Suốt 40 năm, một gia đình người Nga sống cô lập trong vùng núi hoang dã tận cùng của Trái đất và cắt đứt mọi liên hệ với nền văn minh nhân loại

Negroni,
Chia sẻ

Gia đình Lykovs hoàn toàn không biết gì về thế giới sau năm 1936, ngay cả Chiến tranh thế giới thứ 2, hay sự kiện con người đã đặt chân lên Mặt trăng.

Mùa hè ở Siberia rất ngắn ngủi, những cơn bão tuyết thậm chí kéo dài đến tận tháng Năm và thời tiết sẽ trở lạnh lại vào tháng Chín. Điều này khiến cho khu rừng Taiga thuộc Siberia có một cuộc sống tĩnh lặng tuyệt đối trong sự hoang vắng: rừng thông và hàng cây bạch dương sẽ nằm ngủ im lìm cùng với bầy gấu và sói, những dãy núi dốc thẳng đứng, những dòng sông trắng xóa tuôn chảy qua các thung lũng... Khu rừng này là nơi hoang dã tận cùng và lớn nhất của Trái đất. Nó có thể nuốt cả một đội quân thám hiểm.

Suốt 40 năm, một gia đình người Nga sống cô lập trong vùng núi hoang dã tận cùng của Trái đất và cắt đứt mọi liên hệ với nền văn minh nhân loại - Ảnh 1.

Năm 1978, một chiếc trực thăng được gửi đi để thám hiểm địa chất khu vực này. Tuy nhiên, rừng thông và hàng cây bạch dương đã che khuất khiến cho máy bay không tìm thấy một vị trí thích hợp nào để đáp xuống. Khi nhìn chăm chú qua kính chắn gió, một phi công đã nhìn thấy một thứ đáng ra không thể có mặt ở đó. Đó chính là dấu hiệu nơi cư trú của con người, một khu vườn, một túp lều dường như đã được dựng từ rất lâu rồi.

Đó là một khám phá vô cùng kinh ngạc. Vị trí của ngọn núi nơi tìm thấy túp lều và khu vườn này nằm cách rất xa nơi văn minh nhân loại. Nó cách thị trấn gần nhất là 150 dặm. Chính quyền Liên Xô thời bấy giờ không hề có bất kì thông tin gì của người sống trong khu vực này.

4 nhà khoa học được gửi đến khu vực này để tìm kiếm quặng sắt đã vô cùng bối rối và lo lắng. Thay vì chờ đợi tại cơ sở tạm trú, họ đã quyết định đi điều tra. Được dẫn đường bởi một nhà địa chất có tên là Galina Pismenskaya, họ đã chọn một ngày đẹp trời và mang theo những món quà cho những con người bí ẩn đang sống trong khu rừng.

Suốt 40 năm, một gia đình người Nga sống cô lập trong vùng núi hoang dã tận cùng của Trái đất và cắt đứt mọi liên hệ với nền văn minh nhân loại - Ảnh 2.

Khi leo lên ngọn núi, họ bắt gặp những dấu hiệu hoạt động của con người: một con đường gồ ghề, một cây trượng, một khúc gỗ nằm trên một con suối và cuối cùng là một nhà kho nhỏ chứa đầy vỏ cây bạch dương, khoai tây khô cắt sẵn.

Bên cạnh dòng suối có một túp lều nhỏ. Dường như đã trải qua một thời gian dài với đủ mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt, túp lều khá xập xệ. Nếu không có một chiếc cửa sổ to cỡ một gang tay, thật khó tin rằng có người đang sống ở đó.

Bất ngờ, cánh cửa túp lều kêu cót két và một người đàn ông già xuất hiện trong ánh sáng ban ngày giống như bước ra từ một câu chuyện cổ tích. Ông đi chân trần, mặc một bộ quần áo được chắp vá nhiều mảnh, và có một bộ râu rậm rạp. Tóc ông rối bù. Trông ông rất sợ hãi và chăm chú.

Đoàn thám hiểm vô cùng ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó, họ đã lên tiếng: "Xin chào ông, chúng tôi đến thăm ông."

Người đàn ông già không trả lời ngay lập tức. Một lúc sau, một giọng nói nhẹ nhàng cất lên: "Chà, vì các ông đã đi xa đến thế này, các ông có thể vào nhà."

Cảnh tượng bên trong túp lều khiến những nhà địa chất tưởng rằng lạc vào thời trung cổ. Túp lều này không khác gì một cái chuồng gỗ. Căn phòng chật chội, mốc meo và bẩn thỉu. Và thật kinh ngạc, có 5 người đang sống tại túp lều này, đó là ông lão và 4 người con.

