Sự vô nhân đạo của chế độ TUẪN TÁNG: Chôn người sống với khát vọng 'không cô đơn' ở thế giới bên kia, quá trình chờ chết trong hầm mộ khiến hậu thế phẫn nộ
Người bị ép tuẫn táng đa phần không cam tâm tình nguyện, nhưng thân phận thấp bé, không thể đấu lại cường quyền (đặc biệt là Hoàng đế) nên chỉ đành chấp nhận số phận.
Hoàng đế Trung Quốc thời phong kiến có quyền lực rất lớn, không chỉ khi họ còn sống mà còn thể hiện quyền lực sau khi chết đi. Điều này đã tạo ra một chế độ rất tàn ác ở Trung Quốc - tuẫn táng.
Tuẫn táng, hay nói đơn giản hơn là “chôn” người sống cùng người chết, mang theo hy vọng có người hầu hạ ở thế giới bên kia.
Tuẫn táng khác với bồi táng, bồi táng là chôn cùng người chết những đồ vật mà họ yêu thích, hoặc những người thân thương sẽ được chôn cùng một hầm mộ sau khi những người này qua đời.
Tuẫn táng - sự vô nhân đạo của giai cấp cầm quyền
Chế độ tuẫn táng ở Trung Quốc đã có lịch sử lâu đời, ngay từ khi khai quật khảo cổ học của các xã hội bộ lạc, chẳng hạn như Văn hóa Lương Chử và Văn hóa Nhị Lý Đầu, nhiều hố chôn tuẫn táng đã được phát hiện.
Đến thời nhà Thương, tuẫn táng đã trở nên phổ biến. Người bị tuẫn táng không chỉ là nô lệ, mà ngay cả hộ vệ gia đình cũng nằm trong số đó. Hơn nữa, nhiều nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng những hộ vệ này đã tự nguyện xuống mồ cùng chủ nhân, vì không tìm thấy dấu vết chấn thương hay vật lộn nào trên xương của họ.
Theo thống kê từ giáp cốt văn được khai quật, ít nhất 13.000 người đã được tuẫn táng vào thời nhà Thương, và 3/4 trong số đó xảy ra vào thời Vũ Đinh (Hoàng đế thứ 21 nhà Thương). Lăng mộ của Vũ Đinh, còn được gọi là Lăng mộ Ân Khư, có hơn 100 người bị tuẫn táng. Tuy nhiên, sau Vũ Đinh, số lượng người bị thi hành chế độ này ở triều Thương giảm đi rất nhiều.
Vào thời nhà Chu, tình hình chính trị ổn định và dân số tăng lên, tuẫn táng bắt đầu tăng trở lại, kèm theo là các luật lệ khác. Đầu tiên, nhà Chu quy định chỉ có quý tộc mới có quyền tuẫn táng, dân thường dù giàu có đến đâu cũng không được làm. Thứ hai, có quy định về số lượng người bị tuẫn táng.
Cuốn "Mặc tử - Tiết táng hạ" có ghi chép: Hoàng đế qua đời, số lượng người tuẫn táng từ hàng chục đến hàng trăm; tướng quân và quý tộc qua đời, số lượng không được vượt quá phạm vi của Hoàng đế. Hơn nữa, vào thời Tây Chu, tuẫn táng cũng là một môn học vấn, không phải ai cũng được “chết” cùng Hoàng đế, mà phải có địa vị, ít nhất cũng là người được Hoàng đế coi trọng trong thời gian trị vì.
Chế độ này đã gần như trở thành “một trào lưu” trong tư tưởng vào thời Xuân Thu, quốc gia nào không có nhiều trường hợp tuẫn táng thì không phải nước văn minh.
Dưới triều đại của Tần Vũ Công, nước Tần không mạnh bằng thời kỳ hậu thống nhất sáu nước chư hầu của Tần Thủy Hoàng, và nước Tần thường bị các nước Trung Nguyên khác xem thường. Để đảo ngược tình thế, Tần Vũ Công đã ra lệnh áp dụng tuẫn táng cho tang lễ của ông như các nước khác. Quả nhiên, sau khi Tần Vũ Công qua đời, ông đã được chôn cất cùng 66 người.
Kể từ đó, nước Tần bắt đầu phổ biến chế độ tuẫn táng. Tần Cảnh Công, người kế vị đời thứ tám của Tần Vũ Công, sau khi qua đời đã có gần 200 người tuẫn táng trong hầm mộ của ông.
