Từ câu chuyện MC VTV nhiễm độc chì vì tô son đậm và lưu ý cực quan trọng mà chị em nào cũng cần nhớ

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Thường xuyên tô son môi màu đậm, bất kể là có đúng nguồn gốc xuất xứ hay không, chị em đều dễ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm độc chì.

Nhiễm chì nặng gấp 3 lần bình thường từ thói quen tô son môi đậm hàng ngày

PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc TT Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, trong vài chục năm làm việc thì trường hợp nữ MC bị nhiễm chì do thói quen sử dụng son môi màu đậm là trường hợp đầu tiên. Theo TS Duệ, vào một lần rất tình cờ khi ông đến ghi hình tại đài truyền hình thì được nữ MC hỏi bên lề rằng mình có bị nhiễm độc chì vì thường xuyên có những biểu hiện mất ngủ, táo bón, hay quên…

Sau khi kiểm tra răng, BS Phạm Duệ phát hiện viền lợi của nữ MC đã chuyển sang màu đen xám với ánh kim loại lấp lánh. Sau khi lấy máu xét nghiệm, chuyên gia phát hiện lượng chì trong máu lên tới 32mcg/dL, gấp 3 lần lượng chì cho phép. Sau khi thăm hỏi một lúc, TS Duệ cho biết nữ MC không có thói quen nào liên quan đến việc nhiễm chì, ngoại trừ việc tô son môi màu đậm như đỏ, đỏ cam hàng ngày.

Từ câu chuyện MC VTV nhiễm độc chì vì tô son đậm và lưu ý cực quan trọng mà chị em nào cũng cần nhớ - Ảnh 1.

Tô son môi màu đậm như đỏ, đỏ cam khiến nguy cơ nhiễm độc chì cao hơn.

Từ trường hợp đó, PGS.TS Phạm Duệ khuyến cáo chị em phụ nữ nên tránh dùng son môi đậm màu, đặc biệt là màu đỏ cam, khi đánh rồi không nên liếm môi, trước khi ăn cần lau son thật sạch…

FDA cũng đưa ra công bố các loại son môi chứa chì khiến chị em vô cùng choáng váng (năm 2010), trong đó có những loại son thuộc các nhãn hiệu được chị em ưa chuộng. Những năm sau đó, danh sách các sản phẩm này đã có thay đổi. 

Tuy nhiên, sau đó, theo nhận định của FDA, vết chì trong son dưới 10 phần triệu không gây ảnh hưởng sức khoẻ người dùng và không hề thể hiện trong kiểm tra máu định kỳ.

Hậu quả khôn lường của việc sử dụng son môi nhiễm độc chì

Theo BS thẩm mỹ da liễu Nguyễn Xuân Quang (trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện thẩm mỹ Quốc tế Hà Nội), những loại son môi càng rực rỡ, càng lâu phai thường có những thành phần hóa học giúp bám, ngấm màu lâu trên da. Nhất là khi những loại son môi này có giá quá rẻ thì có thể khiến giới chuyên gia đưa ra nhiều dự đoán không tốt về những thành phần tạo ra nó.

"Son môi càng rực rỡ, càng lâu phai có khả năng sử dụng chì oxit. Màu bám càng lâu thì độc tính càng cao, khả năng gây tổn hại cho sức khỏe của chị em càng trở nên đáng sợ. Thông thường, những loại son màu đậm có độ chì cao hơn hẳn, trong khi đó, son môi màu đậm lại là sản phẩm được chị em châu Á ưa chuộng hơn hẳn", BS Quang khẳng định.

Từ câu chuyện MC VTV nhiễm độc chì vì tô son đậm và lưu ý cực quan trọng mà chị em nào cũng cần nhớ - Ảnh 2.

Những loại son môi càng rực rỡ, càng lâu phai thường có những thành phần hóa học giúp bám, ngấm màu lâu trên da.

