Tại sao mua lòng lợn rất dễ, còn lòng bò ít được bán ngoài chợ?
Lòng lợn, lòng bò là món ăn khoái khẩu của nhiều người, nhưng nếu lòng lợn rất dễ mua thì lòng bò lại ít được bán ngoài chợ, tại sao vậy?
Nội tạng động vật là món ăn yêu thích của số đông người dân Việt Nam, được nhiều người yêu thích. Dù các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến cáo không nên ăn quá nhiều vì lượng chất béo xấu trong nội tạng động vật nếu được tiêu thụ số lượng lớn sẽ gây hại sức khỏe, thực phẩm này vẫn luôn được tiêu thụ rất tốt và chế biến thành nhiều món hấp dẫn tại nhà hàng, quán nhậu.
Mặc dù vậy, một thực tế mà người làm nội trợ dễ nhận thấy, đó là trong khi lòng lợn được bán rất nhiều ở chợ thì lòng bò lại là thứ không dễ mua.
Tại sao ngoài chợ ít bán lòng bò hơn lòng lợn?
Lòng lợn thường được bày bán ở các chợ dân sinh với số lượng tương đối lớn mỗi ngày. Không chỉ vì các món ăn từ nội tạng lợn được người dân yêu thích, lượng cung lớn còn liên quan đến sản lượng thịt lợn. Trong cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam, thịt lợn xuất hiện nhiều hơn thịt bò, số lợn được giết mổ hằng ngày cũng cực kỳ lớn.
Do đó, lòng lợn sau khi được cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu thì vẫn còn lại rất nhiều, đủ để bán rộng rãi ngoài chợ và cả các nhóm bán hàng online cho mọi người mua về tự chế biến.
Trong khi đó, số lượng bò tại các lò mổ ít hơn lợn rất nhiều, vì thế nguồn cung lòng bò cũng hạn chế. Lòng bò cũng là nguyên liệu cho nhiều món nhậu hấp dẫn, độc đáo như lòng bò nướng, lẩu lòng bò... nên thường được các nhà hàng đặt mua trực tiếp từ lò mổ, gần như không còn để cung cấp cho các chợ dân sinh. Đó là lý do chúng ta mua lòng lợn rất dễ, còn lòng bò ít được bán ngoài chợ.
Những người nên hạn chế ăn nội tạng
Mặc dù các món chế biến từ nội tạng rất ngon, bạn vẫn không nên ăn quá nhiều để không làm tăng nguy cơ mắc các bệnh béo phì, mỡ máu, gout...
Dưới đây là những người nên hạn chế hoặc không ăn nội tạng:
- Người có đường tiêu hoá kém: Nội tạng động vật chứa nhiều vi khuẩn nên nếu sơ chế và chế biến không kỹ sẽ gây tiêu chảy, tả, lỵ, đau bụng, nôn mửa...
- Người đang bị cảm, mệt mỏi, có hệ thống miễn dịch kém cũng không nên ăn lòng vì dễ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, bệnh nặng hơn.
- Phụ nữ đang mang thai không nên ăn nội tạng vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn, virus và ký sinh trùng gây nguy hiểm cho cả bà mẹ và thai nhi trong bụng
- Nội tạng động vật chứa nhiều chất béo và cholesterol nên những người béo phì, gan nhiễm mỡ hay mắc các bệnh tim mạch cũng không nên ăn món ăn này vì sẽ làm tăng mỡ máu và áp lực lên hệ thống tim mạch.
- Người bị bệnh gout càng không nên ăn lòng lợn vì sẽ làm triệu chứng bệnh thêm nặng.
Cách luộc lòng lợn trắng, giòn
Chuẩn bị 1 bát nước nguội có pha vài giọt chanh hoặc dùng nước lạnh pha với một chút phèn chua, đun sôi rồi để nguội.
Đun nước sôi nước rồi mới thả lòng vào. Bước này là bước quyết định lòng có ngon hay không. Việc thả vào nước đang sôi sẽ khiến lòng vừa chín tới và giòn tan.
Để nước sôi 2-3 phút đển khi lòng chuyển sang màu hồng thì vớt ra ngâm vào bát nước nguội pha vài giọt chanh ở ban đầu. Làm như thế, lòng vừa giòn vừa có màu trắng đẹp mắt, không bị thâm đen. Thông thường, tổng thời gian từ khi cho lòng vào nồi nước sôi đến lúc với ra khoảng 7-10 phút (tùy số lượng nguyên liệu nhiều hay ít).
Với lòng non, chỉ cần sôi lại vài phút là có thể tắt bếp. Vớt ra, cho ngay vào thau nước sôi để nguội có pha phèn chua và mấy cục đá lạnh, để nguội rồi vớt ra thái vừa ăn.
Tóm lại, điều cần chú ý nhất để lòng luộc được trắng, giòn là phải luộc nhanh, khi vừa chín tới là phải vớt ra ngay. Để càng lâu chỉ, lòng sẽ càng bị dai.