Mướp đã vào mùa, hãy tận dụng loại thực phẩm dân dã này làm thuốc nếu bạn mắc phải những căn bệnh sau
Quả mướp không chỉ đem lại những món ăn nhẹ nhàng, mát mẻ trong mùa hè mà còn có tác dụng chữa bệnh thường gặp với ít tác dụng phụ.
Mướp vào mùa, hãy tận dụng những lợi ích không thể bỏ qua từ việc ăn mướp
Từ tháng 4 trở đi, khi những cơn mưa xuân không còn giăng mắc, nhường chỗ cho ánh nắng chói chang của mùa hạ ghé thăm, ấy cũng là lúc chúng ta thèm thuồng tìm đến những món canh rau mát lòng. Trong khi những loại rau như rau muống, rau đay, mùng tơi, rau dền… lên ngôi thì một loại quả luôn được nấu kèm chính là quả mướp.
Mướp đang vào mùa, hãy tận dụng để chữa bệnh.
Mướp có rất nhiều loại, sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên được trồng khá nhiều ở Việt Nam. Cây mướp thuộc dạng cây thân thảo, dây leo, thân và lá đều màu xanh, lá có hình trái tim mọc so le, hoa màu vàng tươi, được phân biệt giữa hoa đực và hoa cái. Quả mướp khi còn non sẽ có màu xanh, khi về già sẽ chuyển sang màu vàng, có nhiều xơ bên trong và hạt cũng già, cứng.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong quả mướp có rất nhiều nước, có các chất dinh dưỡng như protid, lipid, glucid, xenlulo, canxi, photpho, sắt, beta-caroten và các vitamin như B1, B6, B2, C…
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), quả mướp còn có tên gọi khác là ty qua, thiên ty qua, bổ ty, tỳ lạc. Theo y học cổ truyền, quả mướp có vị ngọt, tính bình, không độc, có thể được dùng làm món ăn thường xuyên.
Theo vị lương y này, ăn mướp thường xuyên rất tốt cho phụ nữ, nhất là những chị em muốn tăng kích cỡ vòng một nhờ lượng canxi, chất đạm tự nhiên, dồi dào. Đây cũng chính là lý do phụ nữ Nhật Bản sử dụng mướp như một loại mỹ phẩm thiên nhiên rẻ tiền nhưng có công dụng rất tốt trong việc làm đẹp, phòng chống lão hóa.
Phụ nữ Nhật Bản sử dụng mướp như một loại mỹ phẩm thiên nhiên rẻ tiền.
Chưa hết, mướp còn là thực phẩm rất hữu ích cho phụ nữ sau sinh. Bạn chỉ cần lấy mướp non đem ninh chân giò lợn sẽ tăng cường tiết sữa, lưu thông máu tốt hơn và phòng ngừa táo bón. Chất nhầy trong quả mướp còn có tác dụng chữa các bệnh ở phụ nữ có khí huyết hư, đau nhức gân khớp.
Đàn ông mắc bệnh yếu sinh lý, muốn sinh hoạt tình dục đều đặn hơn cũng nên ăn nhiều mướp như mướp xào lạc, mướp nấu hạt sen, mướp nấu canh chân gà, cánh gà… đều có tác dụng bổ thận tráng dương.
Không chỉ riêng quả mướp, rất nhiều bộ phận khác từ cây mướp cũng có khả năng chữa bệnh. Theo Đông y, xơ mướp có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thông kinh lạc, giải độc, thanh nhiệt, lương huyết, lợi niệu, giảm đau, chảy máu ruột, lỵ ra máu. Lá mướp có vị đắng, chua, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, tiêu thũng.
Không chỉ riêng quả mướp, rất nhiều bộ phận khác từ cây mướp cũng có khả năng chữa bệnh.
Những bài thuốc chữa bệnh thường gặp từ mướp
Dưới đây là những bài thuốc chữa bệnh từ mướp được lương y Bùi Hồng Minh chia sẻ.
- Điều hòa kinh nguyệt: Mướp để khô 1 quả đem đốt toàn tính, sau đó tán bột, uống mỗi ngày 10g vào buổi sáng sớm, khi còn đói bụng sẽ có tác dụng điều hòa kinh nguyệt.
- Chữa bế kinh: Xơ mướp bỏ hạt, đốt tồn tính tán thành bột trộn với tiết chim câu trắng, sau đó phơi khô, tán bột. Mỗi ngày uống 8g pha với rượu khi đói.
- Đau đầu, lên cơn sốt cao: Hoa mướp 20g, đậu xanh cả vỏ 100g. Ninh nhừ đậu xanh, lấy khoảng 400ml nước cốt hạt đậu xanh, thả thêm hoa mướp thái nhỏ vào đun sôi thêm khoảng 10 phút. Sau đó chắt lấy nước uống 2-3 lần trong ngày.
Hoa mướp có công dụng rất tốt trong chữa bệnh đau đầu, sốt cao.
- Viêm xoang: Mướp đem phơi khô, bỏ vào nồi rang cho teo lại, nghiền thành bột mịn. Mỗi ngày, bệnh nhân viêm xoang uống 6g. Kiên trì thực hiện trong vòng 1 tuần.
- Đại tiện ra máu do trĩ: Hái hoa mướp nấu nước uống hoặc dùng quả mướp nấu canh loãng ăn hàng ngày sẽ có tác dụng nhuận tràng rất tốt.
- Viêm họng: Lá mướp đem rửa sạch, giã nhỏ cùng với chút muối, thêm chút nước rồi gạn ra để uống.
- Tình trạng ho hen kéo dài: Lá mướp hương 15g, đem nấu nước uống sẽ giúp giảm tình trạng ho hen. Hoặc: xơ mướp sao vàng kết hợp với 12g hạt đay quả dài đem sắc uống, mỗi ngày uống 2-3 lần.
- Điều trị huyết áp: Mướp tươi 300g, táo ta 200g, chanh 50g, đường phèn vừa đủ tùy từng người. Mướp và táo gọt vỏ, rửa sạch, đem thái vụn và ép lấy nước, hòa với nước chanh, đường phèn, sử dụng làm nước giải khát trong ngày. Làm liên tục trong vòng 10 ngày là xong một liệu trình sẽ giúp huyết áp ổn định hơn.
Ăn mướp tươi giúp ổn định huyết áp.
- Chữa sởi: Xơ mướp, kim ngân, kinh giới, cỏ mần trầu, cam thảo, đem sắc uống mỗi ngày 2 lần cho đến khi hết sởi.
- Nổi mề đay: Một nắm lá mướp tươi đem nghiền nát thành nước, thêm ít băng phiến rồi bôi vào khu vực nổi mề đay sẽ có tác dụng chữa bệnh rất tốt.