Shop hàng hiệu tìm lại lòng tin khách hàng
Trưng phiếu bảo hành, hướng dẫn xem mã vạch hoặc xuất hóa đơn đỏ... là những cách mà các cửa hàng chứng minh độ tin cậy của mình nhằm trấn an khách hàng sau vụ Milano.
Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đã có 3 vụ hàng hiệu khai xuất xứ Trung Quốc bị cơ quan chức năng phát hiện. Ngày 27/11, Phòng Cảnh sát Kinh tế TP HCM giữ 4 ôtô chở túi xách, quần áo, dây nịt... mang các nhãn hiệu Gucci, Dolce&Gabbana xuất xứ tại Trung Quốc. Ngay sau đó, cửa hàng Milano - Gucci tại Đồng Khởi, TP HCM và cửa hàng ở Hà Nội cũng bị niêm phong. Việc xác định thật giả lô hàng này vẫn đang được cơ quan kiểm tra tiến hành.
Và mới đây nhất là Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn Khu vực 4 vừa cùng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan kiểm tra lô hàng nhập khẩu của Công ty Tôn Nguyên, TP HCM. Trong container có hàng nghìn sản phẩm mang nhãn hiệu Gucci, Galliano, Valentino... nhưng trên tờ khai hải quan ghi là hàng xuất xứ từ Trung Quốc với giá từ 1,7 đến 5,25 USD một sản phẩm.
Liên tiếp những vụ hàng hiệu khai xuất xứ Trung Quốc bị bắt giữ khiến khách hàng mất niềm tin. Ảnh: Quốc Thắng.
Sau những vụ việc trên, niềm tin của người tiêu dùng hàng hiệu đang bắt đầu suy giảm đáng kể. Tại một gian hàng thời trang trong trung tâm thương mại Thương xá Tax, TP HCM, sau khi lựa chiếc giỏ xách gần 5 triệu đồng được dán mác xuất xứ từ Italy, vị khách tỏ ra e dè không biết có phải là hàng nhập chính hãng hay không. Nhân viên liền trấn an bằng cách chỉ vào chiếc mác gắn trên áo và hướng dẫn khách nhìn mã số.
Cô cho biết, dãy mã số này sẽ cho biết được về xuất xứ, chủng loại sản phẩm, do công ty nào xuất, công ty đó thuộc quốc gia nào... Mỗi loại hàng hoá sẽ có dãy số duy nhất để nhận dạng đơn nhất trên toàn thế giới.
Cũng theo lời nhân viên, mã số được tính từ trái qua phải, hai hoặc ba số đầu tiên là mã số quốc gia, của Việt Nam là 893, còn Italy là 800-839. “Nếu thấy một dãy số nào đó không theo quy định của nhà nước hoặc không có mã số thì sản phẩm đó có thể là hàng nhái”, cô này nói.
Chuyện Milano bị phát hiện nhập hàng ghi xuất xứ Trung Quốc giá vài đôla, bán cao hơn thế nhiều lần nhưng liên tục có chương trình khuyến mại cũng khiến khách hàng nghi ngại những shop đang trưng biển sale off. Chị Thanh, một tín đồ hàng hiệu cứ đảo qua đảo lại quanh hiệu mắt kính đang giảm giá 20% nằm trong khuôn viên của trung tâm thương mại Diamond Plaza, quận 1, TP HCM mà vẫn chưa quyết định mua vì lo ngại không phải hàng chính hãng.
Đoán được tâm lý lo lắng của khách, cô nhân viên bán hàng liền chỉ tay vào cái mắt kính và nói, đây là hàng chính hiệu 100% nhưng do lỗi mốt nên cửa hiệu mới giảm giá như vậy. Cầm chiếc kính trên tay, cô cho biết đây là hàng chính hãng nên mới có đậy một lớp mỏng trên cùng của sản phẩm. Nếu là hàng nhái thì thường không có lớp chắn ấy.
Trong khi đó, nhiều shop thời trang khác tại trung tâm thành phố cam kết với khách là hàng chính hãng thông qua các phiếu bảo hành. "Mua hàng tại đây đều có phiếu bảo hành sản phẩm, nếu như là hàng nhái, giả, chị mang đến đây chúng em đổi lại miễn phí", quản lý tại một shop thời trang trên đường Nguyễn Trãi, quận 1 nói.
Cũng theo cô này, sau sự cố của Milano, nhiều khách hàng khi đến mua sắm cũng hay thắc mắc về việc chính hãng. "Tuy nhiên, tại đây đa phần là bán cho khách quen nên không bị ảnh hưởng nhiều về sức mua", cô quản lý nói. Ngoài ra, để củng cố niềm tin cho khách, cửa hiệu còn cho biết, nếu cần thiết, thì họ sẽ xuất hóa đơn đỏ VAT.
Hiện nay, hàng loạt các thương hiệu lớn về thời trang (quần áo, túi xách, giày dép, đồng hồ, mắt kính…), mỹ phẩm, nước hoa đã và đang đổ vào Việt Nam thông qua nhiều nhà phân phối khác nhau. Hầu hết được bày bán trong những trung tâm thương mại, khách sạn lớn như: Vincom, Diamond, Parkson, Crescent Mall, Rex hotel, Sheraton hotel… Một nhóm khác được bán trong các cửa hàng nhỏ, các chợ, trên các trang mạng với danh nghĩa hàng xách tay.
Tuy nhiên, không phải shop thời trang nào tại TP HCM cũng chịu xuất hóa đơn đỏ. Nhiều shop khá lớn, bán hàng giá trị hàng chục triệu đồng mỗi món nhưng khi khách hàng đề nghị xuất hóa đơn đỏ, một số nơi lấy cớ thoái thác, rằng khách mua hàng về xài đâu cần lấy hóa đơn đỏ làm gì, hoặc cho rằng đã có phiếu bảo hành của công ty và hóa đơn tính tiền, nếu có gì thì cứ đến cửa hàng để được giải quyết. Có nơi thì nhã nhặn hẹn khách vài ngày sau quay lại lấy hóa đơn.
Trao đổi với Phóng viên, đại diện một đại lý chuyên phân phối nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Cartier, Roberto Cavalli, Dolce & Gabbana, Prada, Dior, Valentino, Gucci, Versace... cho biết có nhiều con đường đưa hàng hiệu vào Việt Nam.
Theo bà, những sản phẩm chính hãng thường được nhập trực tiếp từ nước sản xuất của thương hiệu đó, chủ yếu từ Italy, Pháp, Anh... Hàng hiệu cũng có thể vào Việt Nam bằng con đường xách tay, và thường được bày bán chung với nhiều nhãn hiệu khác trong những cửa hàng thời trang.
Với những hàng hiệu nhập khẩu thì phải có phiếu xuất nhập hợp lệ. Khi bán cho khách, món hàng hiệu đó bao giờ cũng có những thông tin kèm theo như xuất xứ, thông tin bảo quản hàng hóa, tem của hãng, tem của nhà phân phối, tem chứng nhận chống hàng giả...Với nhiều sản phẩm túi xách, nhà sản xuất còn gắn thêm mã số để truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, bà này khuyến cáo, khi mua hàng hiệu, khách nên yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Trong trường hợp hàng hóa bị lỗi, người tiêu dùng được đảm bảo quyền lợi. "Đây cũng là một bằng chứng xác thực cho việc chính hãng. Vì không nhân viên nào dám xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho một sản phẩm hàng nhái", bà nói.