Hút mỡ bụng: Coi chừng biến chứng!

Theo TGPN,
Chia sẻ

Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM, năm qua có liên tiếp 2 trường hợp bệnh nhân bị biến chứng thuyên tắc động mạch phổi sau khi cắt và hút mỡ bụng. Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, ĐH Y Dược TPHCM, y văn thế giới đã ghi nhận một số trường hợp tương tự: bệnh nhân tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Thẩm mỹ hay điều trị?

TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, trưởng khoa tạo hình - thẩm mỹ - bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, cho rằng, chỉ định tạo hình thành bụng (Abdominoplasty) hay thường gọi cắt da, mỡ bụng dư chia làm 2 loại: mục đích thẩm mỹ và mục đích điều trị. Mục đích điều trị thường chỉ định trên những người béo phì, lượng da và mỡ dư ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt, lao động làm việc của người bệnh. Còn mục đích thẩm mỹ thì ai cũng rõ: người béo phì luôn mong có một thân hình cân đối hơn. Đặc biệt chị em phụ nữ rất tha thiết để bỏ đi được lớp mỡ bụng dư thừa, mong tìm lại chút xuân sắc thời con gái.

Thủ thuật cắt mỡ bụng là thủ thuật cắt bỏ cả phần da và mỡ thừa vùng bụng (chủ yếu là dưới rốn), làm thon gọn phần bụng, phục hồi hình dáng thon gọn của cơ thể. Bác sĩ phẫu thuật có thể lấy một phần nhỏ nếu phần da dư và mỡ bụng ít hay lấy rộng nếu phần da dư và mỡ bụng nhiều.

Biến chứng thuyên tắc động mạch phổi

Vì sao khi cắt mỡ bụng, biến chứng thường là thuyên tắc động mạch phổi? Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, động mạch phổi nhận máu từ tâm thất phải rồi bơm lên phổi, qua các mao mạch phổi và phế nang máu được nhận thêm oxy biến từ màu đỏ sẫm sang màu đỏ tươi và trở về tâm nhĩ trái, từ tâm nhĩ trái về tâm thất trái và được bơm đi khắp cơ thể nuôi sống và duy trì hoạt động của các tế bào, nhất là những tế bào của các cơ quan nhạy cảm và quan trọng như tế bào não, tim, gan, thận... Vì một nguyên nhân nào đó thường là không khí, nước ối, hay tế bào mỡ... chui vào lòng tĩnh mạch trôi về tâm nhĩ phải, đến tâm thất phải và lên động mạch phổi, gặp hàng rào mao mạch phổi bị tắc lại ở đó gây suy hô hấp cấp, suy tim cấp và dẫn đến tử vong nếu số lượng thuyên tắc nhiều và không chẩn đoán ra để cứu chữa kịp thời.
 

Trong phẫu thuật hút và cắt mỡ bụng cũng vậy, động tác hút và cắt mỡ sẽ làm tổn thương các tĩnh mạch dưới da bụng. Nếu cắt nhiều hay hút nhiều thì nguy cơ các tế bào máu hoặc không khí sẽ đi theo vết thương tĩnh mạch về tim do sức hút của tim và áp lực âm của lồng ngực khi bệnh nhân hít vào, rất không may nếu như các tế bào mỡ hoặc không khí đi vào động mạch phổi làm thuyên tắc động mạch phổi và gây tử vong. Tỷ lệ bị biến chứng này ở những người cắt và hút mỡ bụng là từ 5 đến 10/10.000 trường hợp. Tỉ lệ này tỷ lệ thuận với mức độ cắt hay hút mỡ bụng nhiều.

Tuổi tác không phải là rào cản lớn nhất

TS.BS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, tuổi tác không phải là yếu tố chống chỉ định cho mổ cắt da và mỡ bụng vì chỉ định cắt da và mỡ bụng phụ thuộc nhiều yếu tố. Nếu tuổi còn trẻ mà có nhiều yếu tố nguy cơ như bệnh tiểu đường, tim mạch và một số bệnh nội khoa khác, thì cũng không nên mổ, ngược lại, tuổi đã nhiều nhưng tình trạng toàn thân khỏe mạnh thì vẫn có thể thực hiện lấy da và mỡ dư thừa vùng bụng.

Còn PGS.TS Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, trước khi làm phẫu thuật này, các bác sĩ thẩm mỹ nên giải thích rõ cho bệnh nhân khả năng xảy ra thuyên tắc động mạch phổi và phẫu thuật nên làm ở những bệnh viện lớn có khoa hồi sức và có những thầy thuốc giỏi có kinh nghiệm trong cấp cứu thuyên tắc động mạch phổi. Thông thường, bệnh nhân sau phẫu thuật đột ngột đau ngực dữ dội giống như nhồi máu cơ tim cấp, suy hô hấp cấp gây khó thở nhiều và nồng độ oxy trong máu giảm xuống rất nhanh. Vì vậy, bệnh nhân cắt mỡ bụng cần được cấp cứu ngay bởi những bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này mới mong thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Chia sẻ