Suốt 40 năm, một gia đình người Nga sống cô lập trong vùng núi hoang dã tận cùng của Trái đất và cắt đứt mọi liên hệ với nền văn minh nhân loại - Ảnh 3.

Ban đầu, những cô gái tỏ ra hoảng loạn và sợ hãi. Các nhà địa chất vì thế đã nhanh chóng rời đi vì không muốn họ phải hoảng loạn thêm. Sau nửa giờ, ông lão và hai cô con gái của mình bước ra khỏi túp lều. Mặc dù vẫn còn sợ hãi, nhưng họ không còn hoảng loạn nữa. Các nhà địa chất mời họ mứt, trà, bánh mì nhưng các cô gái đều từ chối.

Khi Pismenskaya hỏi ông lão: "Ông đã ăn bánh mì bao giờ chưa?". Ông lão trả lời có nhưng những đứa con của ông thì chưa bao giờ.

Trong các món quà mà các nhà địa chất mang theo, ông Lykov chỉ nhận một thứ duy nhất là muối. Đó là thứ mà ông đã không được nếm trong 40 năm qua.

Dần dần, qua nhiều lần ghé thăm, câu chuyện về gia đình "người rừng" này đã được thu thập đầy đủ. Những nhà địa chất cũng dần trở thành bạn của gia đình. Tên của ông lão là Karp Lykov. Ông là một người đã từng tham gia Thế Chiến I. Mọi chuyện trở nên tồi tệ với gia đình Lykov khi những người Bolshevil lên nắm quyền. Họ bị cô lập và phải trốn vào rừng Siberia để thoát khỏi cuộc đàn áp. Trong cuộc thanh trừng những năm 1930, một đội tuần tra đã bắn anh trai của Lykov ngay trước mắt ông. Vì lo sợ cho gia đình, ông đã đưa vợ và các con gái của mình vào rừng.

Suốt 40 năm, một gia đình người Nga sống cô lập trong vùng núi hoang dã tận cùng của Trái đất và cắt đứt mọi liên hệ với nền văn minh nhân loại - Ảnh 4.

Đó là năm 1936, ông Lykov đưa vợ Kar Karp, con trai 9 tuổi Akulina và Natalia lúc đó mới 2 tuổi rời khỏi thị trấn. Chỉ mang theo một ít tài sản và hạt giống, họ dấn sâu vào khu rừng Taiga và xây dựng nơi ở mới tại đây. Sau đó, hai đứa trẻ là Dmitry và Agafia đã ra đời ngay chốn rừng thiêng nước độc này. Tất cả những gì mà hai đứa trẻ này biết về thế giới bên ngoài hoàn toàn là qua những câu chuyện của cha mẹ.

Gia đình Lykovs hoàn toàn không biết gì về thế giới sau năm 1936, ngay cả Thế chiến II, hay sự kiện con người đã đặt chân lên Mặt trăng.

Những đứa trẻ nhà Lykov biết có những nơi được gọi là thành phố, nơi con người sống chen chúc nhau trong những tòa nhà cao tầng. Họ cũng nghe nói có những quốc gia khác ngoài Nga. Nhưng những khái niệm như vậy khá trừu tượng với họ. Trong suốt nhiều năm, những đứa trẻ nhà Lykov chỉ đọc sách cầu nguyện và một cuốn Kinh thánh gia đình cổ đại. 

Bà Akulina đã sử dụng sách phúc âm để dạy các con đọc và viết. Bà dùng những cành cây bạch dương sắc nhọn nhúng vào nước cây kim ngân để làm bút và mực. Khi cô con gái út Agafia được cho xem hình ảnh một con ngựa, cô đã nhận ra nó từ những câu chuyện của mẹ mình.

Suốt 40 năm, một gia đình người Nga sống cô lập trong vùng núi hoang dã tận cùng của Trái đất và cắt đứt mọi liên hệ với nền văn minh nhân loại - Ảnh 5.

Ông Peskov, một trong những nhà địa chất đã nói rằng, đoàn của ông đi qua 250km đường rừng mà không hề thấy một người nào sinh sống. Điều đó cho thấy gia đình Lykov đã sống cô lập trong khu vực này hàng chục năm trời trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Gia đình Lykov đã dùng những vỏ cây bạch dương thay cho giày, quần áo cứ rách sẽ được vá lại cho đến khi không thể sử dụng được nữa, và sau đó họ sẽ thay thế bằng vải gai dầu được trồng từ hạt giống.

