Sinh vật bé nhỏ trú ngụ ngay trong căn nhà bạn có thể gây phát ban, hoại tử mà ít ai để ý
Sau khi Meghan Linsey bị nhện nâu tấn công, giới chuyên gia đưa ra giải thích cũng như các bước cần làm nếu bạn rơi vào tình huống tương tự.
2 tháng trước, ca sĩ nhạc đồng quê Meghan Linsey tỉnh giấc đầy hoảng sợ: Trên gương mặt cô có một vết thương khủng khiếp và một con nhện đang hấp hối trong bàn tay cô. Nữ ca sĩ, đồng thời là người dẫn chương trình The Voice năm 2015 tại Mỹ đã bị nhện nâu tấn công khi đang say giấc.
Meghan Linsey bị nhện nâu tấn công.
"Đầu tiên, vết thương sưng phồng lên, sau đó kéo theo hàng loạt các triệu chứng đáng sợ. Tôi bị co thắt cơ, phát ban khắp cơ thể", Linsey chia sẻ với People. 9 ngày sau khi bị nhện nâu cắn, khuôn mặt cô xuất hiện vết thương hở trông như một cái lỗ đóng ngay trên mặt mình.
Nhờ vào các giải pháp điều trị của bác sĩ, gương mặt Linsey đang dần khôi phục lại bình thường. Cô đã chia sẻ sự hồi phục trở lại của mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng và nói rằng "rất hạnh phúc vì đã sống sót" sau trải nghiệm chấn thương do nhện nâu gây ra.
Một loài côn trùng ẩn dật như nhện nâu có thể gây tử vong nếu không được điều trị, đặc biệt là với trẻ em. Và giới chuyên gia đặc biệt đề cao tinh thần của Linsey trong việc nâng cao nhận thức về nhện nâu – một loài nhện cực độc. Jon Dyer, bác sĩ da liễu ở Columbia, Missouri, chuyên nghiên cứu những vết cắn từ nhện, cho hay: "Linsey đã thực hiện rất tốt để biến trải nghiệm tiêu cực thành tích cực".
Khuôn mặt Linsy biến dạng do bị nhện nâu cắn.
Tiến sĩ Dyer nói: "Vết thương trên gương mặt của Linsey không phải là một phản ứng thông thường và các vết cắn có màu nâu quả thực rất hiếm. Mặc dù vậy, điều quan trọng là phải nhận thức được các sinh vật nguy hiểm". Dưới đây là những điều bạn cần biết về vết cắn của nhện nâu và cách giải quyết tốt nhất, tránh những biến chứng nguy hiểm được giới chuyên gia đưa ra:
Nếu bạn bị nhện cắn, đừng giết chết chúng
Ca sĩ Linsey đã đưa loài nhện nâu bí ẩn này vào một chiếc túi nhựa và đem đến trung tâm chăm sóc khẩn cấp, điều này giúp đẩy nhanh việc chẩn đoán và điều trị. Theo bác sĩ John Wolf (chuyên khoa Da liễu, trường Đại học Y Baylor ở Houston), mặc dù có thể xác định rõ ràng nhện nâu (có 6 mắt, có hình dạng như đàn violin ở mặt sau) nhưng rất khó để xác định rõ có phải chúng đã tạo nên vết cắn bí ẩn kia hay không.
Vết cắn do nhện nâu gây ra ban đầu không khiến bạn đau đớn. TS Wolf nói: "Ban đầu, nạn nhân bị nhện nâu cắn thậm chí còn không biết mình đã bị nhện cắn, vì vậy họ thường không thể tìm kiếm thấy chúng".
Một loài côn trùng ẩn dật như nhện nâu có thể gây tử vong nếu không được điều trị, đặc biệt là với trẻ em.
Một vết cắn từ nhện nâu có thể gây ra một loạt các triệu chứng
TS Dyer cho biết, vết cắn do nhện nâu gây ra có thể có màu đỏ, trắng và xanh. Các khu vực bên ngoài của vết cắn thường đỏ và sưng viêm, bên trong vết cắn sẽ có màu tím hoặc thâm tím. "Vết cắn với màu sắc có thể biến đổi nhưng phần lớn các vết cắn sẽ xuất hiện với những sắc màu đặc trưng trong ngoài như vậy", TS Dyer nói.
Sau đó, nọc độc của nhện nâu có thể gây ra các triệu chứng khác như sốt, đau cơ, ngứa ngáy, đau đầu, ớn lạnh và phát ban toàn thân.
Esther Freeman, bác sĩ da liễu thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts và là thành viên của Học viện Da liễu Hoa Kỳ giải thích: "Sau vết cắn ban đầu, bạn có thể bị hoại tử hoặc vùng da xung quanh vết cắn bị chết và càng để lâu càng lây lan ra xung quanh nhiều hơn. Bức ảnh mà Linsey chụp lại đã cho thấy hình ảnh vết thương bị hoại tử điển hình do nhện nâu tấn công. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn có thể bị hội chứng tan máu hoặc suy thận".
Tay nhiễm trùng, hoại tử do bị nhện nâu tấn công.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết cắn và vị trí cắn, bạn có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng để chữa lành vết thương. Nhưng không phải ai cũng có phản ứng vết thương cực đoan như Linsey. Mức độ nghiêm trọng của vết thương có thể là do vết cắn xuất hiện trên mặt cô. "Nếu bạn bị cắn ở tay, chân thì có thể bị viêm loét. Nhưng nếu vết thương xuất hiện trên mặt thì có khả năng để lại vết sẹo rất khó chịu. Cũng có đôi khi, nhện nâu cắn nhưng không gây ra tổn thương thực sự", TS Wolf cho hay.
Nếu bị nhện nâu cắn, bạn cần đi khám ngay
Nếu bạn nghĩ rằng mình bị một loài côn trùng nhỏ màu nâu tấn công, hãy dùng đá lạnh áp vào vết thương và đến gặp bác sĩ ngay. "Bác sĩ có thể sẽ gây ra một đợt nén lạnh ở khu vực này, bôi kem cortisone chống viêm, kiểm tra nước tiểu để nhận biết các phản ứng phụ toàn cơ thể. Cách điều trị phổ biến nhất đối với vết cắn do nhện nâu là sử dụng một loại kháng sinh có tên là Dapsone. Điều trị bằng thuốc Hyperbaric cũng có thể được sử dụng để tăng tốc độ lành vết thương", TS Wolf nói.
Nhện nâu là một loài bí ẩn, nhút nhát, có xu hướng sống ở những nơi tối tăm, khô ráo như gara, đống cọc gỗ, hầm rượu…
Tránh xa những nơi khô và tối
Đúng như tên gọi của nó, nhện nâu là một loài bí ẩn, nhút nhát, có xu hướng sống ở những nơi tối tăm, khô ráo như gara, đống cọc gỗ, hầm rượu… Để bảo vệ bản thân, hãy thận trọng khi xỏ lại giày để ở những khu vực này, nhặt quần áo đã để trên mặt đất một lúc lâu hoặc khi bê củi, gỗ. "Hầu hết những vết cắn do nhện nâu gây ra là những tai nạn không mong muốn vì chúng luôn có xu hướng tránh xa bạn. Chỉ cần bạn tự biết cách phòng tránh thì sẽ không bị chúng tự nhiên tấn công", TS Wolf cho biết thêm.
(Nguồn: Health)