Tài giỏi cách mấy cũng chớ nên “công cao lấn chủ”, kẻo trở thành cái gai trong mắt trong mắt sếp
Có một luận bất thành văn trong môi trường công sở, làm gì cũng phải giữ thể diện cho sếp, đừng “công cao lấn chủ” kẻo trở thành kẻ thiếu tôn trọng bề trên, trở thành cái gai mà sếp nào cũng muốn “trừ khử”.
Văn phòng công sở vốn không bình yên và hiền hòa như nhiều người vẫn nghĩ, cũng không phải là nơi tài năng quyết định tất cả. Nơi đó có nhiều vấn đề khó nói ra mà phải trải qua rồi chúng ta mới biết rõ. Đơn cử như câu chuyện nhỏ của nàng công sở có tên N.
Khởi đầu đầy hy vọng của cô gái trẻ tài giỏi
N vốn là gương mặt ưu tú ở phòng marketing thuộc một công ty truyền thông lớn tại Sài Gòn. N trẻ, năng động và luôn biết cách làm việc sao cho đạt năng suất cao, chính vì thế N rất được lòng cấp trên.
Tuy nhiên, biết được năng lực của mình khá xuất sắc so với mặt bằng chung, N đã đặt mục tiêu tương đối cao trên hành trình sự nghiệp vừa chớm nở của mình. Mục tiêu ấy, vượt xa cả cái ghế trưởng phòng marketing - vị trí của người đã nâng đỡ, hướng dẫn N kể từ khi đặt chân vào công ty.
Và rồi để đạt được mục tiêu của mình một cách nhanh nhất, N quyết định “tốc chiến tốc thắng” gia tăng năng suất làm việc, thể hiện tài năng nhằm hướng ban lãnh đạo phải để tâm đến nàng.
Trong các cuộc họp lớn, N háu thắng, tranh giành cơ hội để tỏa sáng bằng những lời đóng góp hay ho. Khi thì nhận xét cả team khác, lúc thì vượt cấp xung phong nhận cả việc vốn được giao cho sếp trực tiếp của mình. Thậm chí, có khi nàng còn chủ động trao đổi công việc với quản lý cấp cao hơn chẳng thèm nói đến sếp trực tiếp một câu; lắm khi vui mồm, N còn bảo sếp trực tiếp may mắn vì có N về làm trong team, nhờ vậy mà team mới phát triển;...
Dần dà, cả phòng marketing dường như chỉ biết đến mỗi N còn vị trưởng phòng khả kính chỉ biết khẩy cười trong im lặng, mờ nhạt. Nhưng đằng sau nụ cười khẩy không thèm hé răng ấy là một màn tính toán loại trừ N.
Giỏi không sai nhưng "công cao lấn chủ" thì chưa chắc đúng
Các cụ có câu “dục tốc bất đạt”, hai chữ “dục tốc” N đang làm rất tốt và hai chữ “bất đạt” còn lại, nàng cũng sắp được sếp thành toàn cho nếm trải. Cụ thể, kể từ khi nhận thấy nhân viên có vẻ phớt lờ vai trò, vị trí của mình, trưởng phòng marketing đã làm mọi cách dạy N một bài học.
Chị ấy giao N việc càng ngày càng khó, khó tới mức mà N sai một bước nào đó là phải làm lại từ đầu. Không làm được thì ăn phạt. Cứ thế, cho đến một ngày N nhận ra sếp không hài lòng mình, mình đang bị quá tải. “Nhưng mà tại sao, mình giỏi cớ gì bị chèn ép?”, mang câu hỏi này đi hỏi sếp, N nhận được đôi lời giáo huấn:
“Em rất giỏi, rất tài nhưng em không tôn trọng tôi. Dù gì tôi vẫn là sếp trực tiếp của em, có những việc không cần quản mà em lại cứ thích quản. Tôi biết em muốn đi nhanh và đi xa, nhưng tôi cho em biết, kẻ thiếu tôn trọng cấp trên, luôn làm quản lý của mình mất thể diện thì sẽ chẳng đi đến đâu cả. Cái phòng này không phải là sân khấu cho em phô diễn tài năng, làm gì cũng phải thảo luận với nhóm và thông qua tôi, đừng có tùy tiện”.
Sau đôi lời của sếp, N mới ngỡ ngàng và nhận ra một luận bất thành văn trong môi trường công sở, làm gì cũng phải giữ thể diện cho sếp, đừng “công cao lấn chủ” kẻo trở thành kẻ thiếu tôn trọng bề trên, trở thành cái gai mà sếp nào cũng muốn “trừ khử”.
Tài giỏi chưa đủ để quyết định tiền đồ
Quả thật, môi trường công sở là thế đấy, tài giỏi không hẳn là tất cả mà điều quyết định thành công, sự yêu ghét của đồng nghiệp dành cho đôi khi còn phụ thuộc vào thái độ của chính bản thân mỗi cá nhân. Để làm được điều đấy, trước tiên phải nắm vững vài quy tắc sau đây:
Tập thể làm việc chung, đừng bao giờ tự cho mình tài giỏi hơn tất cả mà phớt lờ mọi sự đóng góp của người xung quanh.
Sếp trực tiếp dù vị trí như thế nào trong công ty vẫn là cao hơn mình, đừng làm gì vượt cấp kẻo bị đánh giá là thiếu tôn trọng.
Không ai thích kẻ ngạo mạn, giỏi nhưng ngạo mạn chẳng ai giúp bạn mở rộng tiền đồ.