Gia đình Lykov đã mang theo một chiếc máy quay sợi thô sơ, di chuyển chúng từ nơi này sang nơi khác cho đến khi họ dần đi sâu vào vùng hoang dã. Có một vài chiếc ấm họ mang theo đã phục vụ tốt trong nhiều năm, nhưng rồi khi bị gỉ sét, họ đã phải dùng vỏ cây bạch dương để thay thế. Những thứ này không thể đặt trong lửa, nên việc nấu ăn trở nên khó khăn hơn. Vào thời điểm gia đình Lykov được phát hiện, chế độ ăn chủ yếu của họ là khoai tây trộn với lúa mạch đen và hạt cây gai dầu.

Gia đình Lykov đã phải sống trong sự đói khổ nhiều năm. Mãi đến cuối những năm 1950, khi Dmitry đến tuổi trưởng thành, họ mới bắt đầu săn nhốt thú vật để lấy thịt và da. Không có súng và cung tên, họ săn mồi bằng cách đào bẫy hoặc truy đuổi con mồi đến khi chúng gục ngã vì kiệt sức. Dmitry có một sức chịu đựng đáng kinh ngạc, anh có thể đi săn bằng chân trần vào mùa đông, đôi khi trở về túp lều sau vài ngày, ngủ ngoài trời trong sương giá âm 40 độ.

Suốt 40 năm, một gia đình người Nga sống cô lập trong vùng núi hoang dã tận cùng của Trái đất và cắt đứt mọi liên hệ với nền văn minh nhân loại - Ảnh 6.

Mặc dù vậy, bữa ăn của gia đình vẫn thường xuyên không có thịt và chế độ ăn uống của họ dần trở nên đơn điệu. Động vật hoang dã đã phá hủy mùa màng và Agafia nhớ lại rằng những năm cuối thập niên 1950 là khoảng thời gian đói khát cùng cực. Gia đình Lykov phải ăn rễ cây, cỏ, nấm, ngọn khoai tây và vỏ cây bạch dương. Agafia nói: "Chúng tôi lúc nào cũng đói. Mỗi năm chúng tôi phải họp lại để quyết định nên ăn hết mọi thứ hay để lại một ít hạt giống cho mùa sau."

Đến năm 1961, tuyết bỗng rơi ngay vào giữa tháng Sáu. Sương giá đã giết chết mọi cây trồng. Vào mùa xuân, gia đình Lykov phải ăn giày và vỏ cây. Bà Akulina đã nhường mọi thứ có thể cho các con và năm đó bà chết vì đói. Những đứa trẻ nhà Lykov sau đó đã được cứu bởi một phép lạ: một hạt lúa mạch đen mọc lên trong miếng đậu của họ. Ngay sau đó, họ đã dựng hàng rào và bảo vệ hạt giống cả ngày lẫn đêm để xua đuổi chuột và sóc.

Suốt 40 năm, một gia đình người Nga sống cô lập trong vùng núi hoang dã tận cùng của Trái đất và cắt đứt mọi liên hệ với nền văn minh nhân loại - Ảnh 7.

Sau chuyến thăm của các nhà địa chất, vào mùa thu năm 1981, ba trong số bốn đứa con của ông Karp đã qua đời. Theo ông Peskov, cái chết của họ là kết quả của việc tiếp xúc với những căn bệnh mà họ không có miễn dịch. Savin và Natalia đều bị suy thận, rất có thể là kết quả của chế độ ăn uống khắc nghiệt của họ. Nhưng Dmitry đã chết vì viêm phổi sau khi từ chối lời đề nghị của các nhà địa chất là đưa anh đến bệnh viện bằng trực thăng, nhiều người phỏng đoán có thể anh đã mắc bệnh này từ những người bạn mới quen.

Sau đó, các nhà địa chất đã cố gắng động viên ông Karp và Agafia rời khỏi khu rừng và trở về với người thân. Nhưng không ai trong số họ muốn như vậy. Họ xây dựng lại một túp lều, ngay gần túp lều cũ của họ.

Suốt 40 năm, một gia đình người Nga sống cô lập trong vùng núi hoang dã tận cùng của Trái đất và cắt đứt mọi liên hệ với nền văn minh nhân loại - Ảnh 8.

Ông Karp Lykov qua đời trong giấc ngủ vào tháng 2/1988. Agafia đã chôn ông trên sườn núi với sự giúp đỡ của các nhà địa chất và quay trở lại sống một mình trong túp lều giữa rừng. Khi đã hơn 75 tuổi, bà vẫn sống một mình giữa núi rừng, nhất định không rời đi. Có lẽ, với Agafia, nơi đây mới chính là ngôi nhà thật sự của bà.

(Theo smithsonianmag)

Chia sẻ