Canh giữ hoàng lăng đáng sợ đến mức nào? Cung nữ thà xuống mồ cùng Hoàng đế còn hơn phải phục vụ ở nơi sống không bằng chết này
Hoàng đế băng hà được an nghỉ trong hầm mộ rộng lớn, cùng với đó là một nhóm cung nữ giữ lăng. Giữ lăng, nghe có vẻ là một công việc nhàn hạ, nhưng phải ở trong cuộc mới biết, “thà tuẫn táng cùng Hoàng đế, còn hơn phải giữ lăng”. Vậy giữ lăng là nhiệm vụ đáng sợ đến mức nào?
Các Hoàng đế thời phong kiến Trung Quốc thường xây dựng hoàng lăng từ rất sớm trong thời gian trị vì của mình. Họ phải chuẩn bị sớm vì hoàng lăng thường có quy mô rất lớn, thời gian xây dựng trong vài năm, thậm chí hơn chục năm mới hoàn thành. Như lăng mộ của Tần Thủy Hoàng vẫn chưa được xây dựng xong khi ông băng hà.
Mà tang lễ của Hoàng đế không chỉ xây dựng lăng tẩm là xong, mà còn chuẩn bị các loại vàng bạc châu báu làm vật bồi táng, sống là vua một nước thì chết đi cũng phải cao quý tôn nghiêm.
Song nhiêu đây thôi vẫn chưa đủ, một số vị Hoàng đế tàn bạo còn áp dụng tục lệ tuẫn táng, ép người sống xuống mồ cùng với mình, hy vọng cuộc sống sau khi chết vẫn có kẻ hầu người hạ, phi tử đủ đầy. Mặc dù về sau đã bị loại bỏ, nhưng tuẫn táng vẫn là tục lệ khiến người đời nghe đến là kinh hãi.
Chế độ tuẫn táng tàn nhẫn
Chế độ tuẫn táng manh nha xuất hiện từ thời nhà Thương và bắt đầu được thực thi vào thời Xuân Thu Chiến Quốc nhưng vẫn chưa phổ biến rộng rãi và chỉ có một số vương công quý tộc mới áp dụng. Ngô Vương Ngô Hạp Lư đã bắt thái giám, cung nữ, thậm chí là thường dân trong kinh thành để tuẫn táng con gái đã mất của mình. Cách thức tuẫn táng sử dụng người sống này khiến người thời bấy giờ không khỏi khiếp sợ.
Các Hoàng đế Trung Quốc thời xưa tin rằng họ sẽ đến một thế giới khác sau khi chết và vẫn muốn có người phục vụ mình. Vì vậy họ đã đưa thái giám và cung nữ cùng xuống “suối vàng”. Số lượng người bị tuẫn táng dao động từ hàng chục đến hàng trăm, không chỉ bao gồm những người ở tầng lớp thấp như nô tỳ, nô lệ, mà còn có các phi tần trong hậu cung, thậm chí là quan đại thần trong triều.
Ví dụ, vào thời nhà Minh, Hoàng đế Chu Nguyên Chương đã ra lệnh tuẫn táng hơn 70 phi tần trong hậu cung trước khi qua đời.
Khách quan mà nói, cách làm này rất tàn nhẫn và vô nhân đạo, nó tước đoạt quyền được sống con người chỉ để thỏa mãn niềm tin của Hoàng đế phong kiến. Nên trong suốt chiều dài lịch sử, rất ít Hoàng đế áp dụng chế độ này vì rất dễ gây bất ổn xã hội, thậm chí bạo loạn, không phải vị thiên tử nào cũng gánh được hậu quả này.
Tuẫn táng bị lên án, “thủ lăng” được hình thành
Với sự thay đổi của các triều đại, chế độ tuẫn táng đã bị nhiều Hoàng đế bãi bỏ. Vào thời nhà Thanh, Hoàng đế Khang Hi thậm chí đã ban hành lệnh bãi bỏ hoàn toàn, tuy nhiên, thay vào đó là những quy định mới xuất hiện và đó chính là tục lệ “thủ lăng” (trông coi lăng tẩm, giữ lăng). Mỗi vị Hoàng đế qua đời, một nhóm người được gửi đến lăng mộ, không làm chuyện gì to tát, chỉ một nhiệm vụ duy nhất: giữ lăng.
