Sự nghiệp của nhiều nhân vật nổi tiếng bị ảnh hưởng ra sao sau bê bối tuyển sinh đại học ở Mỹ?
Trong ba ngày qua, sự chú ý của thế giới đang đổ dồn về nước Mỹ, liên quan đến đường dây gian lận chạy suất vào các trường đại học danh giá bậc nhất nước này bị phanh phui.
Felicity Huffman và Lori Loughlin bị cáo buộc chi tiền để mua suất học cho con gái. Ảnh: AFP
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, 50 người, gồm 33 phụ huynh và nhiều giáo viên thể dục, được xác định có dính líu đến vụ bê bối tuyển sinh đại học lớn nhất nước này từ trước đến nay. Trong số này, phải kể đến những nhân vật có tiếng trong làng giải trí và doanh nhân, như nữ diễn viên Lori Loughlin, hay chồng cô là nhà thiết kế Mossimo Giannulli, hay cựu Giám đốc điều hành công ty đầu tư Pimco Douglas Hodge. Sự nghiệp của những nhân vật này đã bị ảnh hưởng không nhỏ do vụ bê bối trên.
Crown Media Family Networks, công ty chủ quản kênh Hallmark, đã cắt hợp đồng với Loughlin, và dừng mọi dự án truyền hình liên quan đến nữ diễn viên này. Theo các công tố viên, diễn viên Loughlin cùng chồng đã đồng ý trả 500.000 USD để giúp hai con gái họ có cơ hội được nhận vào Đại học Southern California. Loughlin bị cáo buộc sắp xếp cho con gái mình chụp ảnh để có vẻ như cô là thành viên trong đội chèo thuyền L.A. Marine Club. Trong khi đó, một trong hai con gái của Loughlin là Olivia Giannulli cũng hứng chịu hậu quả. Trang bán hàng mỹ phẩm trực tuyến Sephora chấm dứt hợp đồng đối tác với Olivia và dỡ bỏ mọi sản phẩm làm đẹp của cô khỏi trang này.
Trong khi đó, một số trường đại học có tên trong vụ tai tiếng đang đối mặt với các vụ kiện khác nhau. Hai sinh viên Đại học Stanford là Erica Olsen và Kalea Woods đã đâm đơn kiện do họ đã bị từ chối khi đăng ký học bổng tại hai trường Đại học Yale và Đại học Southern California (USC). Một vụ kiện khác do sinh viên Joshua Toy cùng mẹ tiến hành nhằm đòi khoản bồi thường khổng lồ lên tới 500 tỷ USD từ các đối tượng tham gia đường dây chạy suất học bổng. Anh Toy cho biết đơn xin học bổng của anh đã bị từ chối dù thành tích học tập cũng khá.
Trong hệ thống giáo dục hiện đại bậc nhất của “xứ sở cờ hoa”, không thể không nhắc tới một loạt trường đại học danh giá như Yale, Stanford, Georgetown, Đại học Texas, USC hay UCLA... nơi đào tạo ra những chính trị gia nổi tiếng thế giới hay những nhà khoa học, nghiên cứu kiệt xuất trong mọi lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, để giành được một suất học bổng trong những trường đại học danh giá này là niềm mơ ước của hàng triệu con em trong các gia đình người Mỹ và của nhiều gia đình trên thế giới bởi điều kiện tuyển sinh đầu vào các trường này có tính cạnh tranh khốc liệt.
Do đó, vụ việc gian lận trong tuyển sinh đại học và giả mạo hồ sơ để giúp các học sinh chủ yếu là con của các gia đình giàu có và nổi tiếng giành được một suất học bổng mà họ không xứng đáng có được và khiến nhiều sinh viên thực sự tài năng mất đi cơ hội của mình đã khiến cho người dân Mỹ không chỉ phẫn nộ mà còn hoài nghi về các đặc quyền cũng như vai trò của giới nhà giàu trong xã hội Mỹ. Bằng việc phạm tội “lừa dối” để giúp con cái của họ, những đứa trẻ không thông minh hay có tài năng vượt trội được học trong những tổ chức giáo dục ưu tú, họ đã chứng minh được rằng môi trường đó không phải chỉ dành cho những học sinh thông minh và họ có thể trả tiền cho điều đó và điều này làm tổn hại tới chất lượng cũng như uy tín của hệ thống giáo dục bậc đại học danh tiếng của quốc gia này.