Tại sao nhân viên văn phòng làm việc cho 1 công ty gần cả chục năm lại không nghỉ việc?
Có những người nhảy việc liên tục nhưng cũng có người vẫn gắn bó cả chục năm tại công ty khiến mọi người cũng thắc mắc rằng: "Tại sao lại làm lâu được như vậy?".
Nếu tình trạng nhảy việc luôn được nhiều người nhắc đến như một vấn đề tốn không ít giấy mực và là chuyện bàn luận đi bàn luận lại trên các trang mạng xã hội. Nhưng có lẽ ít khi người ta bàn luận đến những người "cây đa, cây đề" của một công ty tại sao họ lại làm lâu dài như vậy?
Có lẽ câu hỏi này sẽ khiến nhiều người chuyên nhảy việc và nhiều bộ phận nhân sự cũng muốn biết câu trả lời để có thể tìm ra được những ứng viên làm việc lâu dài.
Yếu tố gì quyết định đến việc gắn bó lâu dài với một công ty?
Có lẽ ngoài những thành viên cốt cán như thành lập công ty, cùng góp vốn, có cổ phần thì việc làm lâu dài tại một công ty là đương nhiên nhưng cũng có những người làm tại một công ty đến mười mấy năm mà không thay đổi. Sẽ có nhiều người thắc mắc rằng không biết yếu tố gì quyết định họ ở lại làm lâu như vậy, chúng ta cùng tìm hiểu một số lí do sau đây.
Chị Hồng Nhung (27 tuổi, làm một công ty truyền thông gần 5 năm) cho biết: "Thực ra công việc của mình khá áp lực lại thường xuyên phải online làm việc 16/24 tiếng mỗi ngày, lễ tết ngày nghỉ đều vẫn phải online làm việc. Thế nhưng việc mình yêu thích công ty và ở lại làm việc lâu như thế có hai yếu tố chính. Thứ nhất, môi trường làm việc không nhiều drama, leader của mình rất tạo điều kiện cho mình làm việc và cống hiến. Ngoài ra mình có rất nhiều mối quan hệ đồng nghiệp trở thành bạn bè thân thiết không chỉ ở công ty mà cả trong đời sống nên mỗi ngày đi làm của mình đều rất vui vẻ rất không nỡ để nghỉ việc. Thứ hai là văn hóa công ty thoải mái từ ăn mặc đến giờ giấc".
Cùng đó, chị Hằng (33 tuổi, làm việc tại công ty truyền thông được 10 năm" cũng chia sẻ lý do làm việc tại đây lâu như vậy: "Chính yếu tố môi trường và công việc đáp ứng đúng nhu cầu của bản thân khiến mình gắn bó lâu như vậy. Dù làm ở tại một công ty nhưng mỗi bộ phận lại như một công ty con khác, mình được thử sức và làm việc nhiều vị trí khác nhau nên cũng không có gì nhàm chán".
Khác hoàn toàn với hai người trên, anh Khánh (30 tuổi, làm việc cho một công ty công nghệ) chia sẻ: "Mình bắt đầu làm việc với công ty từ lúc còn là thực tập sinh, từ lúc công ty mới thành lập nhận các dự án nhỏ lẻ đến khi công ty tự chạy dự án riêng. Đặc điểm đối với công ty công nghệ là nếu theo từ mới thành lập sẽ được chia cổ phần mà việc bỏ ra không phải tiền mà là công sức, sự cống hiến. Vì vậy, hiện tại mình cũng giữ chút cổ phần tại đây nên mình gắn bó lâu với công ty là chuyện hiển nhiên. Cùng với đó, công ty cũng có cơ hội thăng tiến cao".
Với nhiều lý do khác nhau thì có thể thấy môi trường công sở và thu nhập tại một công ty sẽ là yếu tố quyết định đến việc gắn bó lâu dài hay không.
Cũng đã từng mong muốn nghỉ việc, nhận được hàng loạt những offer tốt hơn... nhưng vẫn quyết ở lại vì một lí do?
Trong suốt quá trình đi làm, chắc chắn rằng đã từng không ít một lần bạn có cảm giác muốn nghỉ việc hay nghe bạn bè, người quen giới thiệu công việc tốt hơn về lương nhưng suy đi tính lại vẫn tiếp tục làm ở công ty hiện tại. Chị Hồng Nhung cho biết: "Mình cũng nhớ nhất giai đoạn năm thứ 3 đến thứ 4 làm ở đây, từng có 2-3 lần muốn xin nghỉ việc ngay lập tức vì thấy chán. Nguyên nhân là công việc áp lực nên muốn thử nhảy việc để tìm sự mới mẻ. Nhưng sau cùng thì sự lựa chọn của mình vẫn là ở lại vì mình thấy rằng những điều tuyệt vời mà mình được nhận hiện tại chưa chắc có thể tìm thấy ở một môi trường làm việc mới".
Có lẽ, với nhiều người việc thích nghi và làm quen với môi trường mới sẽ khó khăn. Với tâm lý "ăn chắc mặc bền", "chẳng may vào làm không được như vậy thì sao..." thì họ quyết ở lại tìm kiếm một sự ổn định. Suy nghĩ này nhiều người có thể tìm thấy ở thế hệ 8x, đầu 9x.
Còn với những người trẻ họ lại khá bất ngờ khi thấy một người có thể làm lâu tại một công ty, bạn Linh (22 tuổi, làm công ty truyền thông) cho biết: "Khi vào công ty mình rất bất ngờ khi hỏi các chị sao lại làm tại một công ty lâu đến như thế, con số lên tới cả hơn 10 năm. Mình mới ra trường nhưng đã nhảy liền tới hai công việc vì cảm thấy môi trường không phù hợp để phát triển bản thân". Có lẽ, với những người trẻ thì điều nhảy việc là chuyện bình thường và có phần chiều theo cảm xúc và cũng có thể do độ tuổi bởi đến lúc nào đó ai cũng cần đến một sự ổn định.
Khi được hỏi mặt tích cực và tích cực khi làm việc tại một công ty quá lâu, chị Nhung cũng chia sẻ: "Theo mình thấy mặt tốt của việc làm lâu dài ở một công ty chính là sự ổn định, không cần biến bản thân phải thích nghi liên tục với các môi trường làm việc mới. Một mức lương ổn định, thậm chí còn cao hơn những nhân sự mới vì đã có thâm niên làm việc lâu năm. Tuy nhiên nhược điểm của việc này đương nhiên là thiếu sự va chạm với thị trường lao động, nếu giả sử có biến cố xảy ra thì sẽ bị chông chênh và khó tìm công việc mới hơn".
Đồng quan điểm anh Khánh cũng cho biết:"Làm lâu dài ở một công ty thì mình có mức lương ổn định, được trọng dụng và coi trọng hơn. Và như mình chia sẻ ở trên thì mình còn được là cổ đông của công ty. Tuy nhiên, điều này cũng khiến bản thân hơi lười nhác, sợ thay đổi. Khi quá chán nản với công việc nhưng vẫn muốn ở lại thì làm cho năng suất và hiệu quả công việc không cao. Mình thì khuyến khích nếu các bạn đã thấy môi trường làm việc có chút "toxic" thì nên thay đổi".
Như vậy, tùy vào nhu cầu và điều kiện của bản thân mỗi người mà thời gian gắn bó với một công ty là dài hay ngắn, không phải là người này làm được lâu thì mình cũng phải làm lâu được như vậy.