Sự thật kiểu ăn Ohsawa: Người Nhật bị ung thư không ai bỏ viện để ăn thực dưỡng như ở Việt Nam
Nhật Bản có tỷ lệ ung thư cao với 248 bệnh nhân mới trong 100.000 dân so với 151 bệnh nhân mới của Việt Nam nhưng các bệnh nhân tại Nhật không ai bỏ điều trị để theo thực dưỡng.
Chưa có bằng chứng khoa học
TS Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết, thực dưỡng xuất phát từ Châu Âu, sau đó du nhập vào Nhật Bản từ những năm 30 của thế kỷ trước. Triết gia Nhật Bản là George Ohsawa đã tập hợp và đúc kết các nguyên lý chính của thực dưỡng, sau đó Michio Kushi, môn đệ của Ohsawa, có công phổ biến thực dưỡng ra thế giới.
Theo đó, thực dưỡng không chỉ là một cách ăn uống mà còn là một triết lý sống, dựa trên cân bằng âm dương, vận động ngũ hành, kết nối với vũ trụ… Tuy nhiên, đó chỉ là những suy đoán, tự tưởng tượng của những người theo trường phái này chưa có bằng chứng khoa học.
Không có cơ sở khoa học chứng minh thực dưỡng chữa khỏi ung thư.
Thực dưỡng đề cao chế độ ăn dựa trên ngũ cốc nguyên cám, đậu, gạo lứt, rau củ quả trồng tại chỗ, rong biển, trái cây, hạn chế thịt (nhất là thịt đỏ), mỡ, trứng, các loại thực phẩm đóng hộp, đường tinh luyện hoặc có dùng các loại phân bón, thuốc trừ sâu… cùng với chế độ ăn là phương pháp dưỡng sinh, vận động thích hợp.
Một số lời khuyên của thực dưỡng như: hạn chế thịt đỏ, các thực phẩm đóng hộp… cùng với việc vận động cũng giống với các hướng dẫn dinh dưỡng hiện nay.
Đối với người Việt Nam không có thói quen ăn thịt đỏ (bò, cừu…), chủ yếu người Việt ăn thịt trắng (heo, gà) và bữa ăn lúc nào cũng có chén canh rau nên lời khuyên hạn chế thịt đỏ là không cần thiết đối với người Việt.
Không nên xa lánh thịt, dầu mỡ
Bác sĩ Vũ cho rằng, protein và chất béo là thành phần phải có trong cấu tạo cơ thể, các cơ quan quan trọng như: tim, gan, phổi… đều được tạo thành từ protein và chất béo, do đó chúng ta không nên quá sợ và hạn chế quá mức các chất này.
Các loại acid béo thiết yếu omega 3, omega 6 rất tốt cho tim, mắt, não… và chỉ có được qua các loại thực phẩm như: cá, dầu ô liu, đầu đậu nành… do đó nếu quá hạn chế thịt, dầu mỡ sẽ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch… có thể dễ bị nhiễm bệnh hơn.
Mặc dù được quảng cáo rầm rộ với những trường hợp hết bệnh ung thư nhờ thực dưỡng, nhưng tính xác thực của các nhân vật đó còn bỏ ngỏ và rất hoài nghi.
Hiện tại chưa có nghiên cứu nào chứng minh thực dưỡng có hiệu quả phòng ngừa hoặc điều trị bệnh, nhất là bệnh ung thư, ngược lại đã có nhiều người bị suy dinh dưỡng và nguy kịch. Các cơ quan lớn về phòng chống ung thư hiện nay không khuyến khích người bệnh tuân theo phương pháp này.
Một bệnh nhân tử vong vì thực dưỡng chữa bệnh.
Theo bác sĩ Vũ ung thư là bệnh lý mạn tính với thời gian điều trị kéo dài, do đó bệnh nhân luôn cần một cơ thể khỏe mạnh để chống bệnh tật.
Ung thư như loài tầm gửi sẽ hút chất dinh dưỡng của bệnh nhân, do dù bệnh nhân khỏe hay yếu, do đó chế độ ăn kiêng kem hoặc bỏ đói khối u đều là phản khoa học, làm cơ thể suy dinh dưỡng, mất sức đề kháng làm bệnh nặng hơn, dễ nhiễm thêm các bệnh khác và rất độc ác nếu bắt bệnh nhân làm theo điều này.
Bệnh nhân ung thư cần duy trì chế độ ăn cân đối, đầy đủ các chất, ăn nhiều bữa, uống nhiều nước, vận động hợp lý sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, chống chọi tốt hơn với bệnh.
Ngoài ra, thực hành thực dưỡng không đơn giản và tiết kiệm như vẫn được tuyên truyền do rất ít người có khả năng tự trồng các loại rau, củ, các sản phẩm hữu cơ thì không hề rẻ.
Bác sĩ Vũ cung cấp thêm Nhật Bản có tỷ lệ ung thư cao hơn Việt Nam với 248 bệnh nhân mới trong 100.000 dân so với 151 bệnh nhân mới của Việt Nam và các bệnh viện tại Nhật có rất nhiều bệnh nhân ung thư nhưng không ai bỏ điều trị để ăn thực dưỡng hoặc thực phẩm chức năng.
Bác sĩ Vũ nhấn mạnh việc ăn uống điều độ, đủ chất là quan trọng nhất trong duy trì sức khỏe. Mọi người có thể làm theo thực dưỡng miễn là thấy thoải mái nhưng đừng tự ép buộc mình vào việc kiêng kem quá mức sẽ làm suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng và đừng bỏ điều trị nếu chẳng may bị bệnh.