Tái diễn tình trạng xả rác bừa bãi ở hồ Linh Đàm ngày đưa ông Táo về trời
Thả cá ngày 23 tháng Chạp hàng năm là phong tục có từ lâu đời ở Việt Nam, tuy nhiên làm thế nào để giữ được môi trường và thể hiện nét đẹp văn hóa không phải điều đơn giản.
Theo ghi nhận của PV, ngay từ sáng sớm (14/1), tại khu vực hồ Linh Đàm đã có nhiều người tranh thủ lúc đi làm đã mang cá thả.
Người dân thả cá tiễn ông Công ông Táo
Cũng theo ghi nhận, mặt hồ xuất hiện những túi ni lông, bàn thờ nổi bồng bềnh, lập lờ dưới là những bát nhang hay lọ hoa. Một số công nhân môi trường đang thu dọn ở đây cho biết, họ phải làm việc từ 6h sáng.
Theo những công nhân này, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 23 tháng Chạp là xác định mật độ rác thải xuống hồ sẽ nhiều hơn, nếu không tăng cường thời gian làm việc thì sẽ không tải hết.
Ông Trần Văn Toản, ở ngõ 50 Nguyễn Hữu Thọ hay, hơn chục năm nay cứ đến ngày 23 tháng Chạp là đem cá chép thả xuống hồ Linh Đàm, ông Toàn đều chứng kiến cảnh rác thải xuống hồ.
"Mỗi một năm sẽ giảm đi một chút, do công nhân môi trường tăng cường, tuyên truyền nhiều nên người dân cũng ý thức hơn. Tuy nhiên, đây là khu phức hợp dân tứ phương, vẫn còn một số người không chú trọng đến môi trường. Nhiều người thả nhang vẫn còn nguyên chân, bàn thờ và những thứ không thể tiêu hủy", ông Toản nói.
Cũng tương tự, bà Vũ Hoa ở HH1 Linh Đàm, chia sẻ: "Hôm nay là ngày rác thải xuống hồ tăng đột biến, ngoài ra vào các ngày thường vẫn có người ném vỏ dừa, ném đủ thứ từ hàng quán bờ hồ xuống. Nếu tuyên truyền thì mong báo chí đăng tải trước ngày phóng sinh, để người dân chú ý hơn về môi trường".
Tiễn ông Công ông Táo cần phải có môi trường sạch
Phóng sinh cá chép ngày 23 tháng Chạp đã có từ lâu. Vào ngày ông Công ông Táo, mỗi gia đình thường chuẩn bị 3 con cá chép sống được thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác.
Sau khi cúng xong sẽ đem những con cá này phóng sinh ở sông, ao, hồ... đây được coi là nghi thức tiễn ông Công ông Táo về trời.
Bàn thờ, bát nhang cũng được thả xuống hồ nước
Trao đổi với báo chí, chuyên gia văn hóa - PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết, trong tín ngưỡng dân gian, người dân quan niệm rằng cá chép là loài vật linh thiêng. Con cá chép là con vật có thể bơi được dưới sông nước rồi sau đó hóa rồng. Và khi ở môi trường sông nước, đó là phương tiện đi lại của ông Công ông Táo lên chầu trời.
Nhiều chân nhang vẫn chưa cháy hết
Một số tình nguyện viên
Chuyên gia cũng cho rằng, ngày xưa khi nguồn nước chưa bị ô nhiễm, các gia đình sẽ thả ngay cá ở những nơi như hồ, sông ở gần nơi họ sinh sống. Như vậy, con cá sau khi được thả sẽ hóa rồng và trở thành phương tiện để đưa ông Công ông Táo lên chầu trời rồi lại đưa ông Công ông Táo quay trở lại trần gian.