Suýt chết vì biến chứng tiểu đường ở tuổi 28, cô gái hối hận: ‘Tôi không dám uống loại nước này nữa’
Cô gái có tên Phương Miêu, 28 tuổi ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, được chẩn đoán gặp biến chứng tiểu đường.
Nhập viện cấp cứu vì biến chứng tiểu đường
Theo chia sẻ của gia đình, buổi sáng Phương Miêu thức dậy và nói bị chóng mặt. Ngay sau đó, cô đã ngất xỉu nên được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh Chiết Giang để cấp cứu.
Bác sĩ ngay lập tức tiến hành xét nghiệm máu, kết quả cho thấy lượng đường trong máu của Phương Miêu là 56mmol/L, vượt xa tiêu chuẩn bình thường. Đồng thời, chỉ số HbA1C là 13,3% (chỉ số giúp phản ánh tình trạng đường huyết trong 2-3 tháng). Bác sĩ cho biết chỉ số này chứng tỏ Phương Miêu đã gặp tình trạng đường huyết tăng cao ít nhất 3 tháng qua.
Bác sĩ chẩn đoán Phương Miêu mắc bệnh tiểu đường loại 2 kèm theo biến chứng hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Theo bác sĩ, đây là một biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường.
Gia đình sau đó đã quyết định chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Thụy Kim, trực thuộc Đại học Giao Thông Thượng Hải, Trung Quốc để điều trị.
Theo thông tin từ Bệnh viện Thụy Kim, bệnh nhân được chuyển đến viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu trên nền bệnh đái tháo đường.
Bác sĩ Mao Ân Cường, Trưởng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Thụy Kim cho biết, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu do tiểu đường là một biến chứng nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong cao. Bác sĩ cho biết, tình trạng của bệnh nhân vô cùng nguy kịch.
Các bác sĩ của bệnh viện ngay lập tức tiến hành đặt nội khí quản, tiến hành bù nước, dùng insulin để hạ đường huyết, sử dụng thuốc vận mạch, thuốc chống đông máu, điều trị chống sốc nhiễm khuẩn, lọc máu để điều trị cho bệnh nhân.
Sau 3 ngày điều trị và theo dõi, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tình trạng sức khỏe dần ổn định. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân được rút ống nội khí quản. Sau gần 1 tháng điều trị, bệnh nhân đã hồi phục như bình thường.
Thói quen làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường loại 2
Khi khai thác thêm về tiền sử bệnh, bác sĩ phát hiện bệnh nhân Phương Miêu có thói quen uống 1-2 cốc nước ngọt có ga mỗi ngày. Đồng thời, bệnh nhân cũng rất thích ăn đồ ngọt.
Bác sĩ Mao Ân Cường giải thích, thói quen thường xuyên sử dụng đồ ăn, thức uống có chứa nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường loại 2. Nạp quá nhiều đường vào cơ thể trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất, tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa, gây viêm nhiễm. Các yếu tố này đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
“Tiểu đường loại 2 nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm toan ceton hoặc hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh”, bác sĩ Mao Ân Cường chia sẻ.
Một số nghiên cứu trên thế giới cũng đã chỉ ra rằng những người tiêu thụ nhiều hơn 2 lon nước ngọt có ga hoặc đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 26% so với những người không sử dụng.
Sau khi nghe bác sĩ Mao Ân Cường giải thích, bệnh nhân Phương Miêu vô cùng ân hận. Cô nói: “Tôi không ngờ thói quen uống nước ngọt lại gây hại sức khỏe đến vậy. May mắn tôi đã thoát chết trong gang tấc. Sau khi xuất viện, tôi không dám uống loại nước này nữa”.
Bác sĩ Thịnh Huệ Cầu, Phó trưởng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Thụy Kim nhắc nhở: “Bệnh viện cũng từng điều trị cho nhiều bệnh nhân trẻ mắc tiểu đường loại 2. Hầu hết họ đều không biết bản thân mắc bệnh cho đến khi đi khám vì cơ thể có các triệu chứng bất thường. Đa số các bệnh nhân trẻ này đều mắc các thói quen sinh hoạt không tốt, làm tăng nguy cơ mắc bệnh như thức khuya, thích ăn đồ chứa nhiều đường, nhiều dầu mỡ, thường xuyên uống rượu, lười vận động”.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo mọi người cần thay đổi lối sống lành mạnh để phòng ngừa nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Ngoài ra, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, mọi người nên đến viện khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời (nếu có).