Suy thận mạn ở trẻ và những điều cha mẹ cần biết
Suy thận mạn ở trẻ em dễ dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Chỉ có thay thế thận là ghép thận và lọc máu mới giúp trẻ duy trì sự sống.
Đáng lo ngại là ngày càng nhiều trẻ mắc bệnh này.
Bệnh tiến triển âm ỉ
BS Nguyễn Thu Hương – Trưởng khoa Thận lọc máu (BV Nhi TƯ) cho biết, ngày càng nhiều trẻ bị suy thận vào khoa điều trị. Tại BV Nhi TƯ mỗi tháng khoa tiếp nhận từ 2-4 trẻ bị suy thận mãn giai đoạn 4 hoặc 5. Tỷ lệ này ở Mỹ khoảng 10/1 triệu trẻ, ở Nhật từ 5-6 trẻ/ 1 triệu trẻ.
Suy thận mạn chủ yếu do bệnh cầu thận, hội chứng thận hư kháng thuốc, viêm thận lupus hoặc viêm cầu thận cấp mà không được theo dõi, điều trị đúng. Thứ hai do bệnh thận bẩm sinh như thiểu sản thận, luồng trào ngược bàng quang niệu quản, bàng quang thần kinh… Tùy từng nguyên nhân mà lứa tuổi gặp cũng khác nhau. Trẻ từ 2-10 tuổi hay mức hội chứng thận hư và thường là nam hoặc những bệnh lý do viêm thận lupus lại thường gặp ở tuổi từ 10-15 tuổi và nữ gặp nhiều hơn.
BS Hương cho hay, suy thận mãn là bệnh tiến triển từ từ, kéo dài âm ỉ. Đa phần cha mẹ đưa trẻ vào viện ở giai đoạn muộn. Thông thường khi thấy trẻ có biểu hiện chậm lớn, còi so với lứa tuổi, thiếu máu cha mẹ mới đưa con đi khám. Trẻ lúc này thiểu vô niệu có thể bị phù, nặng hơn là cao huyết áp, hôn mê, co giật… khi nồng độ ure creatinin trong máu tăng cao.
“Nhiều cháu bị viêm cầu thận không được theo dõi, gia đình không ý thức được việc nguy hiểm của việc bỏ thuốc. Có trường hợp 7 – 8 năm không được theo dõi, điều trị khi quay trở lại đã thiếu máu rất nặng, cao huyết áp, phù, không đi tiểu nữa. Bởi vậy khi đến viện thường đã ở giai đoạn muộn. Còn những trường hợp bệnh lý bẩm sinh không phát hiện được sớm do gia đình không biết, không sàng lọc trước sinh hoặc không kiểm tra định kỳ… Tuy nhiên, cũng có những trường hợp dù được chẩn đoán thận suy nhưng khi sinh con ra, họ thấy con bình thường, cân năng tốt, hồng hào, bú tốt lại không tiếp tục theo dõi” – BS Hương cho biết thêm.
Suy thận mạn ở trẻ em dễ dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Ảnh minh họa
Thay thế thận để duy trì sự sống khi ở giai đoạn cuối
BS Hương cho biết, việc điều trị bệnh thận phụ thuộc vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn. Những giai đoạn đầu có thể điều trị can thiệp nội khoa để giúp cho trẻ chậm giai đoạn tiến triển của bệnh. Bác sỹ dùng thuốc kích thích tăng hồng cầu. Bệnh nhân có biểu hiện đa niệu, rối loạn điện giải sẽ được dùng các biện pháp điều trị rối loạn điện giải, thăng bằng toan kiềm đảm bảo cho bệnh nhân đủ lượng nước giúp ngăn chặn tiến triển bệnh lâu đến giai đoạn cuối.
Ở giai đoạn muộn 4 – 5 sẽ có 3 phương pháp. Trẻ em chủ yếu dùng phương pháp thẩm phân phúc mạc và thận nhân tạo. Phương pháp thẩm phân phúc mạc ưu tiên vì trẻ em thâm nhập mạch máu phức tạp, rất khó khăn. Ghép thận được coi là phương pháp tối ưu, đem lại cuộc sống bình thường cho người bệnh nhưng nguồn cho thận hiện khó khăn. Nguồn cho tốt nhất là bố mẹ song không phải lúc nào bố mẹ cũng đủ điều kiện cho con.
Theo các chuyên gia, các phương pháp điều trị bảo tồn suy thận mãn chỉ có vai trò kéo dài thời gian ổn định chức năng thận và làm chậm tiến triển của suy thận đến giai đoạn cuối. Bởi vậy để giảm được tỷ lệ trẻ em bị suy thận mãn thì vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em như vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng, phòng và điều trị sớm các nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các bệnh thận bẩm sinh như hẹp khúc nối bể thận niệu quản, trào ngược nước tiểu bàng quang lên niệu đạo, bệnh thận đa nang để có biện pháp điều trị sớm là hết sức quan trọng.
Đối với dị tật bẩm sinh có thể phát hiện được sớm nhờ chẩn đoán trước sinh, siêu âm. Bởi vậy khi mang thai cần thực hiện các biện pháp này. Ngoài ra, sau sinh cũng cần tiếp tục theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Nếu con có suy thận mãn cần đưa trẻ thường xuyên tới tái khám đúng theo chỉ định của bác sỹ và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị, tránh bỏ thuốc…