Sự thật đáng sợ phía sau những miếng thịt bò khô "siêu bẩn", chính người bán cũng không dám ăn

Đậu Đậu,
Chia sẻ

Vấn đề vệ sinh trong quá trình chế biến chỉ là một phần, điều đáng sợ hơn cả là nguyên liệu làm ra bò khô đôi khi không phải là thịt bò nguyên chất, mà đã được phù phép từ thịt lợn chết, hay từ phổi lợn ướp hóa chất.

Những ngày đầu năm, có mứt, có bánh kẹo... nhưng dường như khay bánh kẹo Tết vẫn sẽ chưa đủ nếu thiếu 1 đĩa bò khô. Dai giòn, thơm nức mũi là lý do vì sao thịt bò khô được lòng nhiều gia đình Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. 

Nhưng điều đáng bàn là: Để làm ra thành quả một món bò khô người bán sẽ phải thực hiện qua "cả nghìn" công đoạn phức tạp từ rửa, đun, xé, xào, sấy... Do đó không phải người bán nào cũng đủ có tâm để xử lý cẩn trọng trong từng công đoạn.

Sự thật đáng sợ phía sau những miếng thịt bò khô "siêu bẩn", chính người bán cũng không dám ăn - Ảnh 1.

Vấn đề vệ sinh trong quá trình chế biến chỉ là một phần, điều đáng sợ hơn cả là nguyên liệu làm ra bò khô đôi khi không phải là thịt bò nguyên chất, mà đã được phù phép từ thịt lợn chết, hay từ phổi lợn ướp hóa chất.

Năm nào cũng vậy, cứ đến cận Tết là những thông tin cảnh báo về thực phẩm bẩn, bao gồm cả thịt bò khô... lại khiến mọi người phải xôn xao. Mới đây, một đoạn clip cảnh báo về thực trạng thịt bò khô bẩn đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.

Sự thật đáng sợ phía sau những miếng thịt bò khô "siêu bẩn", chính người bán cũng không dám ăn - Ảnh 2.

(Hình ảnh chụp từ clip).

Bò khô giá rẻ - bẩn đến nỗi chính người bán còn chẳng dám ăn 

Tiêu chí hàng đầu khi đi mua bò khô của người tiêu dùng thường là màu sắc đẹp, hương vị thơm ngon và đặc biệt giá càng rẻ càng tốt. Thậm chí, có nơi bán giá chỉ 100-200 nghìn cho 1kg bò khô. Mức giá này thực sự vô cùng bất thường, bởi giá của 1kg bò tươi đang dao động vào khoảng 250-350 nghìn/kg. Trong khi đó, quá trình chế biến thịt bò khô sẽ có sự hao hụt rất đáng kể, 1kg thịt bò tươi sẽ chỉ cho ra lò khoảng 300g bò khô. Chính vì vậy, hiện nay giá một kg thịt bò khô phải dao động 700-900 nghìn đồng thì mới có thể hoàn vốn.

Câu trả lời cho những sản phẩm bò khô giá rẻ chỉ có thể là vì nguyên liệu kém chất lượng. Trước đây, tại huyện Bình Chánh, TP. HCM, cơ quan chức năng đã phát hiện một cơ sở sản xuất bò khô bằng phổi lợn. Tại thời điểm này, có đến 31kg phổi đang được luộc và 27kg bốc mùi.

4-thucphamban4500-1.jpg

Những miếng phổi heo giả làm khô bò bu đầy nhặng xanh. (Ảnh: CAND).

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng từng phát hiện Công ty TNHH Sản xuất thương mại thực phẩm T.L. ở quận Bình Tân, TP HCM đang trữ hàng nghìn tấn thịt lợn thối và khô bò làm từ loại thịt này. 

Hàng loạt các vụ việc bị phát giác khiến cho người tiêu dùng hoang mang, lo ngại bởi lẽ để biến miếng thịt heo thối thành miếng khô bò thơm phức, ngọt lịm, rất nhiều những loại hóa chất độc hại đã được thêm vào!

