành tính thúc đẩy một người cải thiện bản thân nhiều hơn là lòng đố kỵ hiểm độc.  

Ghen tị lành tính đôi khi cũng gần với sự ngưỡng mộ. Vì thế mà một nghiên cứu vào năm 2011 đã phân biệt giữa ngưỡng mộ và ghen tị. Theo đó, ngưỡng mộ là khi bạn đánh giá cao thành tựu rực rỡ của một người, bạn nhìn họ bằng ánh mắt ngập tràn niềm vui hoặc tự hào, bạn học hỏi nhiều điều từ đức tính tốt của họ. Còn ghen tị tức là bạn tin mình không thua kém gì người kia, nhưng thực tế là bạn không làm được như họ, và bạn nảy sinh cảm giác bất mãn.

Ví dụ, bạn ghen tị với đồng nghiệp cũ vì nghĩ mình có nhiều cơ hội và khả năng thành công cao hơn, thậm chí năng lực cá nhân xuất sắc hơn, nhưng họ lại thăng tiến nhanh hơn, được mọi người công nhận năng lực. Mặc dù bạn cảm thấy họ vẫn xứng đáng có được thành quả trên, nhưng bạn không mấy vui vẻ vì tại sao mình không có được thành quả tương đương. 

Học cách biến đố kỵ thành động lực

Tất nhiên, sẽ có người khuyên rằng bạn cũng có giá trị riêng biệt, bạn đẹp theo cách của riêng mình, bạn có tài năng đặc biệt, và đừng so sánh mình với người khác. Nhưng không phải ai cũng nhận thức được mình tài giỏi hoặc có suy nghĩ độc lập sắc bén. Vì vậy, nếu bạn không thể ngừng so sánh, hãy thử học cách biến đố kỵ thành động lực đi lên.

Ghen tị là một cảm giác tiêu cực, nhưng lại “phục vụ” cho một số khả năng thích ứng nhất định. Sarah Hill, giáo sư khoa tâm lý học tại Đại học Texas Christian, cho biết: “Nó giống như trải qua nỗi đau thể xác. Khi chúng ta chạm vào đồ nóng hoặc bị vấp ngón chân, cảm giác không dễ chịu chút nào, nhưng cuối cùng lại nâng cao kỹ năng thích nghi”.

Hill và các đồng nghiệp đã nghiên cứu về tác động nhận thức của sự ghen tị. Họ phát hiện sự ghen tị thực sự làm tăng khả năng chú ý, giúp ta ghi nhớ thông tin về đối thủ  cạnh tranh. Lúc này, hãy tận dụng khả năng ghi nhớ để học hỏi về đối thủ.

Chuyên viên truyền thông Susan Harrow từng viết trên tờ Psychology Today, một trong những kỹ năng cô áp dụng là “sao chép kỹ thuật”. Khi học võ tại Nhật Bản, cô bất chợt nảy sinh cảm giác ghen tị với một số bạn đồng môn xuất sắc. Thay vì để mặc cảm xúc bị tê liệt bởi sự ghen tị, cô ngầm học hỏi kỹ thuật võ từ họ, từ ánh mắt, chuyển động, tốc độ cho đến cách điều hòa nhịp thở.

Kỹ thuật này có thể áp dụng cho một số trường hợp khác, khi bạn ghen tị với một người vì họ trội hơn mình, hãy thử học hỏi, ghi nhớ thông tin của họ và áp dụng cho mình. 

Nhận biết điều gì kích thích lòng đố kỵ

Nếu muốn biến ghen tị thành động lực, bạn cần nhận biết sự ghen tị trong bạn bị khơi gợi lúc nào và tại sao. Thường thường, ta hay nói về cảm xúc, phản ứng của mình với một sự kiện nhưng không đi đến tận cùng của cảm xúc, vì thế bỏ lỡ cơ hội học hỏi. 

Ví dụ bạn theo dõi một người bạn trên Instagram, người này thường đi du lịch, cô đăng ảnh lung linh về những cảnh đẹp trên khắp đất nước. Bạn không thể ngừng nhìn ngắm bộ ảnh và cảm thấy ghen tị.