Quy định này lần đầu tiên xuất hiện vào thời Tây Hán, sau cái chết của Lưu Bang, Lữ hậu độc ác đã bắt ép các phi tần trong hậu cung đến lăng mộ của Hán Cao Tổ để giữ lăng. Không ngờ từ đó về sau, việc này đã trở thành một tục lệ.
Thật ra, “thủ lăng” chính là canh giữ linh bài của Hoàng đế, bảo vệ an toàn cho lăng tẩm. Bên trong có rất nhiều vật bồi táng trân quý nên chắc chắn thu hút vô số kẻ trộm mộ, vì vậy phải có người túc trực canh giữ.
Tuy nhiên, những người chịu trách nhiệm giữ lăng không chỉ có thái giám, cung nữ mà còn có nhiều phi tần, chẳng hạn như những phi tần được Hoàng đế sủng ái nhưng lại không sinh được con.
Những phi tần không con này cũng không thể trở về quê nhà vì họ đã là thê thiếp của hoàng thượng, cho nên phái đi canh giữ lăng tẩm là thích hợp nhất. Đó là còn chưa kể đến rất nhiều phi tử chưa từng gặp mặt Hoàng đế, hữu danh vô thực, chưa nhận được sủng hạnh thì đã trở thành góa phụ.
Một điểm chung của các cung nữ và phi tần giữ lăng là phần lớn đều còn khá trẻ, một khi tiến vào hoàng lăng, đồng nghĩa với việc cuộc đời về sau chấm dứt tại đây. Họ trở thành một phần của lăng mộ, không thể trốn thoát, mà có muốn cũng không dám trốn đi, vì nếu bị phát hiện sẽ bị xử tử ngay, đồng thời còn khiến gia đình bị bôi tro trát trấu và mang đến họa sát thân cho người nhà.
Nhưng nếu không chạy trốn, họ phải sống suốt phần đời còn lại trong cô đơn buồn tẻ nơi hầm mộ lạnh tanh, “sống không bằng chết”.
Cung nữ giữ lăng phục vụ Hoàng đế đã chết như thế nào?
Những cung nữ sở dĩ “thà tuẫn táng còn hơn đi giữ lăng” là vì họ phải chịu đựng quá nhiều, tuy rằng cùng giữ lăng với rất nhiều người khác, nhưng họ không được nói chuyện tự nhiên, cũng như các hoạt động giải trí bình thường khác, chứ đừng nói là chơi đùa chạy nhảy. Bởi lẽ hoàng lăng luôn yêu cầu sự tôn nghiêm nên cười đùa là đại bất kính. Một khi bị phát hiện, lính canh trực tiếp xử tội mà không cần chờ đến quyết định của quan lớn, thậm chí là xử tử ngay tại chỗ.
Vì vậy, các cung nữ giữ lăng phải sống thật thận trọng, không dám to tiếng, cũng không thể nói chuyện với người khác. Sống dưới áp lực và môi trường này thời gian dài thường gây ra những vấn đề trong tâm lý và sức khỏe tinh thần.
Hơn nữa, họ cũng không hoàn toàn sống trong lăng, mà mỗi người đều có nhiệm vụ riêng, như quét dọn, nấu nướng, thường xuyên thay đồ cống phẩm cho linh đường của Hoàng đế, ngay cả việc sửa chữa phòng ốc nặng nhọc cũng phải tự làm, sức khỏe bị ảnh hưởng, mắc bệnh nặng cũng không ai quan tâm. Nói trắng ra, cung nữ giữ lăng là nhóm người bị bỏ rơi, tự sinh tự diệt.
Ngoài ra, ở trong lăng tẩm của người chết tất nhiên sẽ có cảm giác quỷ dị đáng sợ. Phải biết rằng, nơi đây không chỉ an táng Hoàng đế, mà còn có các phi tần, đêm đến đặc biệt đáng sợ. Mặc dù đây chỉ là một loại ảnh hưởng tâm lý, nhưng nếu bị giày vò lâu dài chắc chắn khiến đầu óc mụ mị, tinh thần sa sút. Rất nhiều cung nữ giữ lăng đều vì nhiều nguyên nhân mà qua đời trong vòng vài ngày. Không ít người đã chọn cách kết liễu đời mình để không còn chịu cảnh “sống không bằng chết” này. “Tuẫn táng cùng Hoàng đế còn sướng hơn phải đi giữ lăng” quả thật không ngoa một chút nào!
Nguồn: Sohu