Trong một đoạn clip về bò khô bẩn do ANTV thực hiện, có ghi lại cận cảnh quy trình sản xuất bò khô bằng phổi lợn: Đầu tiên, phổi lợn sẽ được mang đi luộc. Sau đó, phổi được nhúng vào nồi nước gồm phẩm màu, hương bò và chất bảo quản để thơm mùi bò và sử dụng được lâu. Sau đó phổi lợn mới được mang đi đun, xé, xào, sấy và được bán ra thị trường.

Cũng theo đoạn clip trên, một người bán hàng vô tư khẳng định với phóng viên "Có cho cũng không bao giờ ăn nhưng bán được thì cứ bán thôi".

Sự thật đáng sợ phía sau những miếng thịt bò khô "siêu bẩn", chính người bán cũng không dám ăn - Ảnh 4.

Ăn bò khô bẩn, coi chừng ôm họa 

Bàn về những túi bò khô không nhãn mác được bày bán nhiều ngoài thị trường, PGS. TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm) cho hay: Những túi bò khô không hề có nhãn mác thì rất có thể là hàng giả. Màu sắc của chúng khá đậm, chứng tỏ đã sử dụng phẩm màu độc hại ví dụ như màu đỏ, vàng…

Vị chuyên gia cảnh báo, sản phẩm bò khô này được bày bán ngoài đường, là môi trường nhiều nắng gió khói bụi nhưng không hề có dấu hiệu hư hỏng, vì thế có khả năng cao đã được tẩm ướp các chất bảo quản. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người ăn.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm) cho biết, từ trước đến nay các chiêu trò để làm thịt bò khô giả có rất nhiều. Có những nơi sử dụng thịt lợn kém chất lượng rồi thực hiện tẩm ướp, có nơi cho dây sắn lẫn vào thịt bò, thậm chí có nơi còn làm bò khô từ phổi lợn… Người sản xuất sử dụng các quy trình tẩm ướp tinh vi đến mức khi ăn chúng ta khó mà phát hiện ra.

Sự thật đáng sợ phía sau những miếng thịt bò khô "siêu bẩn", chính người bán cũng không dám ăn - Ảnh 4.

PGS Thịnh nói, việc sử dụng phổi để thối, vi khuẩn đã xâm nhập để làm thịt bò khô vô cùng nguy hiểm vì nhẽ ra loại thực phẩm này cần phải được vứt đi. Nguy hiểm hơn, nếu mặt hàng này bị tẩm ướp thêm hóa chất, chất tạo màu có nguồn gốc công nghiệp, dạng bột thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe người tiêu dùng. Tích tụ chất độc trong người lâu dần khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư. Nhất là nếu ăn phải bò khô làm từ phổi thì bạn còn có nguy cơ mắc cholesterol cao, gây nên các bệnh tim mạch nguy hiểm vì phổi giàu cholesterol, ăn nhiều không tốt.

Cách phân biệt thịt bò thật, giả:

- Bằng màu sắc: Thịt bò khô thật có màu vàng sẫm, sợi dài, to. Còn loại thịt bò khô giả sẽ có màu đỏ vừa đến đỏ thẫm, sợi nhỏ, ngắn.

- Bằng cách xé sợi: Đối với loại thịt bò khô thật, khi bạn dùng tay xé sợi sẽ phải dùng một lực khá mạnh. Trong khi đó, đối với loại bò khô giả thì chỉ cần miết sợi hoặc miếng thịt, sẽ thấy có màu đỏ thôi ra tay.

- Bằng khứu giác và vị giác: Loại thịt bò khô thật có mùi nồng rất đặc trưng của thịt bò, nhai vào sẽ có vị cay, ngọt, mặn vừa phải... Còn loại giả sẽ có ít mùi bò, mùi nồng, ăn vào lại thấy rất giống thịt lợn. Loại thịt bò khô từ phổi lợn, thớ thịt sẽ không rõ mà dính kết lại với nhau, có lẫn mùi hôi.

Chia sẻ