Sống bất an bên bờ sông sạt lở, đến đám cưới con gái mẹ già cũng không dám tổ chức
Gần 3 ngày kể từ lúc xuất hiện vết nứt dài khoảng 40m, rộng hơn 10cm trên đường ven sông Rạch Tôm khiến nhiều tường nhà nứt toác, gần chục hộ dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất khi “đi không được, ở cũng không xong”.
Chiều 1-6, chúng tôi tìm đến đường 1740 (thuộc ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM), nơi đang diễn ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 7 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Clip: Vết nứt dài 40m khiến người dân hoang mang
Trái với vẻ náo nhiệt hằng ngày khi tàu bè tấp tập vào ra neo đậu để thu mua cá tôm, những ngày qua, cuộc sống người dân nơi đây trở nên trầm lắng, nhiều người dân nơi đây đã đóng cửa bỏ đi nơi khác, số còn lại vẫn tiếp tục cuộc sống hằng ngày với sự bất an.
Vết nứt có độ rộng từ 5-10 cm và ngày càng mở rộng
Chính quyền địa phương đã dùng rào chắn để ngăn không cho xe cộ qua lại đoạn đường này
Ngồi buồn bã một góc, bà Lan (50 tuổi) liên tục ôm mặt vì không biết đám cưới của cô con gái lớn sẽ diễn ra như thế nào khi đường bị nứt, nhà cũng trồi trụt theo. "Mấy bữa nay cô không ăn, không ngủ được, bao dự tính, thuê mướn để lo cho cái đám cưới con giờ đã không còn. Nhà bị như vầy rồi sao mà tổ chức được, sầu quá con ơi...", bà Lan nghẹn ngào.
Những người dân còn ở lại khu vực này đều tỏ ra lo lắng
Ông Mân tranh thủ vá lại tấm lưới rách để tiếp tục mưu sinh
Trong khi đó, tay đan lại tấm lưới rách để bắt cá, ông Trần Văn Mân (80 tuổi) cho biết, đã 2 đêm nay, cả gia đình ông thức trắng đêm lo sạt lở. "Vừa ngủ, tôi vừa phải canh thử nước có lên không, chỉ sợ nó ập vô bất ngờ thì chạy không kịp. Giờ cuộc sống của mình ở đây lâu rồi, đâu phải muốn chuyển đi là được", ông Mân cho biết.
Sự nguy hiểm cận kề khi vết nứt ngày một lớn
Những tường nhà, cổng rào bị nứt toác
Theo ông Mân, vụ sạt lở đã khiến tường nhà ông bị nứt, xung quanh khu vực có dấu hiệu tiếp tục lún sâu thêm khiến cả gia đình rất lo lắng. Để đảm bảo an toàn cho lũ trẻ, ông Mân đã đem gởi chúng cho những người quen, còn người lớn thì vẫn tiếp tục bám trụ để đi chài lưới, đánh bắt cá.
Cũng giống ông Mân, cuộc sống của gia đình anh Lê Quốc Cường (42 tuổi) gắn liền với việc thu mua cá tôm, đi ghe trên sông Rạch Tôm nên dù biết ở lại rất nguy hiểm nhưng anh vẫn chưa chịu di dời đến nơi ở mới.
Anh Cường nở nụ cười lạc quan và hi vọng sớm được khắc phục sự cố
Bé Đông chỉ về nhà để ăn trưa chứ không dám ở lại trong căn nhà bị sạt lở
Anh Cường bày tỏ: "Ban ngày tôi vẫn ở đây để làm việc, tối đến sợ ngủ trên nhà thì xuống ghe mà ở, chớ bỏ chỗ này đi thì lấy cái gì mà sống. Chỉ mong chính quyền nhanh nhanh khắc phục sự cố, chứ kéo dài hoài như vầy, không chết vì sạt lở cũng chết vì đói".
Trong tổng số 7 căn nhà bị ảnh hưởng từ vết nứt, đã có 3 hộ gia đình đã đồng ý di dời, ở tạm nhà bà con để chờ chính quyền giải quyết. Số còn lại vì không biết đi đâu, nên họ chấp nhận sống chung với nguy hiểm.
