Sống thông minh bằng 5 nguyên tắc, vừa thể hiện EQ cao vừa biết cách đối nhân xử thế
Người xưa nói: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”.
Sống ở đời, tai họa từ miệng mà ra, không phải vì mối quan hệ giữa đôi bên tồi tệ thế nào, mà vì không biết chừng mực trong lời ăn tiếng nói.
Một người thẳng thừng nói ra lời mình nghĩ với người khác trong vô ý, để rồi gây mất lòng đối phương, thậm chí bị lợi dụng hay tính toán mà không hề hay biết. Ngược lại, một người biết suy nghĩ thấu đáo trước khi mở lời, để ý đến cảm giác của người xung quanh, thế mà lại sở hữu cuộc sống tốt đẹp hơn bất kỳ ai.
Giao tiếp cũng là một môn nghệ thuật. Vì vậy, dù có thân thiết với ai, hãy ghi nhớ 5 nguyên tắc này:
1. Nói được làm được
“Một lời nghìn vàng, nhất ngôn cửu đỉnh”. Bất kể nói điều gì, chỉ cần thốt ra khỏi miệng thì phải làm được, giữ lời hứa của mình.
Thật vậy, một người không biết giữ chữ tín thì chẳng thể làm nên chuyện.
Người xưa từng nói: “Ngôn tất tín, hành tất quả”. Ý là: Nếu đã nhận lời người khác thì phải làm cho bằng được, đã hứa thì phải thực hiện. Có giữ chữ tín mới được tin tưởng, có làm mới có kết quả. Đạo lý nghìn đời rõ ràng đến thế nhưng nhiều người không thể làm được.
Phẩm chất quý giá nhất của một người là giữ chữ tín. Muốn làm một việc thì rất dễ, nhưng để đạt được một việc thì rất khó. Mà hoàn thành một việc phải mất rất nhiều công sức và nỗ lực, quá trình còn rất nhiều khó khăn cần phải khắc phục và vượt qua.
Người biết nói được làm được chứng tỏ có ý thức và trách nhiệm, xứng đáng được tin cậy và gặt hái nhiều thành công trong cuộc sống.
2. Học cách im lặng
Giao tiếp là một môn nghệ thuật, và im lặng cũng là một phần trong đó. Nói quá nhiều rất dễ để lộ bản thân, hơn nữa còn dễ nói lời thiếu suy nghĩ, kém tôn trọng đối phương.
Có người luôn thích hỏi chuyện riêng tư của người khác hoặc thích thể hiện mình. Mục đích của họ không trong sáng, chỉ muốn đạt được sự tôn trọng và ghen tị của người khác. Đây là thói quen sống không thông minh.
Đặc biệt là những người thích nói và thích “hóng chuyện”, chỉ biết nói mà không biết bình tĩnh lắng nghe thì ắt rước họa vào thân, mối quan hệ thân thiết đến mấy cũng tan vỡ, ai cũng xa lánh. Lắm lúc, im lặng lại là sự tôn trọng lớn nhất dành cho đối phương.
Bạn phải học cách im lặng trong giao tiếp xã hội, vì đây là biểu hiện của người sở hữu EQ cao. Nếu bạn muốn tránh những điều xui xẻo từ miệng của mình thì hãy học cách im lặng!
3. Sống biết khiêm tốn
Người thực sự khôn ngoan không bao giờ bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình bằng lời nói, họ thường dùng hành động để chứng minh rằng họ đúng. Do đó, nếu bạn muốn nổi bật giữa đám đông, đừng quá phô trương.
Khiêm tốn là đức tính tốt, cũng là thái độ sống đầy thông minh. Người càng có năng lực càng phải học cách khiêm tốn. Trên thực tế, người tài giỏi thật sự không thích thể hiện, họ ẩn mình. Ngược lại, người không biết gì thường “thùng rỗng kêu to”.
Quan hệ đôi bên tốt đến mấy cũng đừng phô trương quá nhiều. Hãy khiêm tốn và học cách tán dương ưu điểm của người khác, cũng không đay nghiến với lỗi lầm của bất cứ ai. Bởi lẽ trên đời này chẳng có ai hoàn hảo, “núi đã cao còn có núi cao hơn”.
Biết khiêm tốn, cuộc sống mới trao cho nhiều may mắn và cơ hội. Khoa trương phù phiếm, vận may không thấy đâu, mà tài phú còn tan biến. Bạn đối xử với người khác như thế nào thì bạn sẽ được đối xử như thế đó.
4. Tử tế với người khác
Sống tử tế là nguyên tắc cơ bản nhất của đạo làm người. Nếu muốn giành được sự tôn trọng, trước tiên bạn phải học cách tôn trọng người khác.
Hãy giữ tấm lòng nhân hậu khi đối nhân xử thế, dù hoàn cảnh có ra sao cũng đừng đánh mất phẩm giá làm người.
Tử tế với người khác cũng là cách bảo vệ mình. Bạn sống tốt với người khác, ít nhất bạn cũng được đối xử tốt ngược lại. Mặc dù điều này không thể chắc chắn vì lòng người khó đoán, nhưng dù sao bạn cũng đã sống đúng với lương tâm.
Có lẽ nhiều người sẽ nói: Sống tốt làm gì cho phí vì người ta cũng sẽ làm điều ác với mình. Thế nhưng dù bạn sống ra sao, thì cuộc đời này vẫn tồn tại những cái ác, không thể nào tránh được. Cách để hạn chế tai họa vào thân là sống thật tử tế, để phúc báo ngập tràn.
5. Đối nhân xử thế có chừng mực
Người xưa nói: “Đời người như vở kịch, tất cả đều tùy tài diễn xuất”.
Một người thực sự thông minh sẽ không thể hiện mình trước mặt người khác. Họ biết khi nào nên nói và khi nào không.
Kiềm chế cái tôi của mình, không khoe khoang trước mặt người khác rằng mình nói được, làm được, thông hiểu thế giới.
Nhiều khi lời nói lại như dao bén tạo ra vết thương, như đá đè lên tim, thở không nổi. Hành xử cũng đừng nên “đuổi cùng giết tận”, tuyệt tình đến không thương tiếc.