Ngoài ra, chuyên gia cũng cho biết thêm, chì trong son môi có thể gây ra các bệnh cao huyết áp, đau khớp, suy giảm trí nhớ. Bởi độ rực rỡ và bền màu, nhiều chị em đang sử dụng son môi lạm dụng. Sự lạm dụng này đồng nghĩa với việc chì tích tụ trong cơ thể ngày càng nhiều hơn và thải trừ độc chì ra ngoài cơ thể lại vô cùng chậm chạp. Chưa hết, những loại son có độ bám cao đều chứa nhiều chất Propylen glycol, gây ảnh hưởng không tốt cho não, gan, thận và là độc tố gây ung thư.

Lượng chì có trong các loại mỹ phẩm còn có thể khiến IQ giảm đi, dù son môi có lượng chì thấp nhất. Công ty tư vấn về an toàn Underwriters Laboratories của Mỹ đã tiến hành phân tích thành phần hóa chất trong 22 sản phẩm son môi phổ biển ở nước này. Kết quả cho thấy rằng 12/22 (chiếm khoảng 55%) sản phẩm son môi được kiểm tra chứa hàm lượng chất chì ở mức 3,22 phần triệu.

PGS.TS Phạm Duệ cho biết, nhiễm độc chì nếu xảy ra ở trẻ em sẽ để lại những hậu quả vô cùng nặng nề, ảnh hưởng đến phát triển thể chất như chậm lớn, trí tuệ kém, tự kỷ, nặng nhất là mất khả năng tự phục vụ vĩnh viễn. Ở trẻ càng nhỏ, tác hại càng nặng. Trẻ có thể bị nhiễm độc chì do tiếp xúc trên da, qua hô hấp do hít thở hàng ngày từ bụi sơn chì, hơi xăng xe, qua tiêu hóa như ăn phải thực phẩm chứa nhiều thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, ngậm đồ vật có chì…Trong đó, trẻ khi còn nằm trong nhau thai, bú sữa mẹ chứa chì thì cũng dễ dàng bị nhiễm độc chì, đặc biệt sẽ bị nặng hơn do nhạy cảm hơn cơ thể mẹ.

Từ câu chuyện MC VTV nhiễm độc chì vì tô son đậm và lưu ý cực quan trọng mà chị em nào cũng cần nhớ - Ảnh 3.

Trẻ khi còn nằm trong nhau thai, bú sữa mẹ chứa chì thì cũng dễ dàng bị nhiễm độc chì.

Lời khuyên cho những chị em hay đánh son môi

Theo các chuyên gia, cách tốt nhất là hãy chọn loại son có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cửa hàng mỹ phẩm có uy tín, tránh mua các sản phẩm trôi nổi. Trước khi mua son, bạn cần đọc kỹ các thông tin trên loại son cần mua và chú ý thời hạn sử dụng trên son môi.

Trong quá trình sử dụng son môi không nên tiếp xúc nhiều với thức ăn, đồ uống. Tốt nhất là nên lau sạch son môi trước khi ăn uống để hạn chế tối đa nguồn chì vào cơ thể. Hạn chế tô son nhiều lần trong ngày (nhất là với dạng son màu đậm như đỏ, đỏ cam), không tô son quá đậm và nên sử dụng dung dịch tẩy trang dành cho môi sau khi trở về nhà nghỉ ngơi…

Chị em phụ nữ nói riêng và tất cả mọi người nói chung nên tiến hành điều trị thải độc chì liên tục, nhiều đợt, nhiều tháng, nhiều năm. Thông tin từ TT Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, bệnh nhi có lượng chì trong máu cao nhất lên tới gần 200mcg/dL phải mất đến 6 năm thải độc chì mới xuống được 20mcg/dL. Do đó, nhiễm vụ thải độc chì là nhiệm vụ dài hơi, cần thực hiện thường xuyên, liên tục để đảm bảo sức khỏe. Biện pháp đơn giản nhất giúp giảm lượng chì tiêu thụ vào cơ thể là tăng cường các thực phẩm có tác dụng giải độc chì như: Tỏi, sữa chua, trà, trái cây, các loại rau quả như rau cải mỡ, bắp cải, mướp đắng, những loại giàu vitamin C, cà rốt, tôm, hàu, rong biển...

Chia sẻ