Đến thời Chiến Quốc, thiên hạ phân tranh, chiến loạn quanh năm, con người trở thành tài nguyên quý giá, nhiều nước cũng bắt đầu phản đối chế độ tuẫn táng, nước Tần lúc này bị xem là man rợ. Vì vậy, vào giữa thời Chiến Quốc, khi Tần Hiến Công nắm quyền, chế độ tuẫn táng đã bị bãi bỏ.
Tại thời điểm này, việc chôn cất người sống không còn là điều được thể chế hóa, và không phải mọi quý tộc sau khi chết đều phải được tiến hành tuẫn táng. Tuy nhiên, vẫn có những vụ tuẫn táng lẻ tẻ. Ví dụ, đầu triều đại Tây Hán, mặc dù Lưu Bang đã công khai phản đối nhưng Hán Cảnh Đế và Hán Võ Đế đều làm tuẫn táng. Trong Mậu lăng của Hán Võ Đế có hàng trăm hố chôn người, nhiều người trong số họ đã bị ném vào sau khi bị cắt làm đôi, và họ có thể là tù nhân hoặc nô lệ.
Nhìn chung, từ nhà Hán đến nhà Tống, tuẫn táng là chế độ bị coi thường, nếu có làm thì phải thực hiện trong giấu giếm.
Sau khi nhà Minh thành lập, Chu Nguyên Chương đặc biệt quan tâm đến vấn đề tuẫn táng. Chưa cần biết nguyên nhân là gì nhưng ông thật sự đã khôi phục lại chế độ tuẫn táng. Bằng chứng là ông đã tuẫn táng gần 30 vị phi tần xuống mồ cùng mình.
Sau khi Kiến Văn Đế lên ngôi, ông đặc biệt ra lệnh phong quan cho các thành viên gia đình của những người phụ nữ bị tuẫn táng xem như là phần thưởng vì đã đồng hành cùng tiên hoàng. Khi Chu Đệ nắm quyền, tuẫn táng thậm chí còn nguy nga long trọng hơn.
Các phi tần cầu xin Chu Đệ đừng “ban tuẫn táng”, hoặc là để mình chết trước Hoàng đế. Sau khi Chu Đệ qua đời, hoàng hậu, 16 phi tần và cung nữ có địa vị thấp đều bị tuẫn táng.
Cho đến thời nhà Thanh của Thuận Trị, khi Đổng Ngạc phi qua đời, Hoàng đế đã cho tuẫn táng hơn 30 cung nữ. Sau khi Thuận Trị qua đời, Khang Hi lên ngôi và ban hành chiếu chỉ cấm hoàn toàn tuẫn táng. Kể từ đó, chế độ an táng tàn nhẫn này chính thức bị chôn vùi vào dòng lịch sử.
Sự giày vò trong hầm mộ
Nguyên nhân chủ yếu khiến tuẫn táng bị lên án là bắt ép người sống phải xuống mồ cùng người chết. Đồng thời, những gì mà người bị ép tuẫn táng phải chịu đựng sau đó thật sự quá sức tưởng tượng.
Sau khi được đưa xuống lăng mộ và đóng kín tất cả lối ra, người bị tuẫn táng đa phần chết ngạt do thiếu oxy. Thậm chí còn có trường hợp người sống bị cho vào quan tài rồi đóng đinh. Ban đầu họ giãy giụa kêu gào, sau đó dần mất hết sức lực, tâm trí hoảng loạn, hôn mê và chết đi. Do đó người trong trường hợp này thường chết nhanh hơn.
Ở trường hợp khác, người bị tuẫn táng chỉ đơn giản bị nhốt trong lăng tẩm rộng lớn. Họ không có thức ăn và nước uống, dưỡng khí giảm dần, sẽ chết đi trong vòng 1-2 ngày. Nhưng số lượng người bị tuẫn táng không phải một, mà là hàng chục hàng trăm người. Quá trình chờ chết của nhóm người này diễn ra rất kinh khủng. Họ hoảng loạn tâm trí, cấu xé lẫn nhau, thậm chí còn xảy ra trường hợp ăn thịt nhau để tồn tại.
Những người chết đi mong muốn thực hiện tuẫn táng với khát vọng sẽ có người sống cùng mình ở thế giới bên kia, từ đó mang đến sự thỏa mãn và an tâm với cái chết của họ. Song sự thỏa mãn này chỉ mang tính một chiều. Người bị ép tuẫn táng đa phần không cam tâm tình nguyện, nhưng thân phận thấp bé, không thể đấu lại cường quyền (đặc biệt là Hoàng đế) nên chỉ đành chấp nhận số phận. Do đó, chế độ này đã khiến người thời bấy giờ phẫn uất và lên án vì quá vô nhân đạo.
Nguồn: The Paper