Sếp bảo tôi tạm dừng việc ở công ty, nguyên nhân sau đó khiến tôi nghẹn ngào
Anh ấy lúc nào cũng lo lắng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên.
Dù mới 25 tuổi nhưng bạn bè nhận xét tôi già như ngoài 30 tuổi, cũng bởi tôi quá lao tâm khổ tứ vì công việc. Bởi với tôi, công việc cần được đặt lên hàng đầu. Tất nhiên mỗi người sẽ có một định hướng khác nhau. Chẳng hạn như bạn tôi có mấy đứa lấy chồng sau khi ra trường, hoặc theo đuổi, xây dựng tình yêu, phát triển bản thân... Riêng tôi lúc nào cũng chỉ có công việc, kể cả cuối tuần hay ngày nghỉ. Đôi lúc tôi còn nghĩ, hay là mình sinh ra để làm việc?
Bởi thực sự tôi không thấy hào hứng trong những hoạt động khác của cuộc sống. Tôi từng ra ngoài làm quen, thử hẹn hò với mấy chàng trai, vậy mà đi chơi tới buổi thứ 2, thứ 3 là chán... Tôi nghĩ nếu mình cố gắng phát triển sự nghiệp tốt, sau này tình duyên tự khắc ổn định.
Khi tôi 23 tuổi, vừa mới ra trường, tôi đã vào làm tại một start-up về mảng công nghệ. Tôi phụ trách truyền thông Marketing. Hồi đó, tôi xin vào đây làm với tư cách là thực tập sinh, với mục đích có thêm kinh nghiệm. Kết thúc thời gian thực tập, sếp thấy tôi là một người có nhiệt huyết và tích lũy được kinh nghiệm nên anh đã có một buổi nói chuyện thuyết phục.
Sếp bảo muốn tôi vào vị trí của phòng Marketing bởi lẽ sắp tới sẽ có nhân sự nghỉ thai sản, nên thiếu người. Tôi không suy nghĩ nhiều mà đồng ý luôn. Làm về ở một nơi mới khởi nghiệp, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, nhưng tôi tin đó mới là thử thách mà bản thân cần vượt qua.
Gắn bó với công ty 2 năm trời, tôi và sếp đã chứng kiến biết bao sự thay đổi về nhân sự. Kẻ đến người đi... cũng chỉ có tôi, anh ấy và vài anh chị khác là trụ lại công ty lâu. Mức lương ở start-up nói thẳng ra là không cao, chỉ vài triệu/tháng mặc dù tôi đi làm rất nhiều. Thậm chí, đợt dịch dã, công ty còn chậm lương ít ngày. Tôi cũng không có một lời oán than trách móc. Bởi tôi hiểu nỗi khổ của những người làm sếp trong hoàn cảnh ấy. Mặc dù khổ là vậy, nhưng vì tôi không đặt nặng chuyện kinh tế lên hàng đầu, nên tôi kiên nhẫn vượt qua khó khăn.
Đổi lại, cũng có một vài sự tích cực xảy đến với tôi. Chẳng hạn như tôi học hỏi được nhiều hơn, biết làm rất nhiều thứ, cùng toàn công ty xây dựng dự án, chiến dịch nọ kia. Tuy nhiên, mới gần đây, một biến cố đã làm tôi trăn trở, suy nghĩ khá nhiều.
Tôi bị suy nhược cơ thể do làm việc nhiều, phải xin phép sếp nghỉ ngơi vài hôm. Đã vậy, công ty có nhiều người nghỉ mà chưa tìm được nhân sự thay thế, thành ra tình hình kinh doanh bị giảm sút. Mức lương của toàn bộ nhân viên cũng bị giảm.
Trong lúc tôi đang nằm nhà nghỉ ngơi, sếp có đến tận nhà tôi. Anh ấy biết nhà tôi sau 1 lần đèo tôi từ công ty về. Lúc sếp tới thăm tôi đang ngồi trên ghế đọc sách. Sếp bỗng nói chuyện rất nghiêm túc: "Anh nghĩ em nên dừng việc ở công ty, nghỉ đi, anh nói thật đấy".
Tôi bàng hoàng, tròn cả mắt, không hiểu vì sao anh lại nói đột ngột như vậy. Tôi đã cố gắng giải thích: "Em thấy mình vẫn ổn khi ở đây, dù có hơi khó khăn, nhưng em tin bản thân và các anh chị sẽ vượt qua được".
Nhưng sếp nói ra những lời tiếp theo làm tôi nghẹn ngào hơn:
"Đã 2 năm rồi nhỉ, từ ngày em còn là một cô bé mới ra trường. Anh và mọi người rất trân trọng công sức của em và sự đóng góp dành cho công ty. Nhưng em còn trẻ mà, cần phải tung cánh ở những môi trường khác. Ở start-up này rất khổ, đừng bám trụ lại một nơi không cho em những cơ hội mới. Sức khỏe của em không tốt, cũng cần nghỉ ngơi một thời gian. Không có em, anh rất tiếc nhân viên mẫn cán, nhưng anh đang suy nghĩ cho em và cho tương lai của em. Sau này em thành công rồi, anh cũng thấy rất hạnh phúc".
Thì ra, sếp suy nghĩ cho tôi, anh biết tôi khổ, và còn biết trước rằng nếu tôi vẫn làm việc ở start-up này thì không thể phát triển hết năng lực bản thân. Tôi nói với sếp là mình cần thời gian để suy nghĩ, anh ấy đồng ý cho tôi 1 tuần để đưa ra quyết định. Thật sự tôi rất biết ơn sếp vì đã luôn nghĩ cho nhân viên.