Sự thực về phương pháp Ohsawa giúp chữa bệnh ung thư được "bác sĩ" Hà Duy Thọ "tuyên truyền"
Phương pháp Ohsawa hay chính là kiểu ăn thực dưỡng, được "bác sĩ" Hà Duy Thọ cho là có tác dụng trị ung thư, một lần nữa lại khiến người ta bàn tán xôn xao.
Mới đây, thông tin "bác sĩ" Hà Duy Thọ nổi tiếng khắp mạng xã hội Facebook, Tiktok bị phạt hơn 100 triệu đồng về việc khám chữa bệnh không phép, bán sản phẩm không rõ nguồn gốc khi chưa có giấy phép hoạt động, gây xôn xao cộng đồng. Trong đó, ông Hà Duy Thọ cũng thường xuyên giới thiệu và đăng tải các clip phổ biến giới thiệu về phương pháp chữa bệnh dinh dưỡng, ung thư, gây ra không ít hiểu lầm cho người xem.
Khi kiểm tra nhà ông Thọ, tại bàn dùng khám, tư vấn, đoàn kiểm tra phát hiện có "Phiếu khấn nguyện trước khi ăn", phiếu phương pháp OHSAWA công thức số 6, công thức số 7 (phương pháp thực dưỡng) có ghi thông tin "bác sĩ" Hà Duy Thọ.
Tìm hiểu thực hư về phương pháp Ohsawa, bức màn dần hé lộ những sự thật nhiều người không hay biết.
Phương pháp Ohsawa có nhiều điểm bất ổn, ngay từ người phát minh
Đầu tiên là bản thân phương pháp Ohsawa. Phương pháp ăn uống này, nói ngắn gọn là ăn thực dưỡng, trước đây đã có một số nghiên cứu chứng tỏ đem lại lợi ích sức khỏe nhưng chỉ ở mức giới hạn và không được thừa nhận rộng rãi.
Theo trang Medical News Today, đây là chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt nhằm giảm độc tố. Bạn sẽ ăn ngũ cốc nguyên hạt, rau quả, tránh thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm đã qua chế biến, đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa muối, đường...
Duy trì chế độ ăn với những thực phẩm giàu dinh dưỡng như vậy giúp cải thiện sức khỏe cho một số người. Các nghiên cứu cho thấy, một chế độ ăn bao gồm nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật, ít chất béo giúp giảm cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, kiểm soát đường huyết nên cũng tốt cho người mắc bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu vào năm 2015 đăng tải trên trang Medical News Today cho thấy, chế độ ăn thực dưỡng giúp giảm viêm, giảm nguy cơ ung thư khi so sánh với chế độ ăn chuẩn của người Mỹ... Ngoài ra, phương pháp này cũng được coi là một trong những biện pháp giảm cân hiệu quả, giảm huyết áp.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tình trạng bệnh chỉ cải thiện trong thời gian ngắn hoặc trung hạn. Các nhà nghiên cứu không biết liệu nó có hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh như bệnh tiểu đường về lâu dài hay không. Cũng theo nghiên cứu, phương pháp này cũng chỉ manh nha giúp giảm viêm nên suy ra là giảm nguy cơ ung thư chứ không có một tuyên bố nào chắc như đinh đóng cột rằng "ăn gạo lứt muối mè trị ung thư" cả.
Đặc biệt, khi tìm hiểu về người khai sinh ra phương pháp Ohsawa, người ta phát hiện nhiều bất ngờ. Tác giả phát minh ra phương pháp Ohsawa, tên Georges Ohsawa, tên khai sinh Sakurazawa Nyoichi.
Ông này không phải giáo sư, cũng không được đào tạo chính quy trong khoa học và y tế. Ông không tham gia nghiên cứu khoa học, dành phần lớn cuộc đời viết sách và phổ biến về triết lý cũng như lối sống thực dưỡng.
Những gì ông viết trên sách không dựa trên dữ liệu thực nghiệm hay hệ thống mà phần lớn là quan điểm và quan sát cá nhân. Đặc biệt, tác giả của phương pháp thực dưỡng mất vì bệnh tim, hưởng thọ 74 tuổi. Dường như không phải cứ áp dụng phương pháp ăn kiểu thực dưỡng là có thể yên tâm sống thọ trăm tuổi cũng như không mắc bệnh mãn tính.
