Sếp bắt nhân viên chạy từ Phú Thọ đến Hà Nội để đi làm giữa lúc mưa bão - câu chuyện gây tranh cãi nhất lúc này
Khi bão Yagi đổ bộ, thậm chí trước thời điểm đó, có nhiều công ty cho nhân viên nghỉ để đảm bảo an toàn, nhưng cũng có những người vẫn phải đi làm.
Giữa mưa giông gió giật, sếp vẫn yêu cầu nhân viên đi làm
Rất nhiều những câu chuyện đã được phản ảnh trên Thread, đa số bình luận thể hiện sự không đồng tình và thậm chí bức xúc với việc công ty bắt nhân viên đi làm ngày bão.
Một tài khoản tên L đã chia sẻ câu chuyện của chị cô khi bị sếp yêu cầu đi từ Phú Thọ lên Hà Nội để đi làm ngày gió bão. Câu chuyện nhận về hơn 1,9 nghìn lượt quan tâm trên Thread.
Dân tình càng thêm bức xúc khi đọc những đoạn tin nhắn mà người sếp này yêu cầu chị của L phải đi làm ngày giông bão. Tuần này đúng vào dịp chị của L về quê ở Phú Thọ thăm gia đình và chuẩn bị chống bão, nhưng sếp vẫn nhắn yêu cầu cô lên Hà Nội đi làm. Thậm chí khi chị của L nhắn cây cối ngoài đường đổ nghiêng ngả rồi, người sếp này vẫn "ở đâu đổ chứ ở đây chưa đổ", rồi "đến ca em, em vẫn lên làm, nếu bão to quá mà tạnh mưa thì vẫn bán bình thường"...
Dân tình cảm thấy cực kỳ bức xúc trước hành động của người sếp này.
- "Gớm, 'dọn xong em về nếu bão to quá' - bão to mới cho nhân viên bắt đầu về thì lúc đó thành về nhân dịp rằm với mùng 1 à!".
- "Cả Hà Nội lúc đó đang tuyên truyền ở nhà hết mà chị bắt nhân viên từ Phú Thọ lên Hà Nội để đi làm? Chị biết an toàn cho bản thân chị thôi vậy".
- "Hà Nội cây đổ rầm rầm mà kêu chỗ chị không đổ. Mời chị ra làm việc cùng bên cây xanh luôn và ngay, người ta làm xuyên bão tới giờ để khắc phục hậu quả đây này. Coi thường tính mạng người khác quá đấy".
- "Thời buổi kinh tế khó khăn nhưng thà mất việc hơn mất mạng. Thử hỏi giờ người ta ra đường bị gì bà có lo viện phí không? Xui rủi thương tật vĩnh viễn thì bà có nuôi được suốt đời không? Người ta làm bảo vệ trực ở chung cư ở lại bên trong, mà kính vỡ bay cả vào đầu kia kìa, chứ ở đó mà bắt ló đầu ra đường đi làm. Tự bả làm mình bả đi, lương không có bao nhiêu mà cứ bắt người bán mạng".
- "Báo đài đưa tin rần rần cả mấy hôm trời đây là trận bão lớn lịch sử, với diễn biến phức tạp. Tôi không ở Hà Nội cũng biết và còn nhắn tin dặn dò bạn bè phải cẩn thận khi ra đường. Công việc mà có sếp như thế thì nghỉ không tiếc bạn ạ. Sếp mà không có đạo đức, cái trước mắt thì bạn thấy qua tin nhắn rồi đó, còn về lâu dài thì chả có ích lợi gì đâu, sếp đâu có coi trọng tính mạng sức khỏe của nhân viên".
Nghe thì có vẻ vô lý nhưng thực tế không ít trường hợp mọi người vẫn chịu cảnh bị sếp nhắn đi làm đúng ngày mưa bão. Một tài khoản A cũng phản ánh lại sự việc của mình. Cụ thể A kể lại, sếp vẫn yêu cầu nhân viên đi làm, nếu không có mặt thì bùng lương. Sếp thì về quê để tránh bão nhưng bắt nhân viên đi làm, mà phải bán hết hàng mới được về.
Một tài khoản khác tên L.N. cũng phản ánh về tình trạng một cửa hàng cũng yêu cầu nhân viên đi làm ca đêm vào 22h, trong khi thời điểm đó vẫn đang mưa giông gió giật ầm ầm.
Ngay lập tức, cộng đồng mạng vô cùng bức xúc trước những sự việc này. Bão gió mưa giông như vậy, ra đường rất nguy hiểm, vậy mà sếp vẫn yêu cần nhân viên phải đi làm đầy đủ theo đúng lịch làm việc của mình.
Giữa thời điểm mưa giông gió giật đang nguy hiểm như vậy mà họ vẫn yêu cầu nhân viên đi làm đầy đủ. Thiết nghĩ, công việc cần thiết thật nhưng tính mạng con người còn quan trọng gấp vạn lần. Nhỡ đâu xảy ra những tình huống nguy hiểm, liệu bản thân có an toàn để đi đến nơi về đến chốn trong cơn bão lịch sử này không.
Trước một vài sự việc trên, vẫn có những công ty cho nhân viên nghỉ làm từ sớm để có thời gian chuẩn bị phòng chống bão cũng như bảo đảm an toàn của mọi người.
Quan điểm trái chiều: "làm dịch vụ thì phải chấp nhận làm cả ngày mưa bão"
Phần lớn những công ty, cửa hàng hay những người sếp yêu cầu nhân viên đi làm đều hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng quán xá. Vậy nên mới có thêm một vài ý kiến trái chiều bên cạnh như "làm dịch vụ thì phải chấp nhận những tình huống thế này"...
Tuy nhiên dù có phản bác lại thì dân tình vẫn cho rằng, hoạt động khi doanh làm cả năm cả tháng, vào những ngày bão gió thế này ai cũng vẫn có nhà để về phòng chống bão cũng như đảm bảo an toàn của mỗi cá nhân. Đóng cửa 1 - 2 ngày bão không ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng hay quá trình kinh doanh của các cửa hàng hay công ty mà nhất định phải yêu cầu nhân viên làm xuyên bão như vậy.
Điều này vẫn gây nên rất nhiều tranh cãi và bức xúc trên mạng xã hội những ngày qua.