Sống trong "hậu cung ba ngàn giai lệ" nhưng giữ được 4 NGUYÊN TẮC, người phụ nữ này đã nắm trọn trái tim Càn Long - vị vua đào hoa bậc nhất nhì Trung Quốc
Vị hoàng hậu xuất thân từ gia tộc Phú Sát này không chỉ đẹp người mà còn đẹp cả nết.
Từ cổ chí kim, tình yêu là chủ đề muôn thuở trong lịch sử loài người, từ vua chúa đến thường dân, không ai thoát khỏi thứ tình cảm tuyệt diệu đó của nhân loại. Các hoàng đế cổ đại có một hậu cung sở hữu đông đảo những mỹ nhân sắc nước hương trời, người đến sau lại đẹp hơn người đến trước.
Vậy mà trong lịch sử Trung Quốc, lại có một vị hoàng hậu tuy là vợ cả, nhưng lại có thể đánh bật các mỹ nhân trong cung, giữ trọn trái tim của nhà vua, khiến ông thương nhớ đến tận khi băng hà. Người đó chính là Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu, vợ của vua Càn Long. Vậy rốt cuộc, bà là người như thế nào mà có thể nắm giữ được trái tim của người đàn ông được cho là đào hoa bậc nhất nhì Trung Hoa?
Càn Long là hoàng đế thứ 6 của nhà Thanh, nguyên phối là Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu. Theo ghi chép lịch sử, Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu xuất thân từ gia tộc Phú Sát, là một trong những danh gia vọng tộc bậc nhất thời bấy giờ. Không những là gia tộc danh giá, giàu có và quyền lực, tộc Phú Sát còn sở hữu vẻ ngoài rất đẹp, từ nam đến nữ đều rất ưa nhìn.
Năm 16 tuổi, Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu kết hôn với vua Càn Long, khi ấy Càn Long mới 17 tuổi, chưa lên ngôi hoàng đế. Có thể nói, vua Càn Long hết sức may mắn khi cưới được người phụ nữ mình yêu ở cái tuổi trẻ đầy sự bồng bột và thiếu chín chắn. Bên nhau từ khi còn trẻ tuổi, cộng thêm tính cách và nét quyến rũ riêng của mình, đôi phu thê Càn Long và Hiếu Hiền Thuần cùng nắm tay nhau đi suốt mấy chục năm cuộc đời, đến tận khi bà mất rất lâu rồi, Càn Long vẫn thương nhớ khôn nguôi.
Vậy Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu có những ưu điểm gì để Càn Long nhớ mãi không quên và để phụ nữ đời sau nên học tập?
1. Cư xử linh hoạt
Vẻ đẹp đối với đàn ông chỉ là sự quyến rũ nhất thời, tính cách thú vị mới là thứ chinh phục được trái tim của họ vĩnh viễn. Thật lòng mà nói, càng là những người đàn ông ở vị trí cao như Càn Long, họ càng thích những người phụ nữ thông minh nhạy bén, còn phụ nữ chỉ có vẻ ngoài, tâm hồn rỗng tuếch đối với họ có cũng như không.
Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu vừa có mặt sắc sảo, vừa có mặt ngây thơ; bà biết tổng thể nhưng cũng chú ý đến chi tiết. Khi Càn Long bận rộn xử lý công việc triều chính, Hoàng hậu cũng không ngồi rảnh rỗi, bà đã quản lý hậu cung một cách đâu ra đấy, cố gắng hết sức để chuyện hậu cung không khiến Càn Long phải lo lắng, điều này thể hiện khía cạnh khôn ngoan trong tính cách của bà, rất ra dáng một bậc mẫu nghi thiên hạ.
Khi nhà vua không vui, Hoàng hậu sẽ ở bên cạnh và an ủi ông bằng những lời lẽ nhẹ nhàng. Khi Càn Long muốn nghỉ ngơi và thư giãn, bà không ngại cùng ông ra ngoài cưỡi ngựa tiêu khiển, cùng ông giải trí thư giãn đầu óc. Bà không bao giờ quên mình vừa là một hoàng hậu, vừa là một người vợ, và Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu đã làm rất tốt cả hai nhiệm vụ đó. Cư xử linh hoạt khi cần rắn thì sẽ mạnh mẽ cương quyết, lúc cần mềm sẽ như dòng nước hiền hòa.