Không có nghiên cứu khoa học khẳng định "ăn gạo lứt muối mè trị ung thư" như thực dưỡng đề ra
Theo Viện Ung thư quốc gia Mỹ (NCI), cho đến hiện tại, chế độ ăn thực dưỡng có thể là một liệu pháp điều trị ung thư vẫn chỉ là những lời đồn thổi, là câu chuyện chỉ có trong giai thoại. Nó không phải, không thể và chắc chắn không nên được sử dụng như một sự thay thế trong điều trị ung thư, bất kể đó là loại ung thư nào. Tóm lại, đây là phương pháp chữa ung thư không được y khoa công nhận, dù nó đem lại nhiều lợi ích sức khỏe như trên đã đề cập.
Viện Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh tuyên bố: "Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng chế độ ăn uống thực dưỡng có thể điều trị hoặc chữa khỏi bệnh ung thư hoặc bất kỳ bệnh nào khác".
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo "chế độ ăn ít chất béo, chất xơ bao gồm chủ yếu là các sản phẩm thực vật" nhưng kêu gọi "người mắc bệnh ung thư không nên dựa vào phương pháp ăn kiêng như một phương pháp điều trị chính hoặc duy nhất".
Ngay cả khi đem lại nhiều lợi ích sức khỏe, giới y khoa cũng khuyến cáo không ăn thực dưỡng trường kỳ vì bất cứ mục đích nào. NCI cảnh báo, phương pháp thực dưỡng có thể dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu hụt đạm, canxi, sắt, vitamin D, vitamin B12. Một người đang mắc bệnh nhưng để cơ thể thiếu nhiều chất dinh dưỡng quan trọng, cơ thể suy kiệt rồi ốm yếu thêm sẽ rất khó tránh.
Theo BS Nguyễn Quang Hiếu (chuyên khoa Ngoại, làm việc tại TP.HCM), cho đến thời điểm hiện tại, không hề có một báo cáo y khoa nào về việc thực dưỡng hoàn toàn chữa được ung thư hay các liệu pháp dân gian, hay dùng thuốc Đông y đơn thuần có thể chữa được hoàn toàn bệnh ung thư.
Vậy nhưng trong thực tế, không thiếu những bệnh nhân ung thư bỏ dở quá trình điều trị, không tuân thủ phác đồ chữa bệnh vì tin vào thực dưỡng, vào phương pháp Ohsawa, vào những thứ thần thánh mang tên gạo lứt, muối mè. BS Ngô Đức Hùng (Khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, anh đã từng chứng kiến khá nhiều bệnh nhân suýt mất mạng vì ăn thực dưỡng. Tại khoa của BS Hùng, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện sau khi ăn thực dưỡng, phải đưa vào cấp cứu.
Với BS Ngô Đức Hùng "Tuyên truyền thực dưỡng chữa ung thư là một tội ác". "Việc lựa chọn phương pháp điều trị là của mỗi người. Nhưng lợi dụng sự cả tin, bối rối của người bệnh để xúi bệnh nhân, nhất là bệnh nhân ung thư, đặt niềm tin sai chỗ là tội ác. Hãy lắng nghe cơ thể mình, ăn uống một cách cân bằng nhất có thể, có bệnh thì phải đi gặp bác sĩ, đến bệnh viện tuân thủ điều trị chứ đừng dại dột nghe bất cứ lời khuyên chữa bệnh nào trên mạng", BS Hùng nhắn nhủ.
Hôm nay chúng ta có một "bác sĩ" Hà Duy Thọ nhưng ngày mai vẫn còn vô số những vị tự xưng bác sĩ, chuyên gia tuyên truyền ra rả những lợi ích thần thánh của thực dưỡng ở ngoài kia. Đội ngũ này quá đông đảo, quá nguy hiểm, đang ra sức "lùa gà, mị dân", bất cứ ai cũng cần đề cao cảnh giác.