Học cách chuyển hóa cảm giác ghen tị, đố kỵ thành động lực phấn đấu - Ảnh 3.

Lúc này, thử đặt một số câu hỏi sâu hơn. Điều gì ở bức ảnh kích thích ham muốn trong bạn? Có lẽ do bản thân bạn đang căng thẳng trong công việc vì đã không đi nghỉ trong nhiều năm. Có lẽ bạn chỉ muốn ra khỏi nhà thường xuyên hơn và khám phá điều mới. Dù câu trả lời là gì, sự ghen tị có thể đóng vai trò làm yếu tố kích hoạt giúp làm rõ mục tiêu của bạn.

Lauren Appio nói thêm: “Khi đố kỵ biến thành ghen tuông, nó có thể che mờ khả năng phán đoán của bạn, đó là lý do tại sao việc tự nhận thức rất quan trọng. Hãy tìm hiểu xem bạn có đang nhìn trải nghiệm hiện tại qua lăng kính của quá khứ. Có lẽ trong quá khứ, bạn thiếu thốn, không có đủ hoặc bị tước mất thứ gì đó”.

Tiếp cận với người mà bạn ghen tị

Nếu bạn ghen tị với ai đó, thường là vì họ có kỹ năng, tài năng hoặc họ đạt được điều gì đó mà bạn chưa có. Nếu bạn cũng muốn đạt được điều tương tự, hãy thử kết nối với “mục tiêu” và yêu cầu hỗ trợ. 

Thay vì “để bụng” chuyện đồng nghiệp thăng chức, bạn có thể hỗ trợ họ bằng việc gửi lời chúc mừng, đề nghị giúp đỡ nếu họ còn bỡ ngỡ với vị trí mới. Khi bạn hỗ trợ, bạn thấy mình hữu ích và dường như cũng đang cùng chia sẻ niềm vui thành công với họ. Khi giúp đồng nghiệp, bạn có thể thiết lập một mối quan hệ lành mạnh, và biết đâu chính họ cũng là người đưa ra lời khuyên hữu ích cho bạn.

Hỗ trợ có thể được coi là liều thuốc giải độc. Hành vi này được gọi là “hành động ngược lại” (opposite action), hiểu nôm na là bạn cố tình làm ngược lại với những gì bạn cảm thấy mình nên làm để tìm cách giải quyết. Thay vì ghét bỏ, né tránh đối thủ, bạn học cách làm bạn với họ. Phương thức này tạo ra các trạng thái cảm xúc khác nhau trong bạn, nhưng cũng làm hào phóng, lạc quan và cởi mở hơn. Đừng quên nhắc bản thân rằng có rất nhiều điều thú vị khác đang chờ bạn khám phá, rằng bạn cũng có thể có được thứ người khác có mà không phải thông qua sự ganh ghét. 

Học cách chuyển hóa cảm giác ghen tị, đố kỵ thành động lực phấn đấu - Ảnh 4.

Cuối cùng, đừng tự trách mình “xấu tính”

Đừng cố né tránh hay vứt bỏ cảm giác ghen tị vì cho rằng đó là cảm giác không nên có. Nếu bạn chối bỏ mình, bạn sẽ càng có khó chịu hơn vào những lần sau, bởi bạn không đi tìm nguyên nhân vấn đề hay phân tích vòng xoáy tiêu cực diễn ra bên trong mình. 

Hãy thừa nhận mọi cảm xúc có trong bạn, dù đó là ghen tị, đố kỵ hay cảm giác thua kém. Sau đó thử ngẫm xem nguyên nhân bạn nảy sinh thái độ này, liệu có cách nào giải quyết không. Cần hiểu rằng luôn có người giỏi hơn bạn, giàu có hơn bạn hay có nền tảng giáo dục vượt trội ngay từ lúc nhỏ. Do đó, không phải bạn là một người xấu tính, hay một kẻ thua cuộc, tất cả chỉ là một phần trong trải nghiệm của đời người.

Chia sẻ