2. Quan tâm, am hiểu thế giới tinh thần của chồng đúng lúc
Có một lần, vua Càn Long đưa hoàng hậu đi săn bắn trong khu núi tránh nóng của hoàng cung. Ông vô tình kể với bà rằng năm xưa lúc tổ tiên mới ra lập nghiệp buôn bán ở vùng biển, lúc đó vì để tiết kiệm nên đã dùng lông đuôi hươu để may cổ tay áo, chứ chẳng ai giống tộc Bát Kỳ, đeo vàng bạc nặng trĩu tay, vừa hoang phí vừa kiêu ngạo ngông cuồng.
Cứ nghĩ đó chỉ là câu chuyện phiếm giữa hai người, ai ngờ sau khi trở về kinh, Hiếu Hiền hoàng hậu đích thân nhờ người tìm lông đuôi hươu và khâu một chiếc túi nhỏ tặng Càn Long, mang ý nghĩa khuyến khích cổ vũ ông đừng bao giờ quên đức tính sống tiết kiệm của mình. Càn Long thấy vậy thì rất thích chiếc túi đó và lúc nào cũng đeo ở bên mình.
Có thể thấy, Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu là một người phụ nữ rất tinh tế, bà để ý từng chút một tới tâm tư, suy nghĩ của chồng mình, bà bước vào thế giới nội tâm của chồng để lắng nghe, thấu hiểu ông. Bảo sao mà dù đã ra đi cả mấy chục năm, Càn Long vẫn thương nhớ bà đến vậy.
3. Thể hiện sự kiên trì, hiểu biết đúng chỗ
Hoàng hậu rất quan tâm đến đời sống và sức khoẻ của nhà vua, bà cũng tự tay chăm sóc ông rất nhiều. Có lần Càn Long bị nổi mụn nhọt trên người, hơn một trăm ngày, ngày nào cũng phải thay băng liên tục. Hoàng hậu lo lắng bàn tay cung nữ thô ráp, vụng về sẽ khiến hoàng đế khó chịu nên đã chuyển đến một gian phòng bên trong cung của nhà vua, tự mình thay băng, thoa thuốc cho nhà vua mỗi ngày.
Bà ở lại chăm sóc liên tục đến khi Càn Long khỏi hẳn mới quay trở về cung của mình. Cả hậu cung to lớn của Càn Long, đâu thấy vị phi tần nào chịu hy sinh đến chăm nom đâu? Hoàng hậu tốt với Càn Long như vậy, Càn Long không động lòng mới là chuyện lạ.
4. Cung kính hiếu thảo với bề trên
Mẹ chồng con dâu vẫn luôn là đề tài nhạy cảm từ trước đến nay, chứ chưa nói đến mẹ chồng con dâu chốn hoàng cung thâm sâu hiểm ác. Hiếu Hiền Thuần sinh ra trong một gia đình quý tộc, là một tiểu thư thật sự. Sùng Khánh Hoàng thái hậu, mẫu thân của Càn Long, lại chỉ là một cô gái trong một gia đình bình thường, tính cách cũng có chút phóng khoáng hơn so với những tiểu thư đài các.
Kể cả sau khi trở thành thái hậu, bà vẫn giữ nguyên tính cách đó không thay đổi. Có thể thấy, mẹ chồng và con dâu có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau, chắc chắn sẽ gặp khó khăn để chung sống hoà hợp. Nhưng Hiếu Hiền Thuần coi thái hậu như mẹ đẻ của mình, dùng cả tấm lòng để chăm sóc bà. Hơn nữa, khi biết lai lịch của thái hậu, bà lại càng đặc biệt chú ý lễ nghi trước mặt mẹ chồng, chứ không vì lý do đó mà kiêu ngạo hay tỏ vẻ. Thái hậu lâm bệnh, hoàng hậu cũng ở bên chăm sóc suốt đêm không nề hà vất vả khó khăn, đây là điều mà sợ rằng đến con ruột cũng chưa tận tâm được như vậy. Yêu thương chồng, hiếu kính mẹ chồng, Càn Long đã yêu lại thêm phần kính trọng Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu.
Không đẹp nghiêng nước nghiêng thành như Dương Quý phi, cũng không quá cá tính mạnh mẽ, sắc sảo phóng khoáng như Võ Tắc Thiên, nhưng Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu như một dòng suối mát dịu êm, nhẹ nhàng, dịu dàng, tinh tế mà thấm sâu vào trái tim của Càn Long, gieo rắc thương yêu cho ông, để rồi khi không còn nữa, không một vị phi tần nào trong cung có thể thay thế được bà trong trái tim của hoàng đế.