Sự loay hoay của các nước châu Âu trong việc minh bạch hóa và giải thoát phụ nữ khỏi ngành công nghiệp "buôn phấn bán hương"
Đằng sau các khu phố đèn đỏ ở châu Âu là góc khuất mà chính phủ nhiều nước cũng đang đau đầu tìm hướng giải quyết.
"Gái mại dâm đi bán dâm nên được hợp pháp hóa", ủy ban thuộc Đảng Bảo thủ ở Anh khuyến nghị. "Tuy nhiên, mua dâm sẽ vẫn bị coi là bất hợp pháp".
Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ, đã yêu cầu và tư vấn cho chính phủ Anh về các chính sách mới. Họ cho hay, những thay đổi về luật sẽ là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu và thậm chí, xóa bỏ nạn mại dâm.
Những thành viên của Đảng Bảo thủ nói rằng, việc hợp pháp hóa mại dâm sẽ cho phép gái mại dâm rời khỏi ngành mà không bị kỳ thị vì liên quan đến chất cấm, giảm lạm dụng tình dục và buôn bán phụ nữ.
Dự luật này nghe rất khả quan, tuy nhiên cần có những kế hoạch cụ thể để giúp gái mại dâm rời khỏi ngành công nghiệp này, cũng như ngăn phụ nữ bị đàn ông lợi dụng và lạm dụng.
Đảng Bảo thủ của Anh đã đưa ra minh chứng từ các mô hình quản lý ngành công nghiệp tình dục ở các quốc gia Bắc Âu, Ireland và Pháp - khiến số lượng gái mại dâm, số vụ buôn người và các trường hợp tấn công tình dục cũng ít hơn.
Một ví dụ khác mà họ trích dẫn là Ipswich, thành phố ở Anh. Tại đây, có chính sách không khoan nhượng trong việc thu thập thông tin để giúp phụ nữ thoát khỏi ngành công nghiệp "buôn phấn bán hương".
"Những chính sách này đã giúp phụ nữ thay đổi cuộc sống sau khi từ bỏ mại dâm; tạo tiền đề cho việc ngăn chặn người khác tham gia ngành công nghiệp mại dâm, đặc biệt là giới trẻ. Cuối cùng, giúp giảm chi phí cho các dịch vụ tư pháp hình sự", tờ Telegraph dẫn lời ủy ban thuộc Đảng Bảo thủ Anh.
Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, có khoảng 58.000 phụ nữ tham gia bán dâm và mỗi người trong số họ có trung bình 25 khách hàng/tuần.
Trên thực tế, ở châu Âu có 2 mô hình tiếp cận vấn đề mại dâm khá mâu thuẫn: Mô hình hợp pháp hóa mại dâm của Hà Lan - mô hình xử phạt người mua dâm và chủ chứa của Thụy Điển. Cả 2 mô hình này đều có những lợi ích, bất cập và chúng đều ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ.
Mô hình quản lý mại dâm đầy thăng trầm của Hà Lan
Vào ngày 28/10/1999, Hà Lan ban hành luật hợp pháp hóa mại dâm nhằm cải thiện điều kiện sống của gái bán dâm, chống cưỡng bức và buôn bán phụ nữ. Ngoài ra, còn hướng đến chống bóc lột tình dục trẻ em và ngăn chặn hình thành các tổ chức tội phạm liên quan đến mại dâm.
Điều đáng buồn là: Theo số liệu từ Trung tâm Dữ liệu và nghiên cứu Khoa học cũng như cảnh sát Hà Lan thì, tình hình mại dâm sau hợp pháp hóa cũng không khá hơn trước. Có tới 50 - 90% người lao động trong ngành "buôn phấn bán hương" bị ép buộc chứ không phải tự nguyện.
Thậm chí, trong khi nhiều phụ nữ muốn hoàn lương, chỉ có khoảng 6% chính quyền địa phương đưa ra phương án cụ thể để giúp đỡ họ. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Hà Lan khẳng định, nhiều tổ chức tội phạm với quy mô lớn đã kiểm soát thị trường mại dâm hợp pháp.
Tới năm 2008, chính phủ Hà Lan quyết định siết chặt thêm hoạt động mại dâm, nâng tuổi "có thể hành nghề mại dâm" từ 18 lên 21, buộc các cô gái phải đi đăng ký mới được hoạt động.
Từ 10.000 - 15.000 lao động tình dục, đến cuối năm 2017, Hà Lan chỉ còn khoảng 4000 gái mại dâm "có đăng ký" làm việc trong các nhà chứa. Số buồng kính (địa điểm cho gái mại dâm thuê để hành nghề) cũng giảm hẳn so với năm 2007, thế nhưng, số lượng giảm khiến giá thuê tăng, nhiều gái mại dâm phải lên mạng tìm thêm khách để bù lỗ.
