"Sởn gai ốc" với tin tức thực phẩm bẩn tuần qua

Tổng hợp,
Chia sẻ

Chân gà thối nhập lậu, phở xuất khẩu chứa chất biến đổi gen, yến sào giả, miến nhuộm phẩm màu không an toàn là những loại thực phẩm độc hại vừa bị phát hiện.

Rò rỉ chân gà hôi thối nhập khẩu từ Ấn Độ về Việt Nam

Ngày 17/11 vừa qua, 108 tấn chân gà đông lạnh có mùi hôi, thối nhập khẩu từ Ấn Độ đã bị phát hiện tại cảng Hải Phòng. Trên bao bì của lô hàng không có tem, nhãn ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ. Các mẫu kiểm tra đều có hiện tượng phân hủy, có mùi ôi. Do vậy, cơ quan Thú y đã thông báo cho Cục hải quan Hải Phòng và công ty trên với yêu cầu phải tái xuất hoặc tiêu hủy lô hàng này. Tuy nhiên, theo thông tin từ cơ quan Thú y, 108 tấn chân gà trên đã vận chuyển ra khỏi Cảng Hải Phòng khi chưa có ý kiến của đơn vị này.


Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ người dân ăn phải chân gà bẩn nhập lậu tại các quán chân gà nướng béo thơm ngậy mùi, nhất là khi thời tiết miền Bắc đang trở lạnh.

100% miến nhuộm phẩm màu trôi nổi được nhập vào thị trường miền Bắc

Làng miến Dương Liễu (Hà Nội) là đầu mối cung cấp miến cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tại hầu hết các cơ sở làm miến, những chiếc bể ngâm bột lên đến hàng khối được đặt cố định luôn trong tình trạng cáu vàng, đen ngòm. Nước ngâm bột cũng đen đúa. Người làm miến thì cứ vô tư chân đất, tay trần mặc sức dẫm chân lên miến khi mang đi thái.


Nhiều người làm hàng cho rằng, miến phải có màu vàng mới dễ bán. Do nhu cầu của thị trường nên các hộ đều dùng phẩm để đổi màu miến dong. Sau khi được tẩy trắng miến dong màu nâu bằng thuốc tím, miến sẽ đổi thành màu vàng.

"Mua 200 nghìn phẩm màu là có thể dùng cả năm. Chỉ cần cho một ít phẩm vào thùng bột khuấy đều và bật máy hút lên giàn là xong", một người làm miến tiết lộ.

Người dân đang pha phẩm màu cho miến.

Nhật Bản "tố" phở Việt Nam chứa chất biến đổi gen

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản vừa đồng loạt đưa tin phát hiện chất biến đổi gen (GMO) trong bánh phở làm từ gạo của công ty cổ phần Thực phẩm (CPTP) Bích Chi, trụ sở tại thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) gây hoang mang dư luận.

Ngay sau thông tin trên, Công ty CPTP Bích Chi đã cho tiến hành lấy các mẫu sản phẩm và gửi Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường- Chất lượng 3 TP.Hồ Chí Minh (QUATEST 3), thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Việt Nam phân tích nhưng kết quả âm tính.  Công ty khẳng định không phát hiện có chứa hàm lượng chất biến đổi gen (giới hạn 0,1%) trong sản phẩm.

Do tính chất nghiêm trọng của sự việc, ngày 7/11 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các bộ yêu cầu kiểm tra sản phẩm bánh phở của Công ty CPTP Bích Chi có chứa GMO và tiếp tục xem xét, đợi thêm kết quả phân tích và sẽ sớm có kết quả trả lời chính thức cho phía Nhật Bản. Tuy vậy, nước bạn đã từ chối các đơn nhập hàng của công ty trên.

Xuất hiện yến sào giả nhưng giá cả vẫn... ngất ngưởng

Yến sào tốt mua tận gốc đã lên đến 38 - 40 triệu đồng/kg, nếu tính luôn các khoản hao hụt, công sơ chế… thì giá bán không thể dưới 50 triệu đồng/kg. Yến huyết thật cực hiếm, chỉ chiếm khoảng 2% tổng lượng yến khai thác được nên giá lên đến 20 – 25 triệu đồng/gr. Trong khi đó, yến sào trên thị trường “thượng vàng hạ cám” và một số trường hợp, người bán nhìn mặt khách hàng để “hét” giá.

Theo giám đốc một công ty chuyên kinh doanh yến, yến sào sau khi làm sạch, sấy khô thì rất khó phân biệt đâu là hàng tốt, đâu là hàng kém chất luợng. Yến sào thật có mùi thơm, sợi dai, khi chưng nở to; còn yến sào dỏm thường có mùi hăng, vị nồng của đường và khi chưng không nở, sợi yến tan thành nước. Nghĩa là sau khi bỏ tiền túi ra mua về, người dùng mới phát hiện ra đồ giả - đồ thật.

Một số người kinh doanh yến trôi nổi còn làm giả bằng cách xử lý qua hóa chất, gắn thêm lông chim vào để tổ yến trông “thật” hơn. Bị làm giả nhiều nhất là yến huyết vì loại yến này đặc biệt bổ dưỡng, giá thành cao. Giải pháp duy nhất là quan sát thật kĩ sản phẩm. Yến huyết thật có màu đỏ hoặc cam, bề mặt gồ ghề, có mùi thơm và tanh nhẹ của nước biển; yến huyết giả thì đỏ thẫm, tanh nồng.






Chia sẻ