Bà Hồng buồn bà bên đứa cháu ngoại của mình vì không biết tính sao
Hiện còn 4 hộ dân vẫn ở lại trong khu vực sạt lở
Làm công việc may vá, ba mẹ con chị Diệu Hiền (35 tuổi) cùng với mẹ già vẫn cố bám trụ tại căn nhà đã xuất hiện nhiều vết nứt. Chị Hiền cho biết, vì đã sống ở nơi đây từ nhỏ, lại có mối làm ăn nên việc chuyển đi nơi ở mới rất khó khăn với gia đình chị. Mẹ chị Hiền, bà Nguyễn Thị Hồng lo lắng: "Tối ngủ mà tôi cứ thấp thỏm không yên, lỡ mà nó có sạt lở thì chắc mấy mẹ con tôi không chạy thoát được. Nhưng giờ chuyển đi thì biết đi đâu, tôi già cả rồi, không làm gì ra tiền, có căn nhà này để sinh sống thôi...".
"Tài sản dành dụm cả đời mới xây được căn nhà, giờ mà nó sạt lở, sụp hết xuống sông chắc tôi chết mất. Tôi xem ti vi thấy nhiều nhà sụp, nghĩ đến nhà mình mà ăn ngủ không yên. Chỉ mong chính quyền nhanh khắc phục cho chúng tôi ổn định cuộc sống", bà Hồng buồn bã nói.
Những người dân đa phần làm việc chài lưới, mua bán hải sản
Ông Hoan đã đóng cửa bỏ nhà đi vì lo sợ
Nằm kế bên nhà bà Hồng, hộ gia đình ông Võ Văn Hoan đã di dời toàn bộ đồ đạt để sang nhà người quen ở nhờ vì căn nhà đã bị nứt toác, tường trước sân nhà ông có vết nứt rộng 2-10 cm, nền xi măng hiên có rãnh kéo dài.
Ông bàng hoàng kể lại: "Sáng hôm đó ngủ dậy thấy nhà bị nứt, các nhà trong vùng cũng giống mình, đoạn đường thì sụt lún, tôi vừa lo sợ vừa mừng rỡ vì mình vẫn còn sống. Nếu mà tối hôm 29-5 mà nước lớn gây sạt lở nặng, chắc những căn nhà này cũng bị cuốn trôi rồi...".
Từ một khu dân cư rôm rả, bỗng chốc trở thành một xóm vắng tiếng cười đùa, người đi tìm nơi ở mới, người ở lại với bao nỗi lo toan. Chốc chốc, họ nhìn nhau rồi thở dài ngao ngán vì không biết những căn nhà, tài sản tích góp cả đời của họ sẽ bị mất đi bất cứ lúc nào khi mà vết nứt tiếp tục lan dài.
Chỗ tàu ghe qua lại để thu mua cá tôm của gia đình anh Cường
Ngay trong sáng 1-6, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cùng đoàn công tác đã trực tiếp đến và chỉ đạo công tác khắc phục điểm sạt lở tại hẻm 1740 và yêu cầu địa phương nhanh chóng tổ chức họp dân, vận động để di dời 4 hộ dân còn lại đang bị ảnh hưởng đến nơi an toàn, đảm bảo nơi ở mới và hỗ trợ người dân di dời, trễ nhất là đến sáng 2-6 phải thực hiện xong (trước đó đã di dời 3 hộ dân).
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa đã yêu cầu Sở GTVT phối hợp Viện Khoa học – Thủy lợi miền Nam cùng các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện việc kiểm tra toàn diện, xử lý khẩn cấp khu vực trong thời gian 5 ngày. Việc khắc phục vẫn phải đảm bảo đúng các vấn đề về kỹ thuật và an toàn.
Nguy hiểm rình rập những hộ dân nơi đây
Mong muốn lớn nhất của người dân là sớm khắc phục sự cố để ổn định cuộc sống
Trước đó, sáng 30-5, một vết nứt dài xuất hiện trên mặt đường hẻm 1740, cạnh sông Rạch Tôm (ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cách đường Lê Văn Lương 300m về phía Nam khiến các hộ dân sinh sống tại khu vực này vô cùng hoang mang, lo lắng.