Nhiều công đoàn ở Hà Lan lo ngại rằng, tăng tuổi hành nghề mại dâm chỉ khiến hoạt động này rút vào bóng tối. Thậm chí, nhiều quan chức Hà Lan còn khẳng định "phi hình sự hóa mại dâm là sai lầm của quốc gia".
Dù trong luật pháp, hoạt động mại dâm có đăng kí và đóng thuế được coi là hợp pháp - xã hội Hà Lan vẫn tẩy chay gái mại dâm. Nhiều ngân hàng không cho gái mại dâm vay tiền theo kiểu tín chấp; thậm chí họ vẫn bị chủ chứa, ma cô và khách hàng đánh đập tàn nhẫn.
Ngoài ra, nhiều cô gái lo sợ đời tư bị tiết lộ nên không đăng ký hành nghề rồi "làm lậu".
Theo Telegraph, có trên 60% gái mại dâm ở Hà Lan nhập cư bất hợp pháp từ các quốc gia khác. Vì sợ bị trục xuất nên họ tuyệt nhiên không dám tố cáo hoạt động buôn người. Hơn nữa, gái mại dâm không mang quốc tịch châu Âu không được pháp luật bảo vệ nên tỷ lệ bị bóc lột, bạo hành vẫn tăng lên.
Thụy Điển: Cấm nhưng không đến nơi đến chốn
Không hề thông thoáng như Hà Lan, Thụy Điển ban hành luật cấm mua dâm vào năm 1998. Chủ trương lúc đó là xử phạt người mua dâm và chủ chứa. Thế nhưng, kết quả mà nó đem lại chưa đủ thuyết phục, thậm chí gây ra chia rẽ trong xã hội.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp Thụy Điển, hầu như không có người mua dâm nào bị đi tù vì hành vi bị cấm. Nguyên nhân chủ yếu do cảnh sát không thể làm rõ như thế nào là phạm luật, thậm chí bó tay nếu người mua dâm, bán dâm thông đồng với nhau từ trước.
Dẫu vậy, sự "đanh thép trên lý thuyết" của mô hình này vẫn được nhiều nước châu Âu như Na Uy, Iceland, Anh và Pháp học hỏi.
Thế nhưng, một phóng sự của kênh TV2 (Na Uy) vào năm 2011 lại giống như cú tát vào chính phủ khi nghị sĩ Bard Hoksrud bị quay phim khi ông này bước ra khỏi nhà chứa ở Latvia. Theo luật pháp lúc đó của Na Uy, mua dâm trong nước hay ngoài nước đều là hành vi phạm pháp và ông Bard đã phải nộp phạt 3200 euro (khoảng 82 triệu đồng).
Theo một báo cáo của Pro Sentret, trung tâm hỗ trợ gái mại dâm tại thủ đô Oslo của Na Uy thì: Số lượng gái mại dâm bị bạo hành đã tăng lên 59%, so với 52% của năm 2008. Trên thực tế, người đi mua dâm sợ bị phạt nên càng hung hăng và thú tính hơn; còn gái mại dâm trái phép thường xuyên tìm các địa điểm kín đáo, bí mật để hành nghề nên khó có thể được bảo vệ.
Tạm kết
CATW (tổ chức phi chính phủ chống buôn bán phụ nữ) đã nghiên cứu kỹ lưỡng 3 quốc gia đã phi hình sự hóa hoạt động mại dâm trong hơn 10 năm, gồm Hà Lan, Đức và Úc.
Sau hơn 1 thập kỷ, gái mại dâm đã được tôn trọng hơn và có quy chế hành nghề rõ ràng. Thế nhưng, việc hợp pháp hóa - phi hình sự hóa mại dâm lại vô tình khiến ngành công nghiệp "buôn phấn bán hương" tăng lên tới 25% ở Hà Lan; còn ở Úc, số nhà chứa lại tăng lên 3 lần nhưng không thể phủ nhận nó đã tạo đà cho du lịch và các ngành dịch vụ khác.
Còn ở Đức, số liệu về các vụ buôn người của cảnh sát vào năm 2010 đã tăng 70% trong khoảng 5 năm. Trong đó, có tới 1/5 nạn nhân là người chưa đủ tuổi vị thành niên.
Tóm lại, hoạt động mại dâm đã, đang và sẽ là vấn đề nhức nhối, khó kiểm soát ở nhiều quốc gia trên thế giới.