Sẽ có tour du lịch xem voi rừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên?
Nhằm giảm thiểu xung đột giữa người và voi rừng, tạo thêm sinh kế cho người dân địa phương, một dự án làm tour du lịch xem voi vừa được đề xuất và được người dân ủng hộ.
Muốn tận mắt xem voi rừng
Bà Điểu Thị Út, dân tộc Chơ Ro, sống tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán Đồng Nai), là một trong những phụ nữ nằm trong đội phản ứng nhanh khi có voi rừng xuất hiện tại địa phương.
Với kinh nghiệm nhiều lần tiếp xúc và trực tiếp ‘nói chuyện’ với voi khi chúng xuất hiện, bà Út nói rằng với voi rừng nếu biết cách ứng xử thì nó rất thân thiện. "Nếu mình ép quá thì voi cũng quay đầu làm dữ. Nếu mình biết cách như dùng cái loa, thứ 2 là đủ ánh sáng, đèn, mình la, hú lớn thì voi sẽ đi, tránh được xung đột với nhau".
Mới đây, bà Út cùng một số người dân xã Thanh Sơn và xã Tà Lài được mời đến dự cuộc họp giữa các bên liên quan về bảo tồn voi và tiềm năng phát triển của cộng đồng gắn với sinh thái voi rừng. "Nếu mà du lịch đến xem voi, theo tui nghĩ là nên. Đồng ý voi về cũng dữ, người dân cũng bức xúc vì voi về phá nhưng người dân ở đây không thấy voi bao giờ vẫn muốn được nhìn thấy voi bằng mắt một lần chứ không chỉ du khách. Nhiều người mới thấy lần đầu rất thích thú, được biết con voi như thế nào, kêu voi đứng lại là voi đứng, kêu quay đầu là quay đầu do đó nếu biết được cách thì voi cũng thân thiện với người’’.
Bà Điểu Thị Út chia sẻ về những lần được tận mắt thấy voi rừng.
Đưa ý tưởng tận mắt xem voi rừng trở thành một sản phẩm du lịch là một dự án do Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam - Save Vietnam’s Wildlife - SVW phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Tiên khởi xướng. Theo đó, dựa trên các công nghệ đã được dùng để giám sát voi rừng trong thời gian qua mà hai đơn vị này triển khai như camera AI và thiết bị bay không người lái, các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý sẽ biết chính xác thời điểm nào voi rừng xuất hiện, ở đâu, để từ đó có thể tổ chức các đoàn khách đến xem voi rừng thực tế trong khu vực của Vườn Quốc gia Cát Tiên và vùng đệm.
"Một số quốc gia lân cận như Thái Lan đã đưa du lịch sinh thái voi vào khai thác. Còn tại đây, các đề xuất tiếp cận mới của tổ chức SVW là tăng hiểu biết giữa người và voi, chuyển xung đột thành cách cư xử thân thiện. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là sản phẩm du lịch rất tốt, phù hợp với định hướng lâu dài cũng như phù hợp với cách quản lý hiện nay là không tạo xung đột với động vật hoang dã, tạo sinh kế tốt cho người dân địa phương’’, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên nói.
Cán bộ nghiên cứu giới thiệu về dự án xây dựng tour du lịch sinh thái voi với nhà quản lý, cộng đồng địa phương.
Thực tế, việc các đàn voi rừng thường xuyên xuất hiện ở vùng đệm, phá hoại hoa màu, tài sản của người dân trong khu vực đã được ghi nhận nhiều trong thời gian qua, gây thiệt hại không nhỏ cho đời sống người dân. Ở chiều ngược lại, nhằm đối phó với voi rừng, một số bà con cũng đã dùng các biện pháp tiêu cực để ngăn chặn đàn voi phá hoại nông sản. Do đó, xung đột giữa người và voi trong khu vực bảo tồn vẫn còn tồn tại.
Theo ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Save Vietnam’s Wildlife, giảm thiểu xung đột và tạo thêm sinh kế cho người dân khi bị thiệt hại bởi đàn voi rừng là một trong những mục đích của dự án này. "Với việc ứng dụng công nghệ, chúng ta sẽ phát hiện được đúng thời điểm và biết được voi đang ở đâu, vì vậy chúng ta có thể lợi dụng công nghệ đó để phát triển các sản phẩm du lịch, giúp những du khách có thể thấy tận mắt con voi rừng".
Nghiên cứu trước khi triển khai thực tế
Với hầu hết người dân và tổ chức triển khai thực hiện, ý tưởng xem voi rừng trở thành một sản phẩm du lịch đáng được hiện thực hóa. Tuy nhiên, trên thực tế không dễ và cũng chưa thể làm ngay được điều này.
Bà Điểu Thị Út, người dân tộc Chơ Ro tại địa phương cho rằng cần phải có hiểu biết kỹ về đàn voi. "Làm du lịch thì bà con sẽ rất phấn khởi, nhiều người sẽ muốn xem voi, nhưng phải vận động mọi người bảo tồn, không được tác động đến đàn voi, không gây xung đột’’.
Cũng với kỳ vọng có thêm sản phẩm du lịch độc đáo tạo sinh kế cho người dân địa phương, bà Phạm Thị Hương Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) cũng cho biết rất mong các cơ quan có thể phát triển sản phẩm du lịch đàn voi tại địa phương, vừa là tham quan, vừa là bảo tồn. Tuy nhiên cũng còn có băn khoăn về pháp lý khi đại đa số khu vực đàn voi xuất hiện là thuộc đất quản lý của một số công ty lâm nghiệp hoặc thuộc vườn quốc gia, nơi hàng rào điện tử hiện sắp được hoàn thành. "Khu vực đàn voi hoạt động thì thuộc khu vực quản lý, con người không được phép đi vào, như vậy cũng rất băn khoăn để có các hoạt động sinh thái liên quan đến đàn voi’’ bà Hương chia sẻ.
Trao đổi xung quanh dự án du lịch sinh thái voi tại vùng đệm VQG Cát Tiên.
Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam - SVW đơn vị đề xuất cho rằng, để thực tế dự án này, cần có thêm những nghiên cứu đánh giá để có thêm cơ hội tiếp xúc, nhìn thấy các cá thể voi. Đồng thời, tập huấn với cộng đồng địa phương khi dẫn khách, xây dựng các quy chế để đảm bảo an toàn nhất khi đón khách. Thêm vào đó, cần phải có những bước chuẩn bị về phương tiện, vật chất. "Không thể dẫn khách đi bộ như thế vào xem voi sẽ rất nguy hiểm. Chúng tôi đã tham khảo mô hình đi xem voi, phải ngồi trên các xe chuyên dụng di chuyển mới an toàn’’ ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc SVW nhấn mạnh.