Sẩy thai tự nhiên, đừng quá bi quan!
Nhiều phụ nữ có thai 12 tháng đi siêu âm thai, kết quả nhận được là thai lưu, trứng trống, thai ngừng phát triển. Các trường hợp này bác sĩ gọi là sẩy thai tự nhiên.
Với nhiều thai phụ, sẩy thai tự nhiên không chỉ xảy ra một lần mà rất nhiều lần. Tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), có thai phụ chưa từng một lần được bế bồng đứa con yêu dấu vì tám lần mang thai đều bị sẩy.
Bác sĩ Hà Tố Nguyên siêu âm thai cho một thai phụ tại Bệnh viện Từ Dũ ngày 6-1 - Ảnh: L.TH.H.
Hoang mang, lo lắng
Đó là tâm trạng chung của các thai phụ khi bị sẩy thai tự nhiên. Điển hình là trường hợp của chị H. (26 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Mới cưới nhau thời gian ngắn, tháng 10-2013 chị H. đã mang thai. Vợ chồng chị vô cùng hạnh phúc và mong đợi ngày con chào đời.
Khi thai được năm tuần, chị H. đến một bệnh viện tư khám. Kết quả siêu âm ghi nhận thai phát triển bình thường. Bác sĩ kê toa cho chị thuốc bổ, hẹn hai tuần sau tái khám. Ngày tái khám chị H. rất bất ngờ và hoang mang khi kết quả siêu âm nói là thai lưu và bác sĩ đề nghị phải bỏ thai.
Không tin chẩn đoán này, chị H. đến Bệnh viện Từ Dũ khám lại và kết quả đúng là thai lưu. Bác sĩ nói thai lưu rất hay gặp và khuyên chị bỏ thai để không ảnh hưởng sức khỏe.
Tháng 8-2014 chị H. mang thai lần thứ hai. Khi thai được năm tuần, chị H. cũng đến một bệnh viện tư khám. Kết quả siêu âm không thấy tim thai nhưng bác sĩ nói do thai còn nhỏ, chưa thể đánh giá nên hẹn hai tuần trở lại.
Đúng hẹn chị đến khám, kết quả siêu âm ghi là “trứng trống” và bác sĩ cũng khuyên chị bỏ thai. Rất buồn nhưng chị vẫn hi vọng siêu âm ở bệnh viện này không đúng nên chị đến hai phòng mạch sản khoa khác kiểm tra lại.
Kết quả siêu âm thai đều là trứng trống. Chỉ khi bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ chẩn đoán là trứng trống, chị H. mới chấp nhận bỏ thai và tinh thần rất suy sụp vì mong muốn có con một lần nữa lại rời xa chị.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, sẩy thai tự nhiên có ba dạng. Một là, thai phụ có thai rồi bị ra huyết và túi thai tự động lọt ra ngoài. Dạng sẩy thai này rất thường gặp.
Hai là, thai phụ có túi thai, phôi thai, tim thai nhưng sau đó tim thai ngừng hoạt động nhưng túi thai vẫn nằm trong lòng tử cung nên được gọi là thai lưu.
Khi bị thai lưu phải chủ động lấy thai ra sớm vì để lâu thai phụ có nguy cơ băng huyết, nhiễm trùng.
Ba là, trứng trống, tức thai phụ có thai nhưng túi thai trống không, không có phôi thai. Trứng trống cũng là một hình thức thai ngừng phát triển nên phải chủ động lấy thai ra sớm, nếu không sẽ tạo điều kiện cho vi trùng phát triển gây nhiễm trùng tử cung, nhiễm trùng huyết, có khi phải cắt bỏ tử cung.
5 nguyên nhân
Bác sĩ Diễm Tuyết cho biết có năm nhóm nguyên nhân gây sẩy thai tự nhiên ở thai phụ.
Một là, thai phụ có bất thường cấu trúc tử cung do bẩm sinh (tử cung đôi, tử cung có sừng, vách ngăn, tử cung là một dãy xơ...) hoặc do mắc phải (u xơ tử cung, lạc nội mạc trong cơ tử cung, dính buồng tử cung sau khi hút nạo thai không đúng kỹ thuật, bị nhiễm trùng).
Khi tử cung có cấu trúc bất thường sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bào thai, làm tăng nguy cơ sẩy thai.
Hai là, thai phụ có bất thường về nội tiết, thường gặp nhất là thai phụ bị suy hoàng thể. Nếu vì lý do nào đó hoàng thể bị suy yếu, không cung cấp đủ nội tiết cho thai phát triển sẽ dẫn đến thai suy, không phát triển được.
Bất thường nội tiết còn hay gặp ở người bị hội chứng buồng trứng đa nang. Thai phụ bị hội chứng này rất khó có thai và khi có thai rất dễ bị sẩy nên phải dưỡng thai hết sức cẩn thận.
Ba là, thai phụ có bệnh lý nội khoa như bệnh lý tuyến giáp, tiểu đường, tim mạch, thiếu máu. Với những bệnh lý nội khoa này, nếu thai phụ chưa điều trị ổn sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi.
Bốn là, bất thường nhiễm sắc thể, đây là nguyên nhân rất thường gặp. Y văn ghi nhận 90% trường hợp sẩy thai tự nhiên có liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể.
Bất thường nhiễm sắc thể có thể do người chồng, do người vợ, do cả hai vợ chồng (hiếm gặp) hoặc do quá trình phân chia tế bào của hợp tử để tạo thành phôi thai có bất thường.
Năm là, yếu tố miễn dịch, thường là các rối loạn tự miễn như hội chứng anti phospholipid. Nếu bị hội chứng này, khi quá trình thụ thai bắt đầu sẽ xảy ra hiện tượng viêm và tắc mạch vi thể, gây thiếu máu nuôi thai dẫn đến thai ngừng phát triển.
Nhiều giải pháp can thiệp
Theo bác sĩ Diễm Tuyết, tại Bệnh viện Từ Dũ từng có thai phụ bị sẩy thai tự nhiên đến tám lần. Bệnh nhân bị sẩy thai tự nhiên, đặc biệt là sẩy thai liên tiếp (2-3 lần trở lên và chưa sinh lần nào giữa các lần sẩy), thì hai vợ chồng nên đến bệnh viện phụ sản (khoa chăm sóc trước sinh hoặc khoa hiếm muộn) để được khám và làm bộ xét nghiệm tầm soát nguyên nhân gây sẩy thai liên tiếp ở cả hai vợ chồng.
Khi đó, bác sĩ sẽ kiểm tra các bệnh nội khoa liên quan đến nội tiết và cấu trúc của tử cung, buồng trứng của người vợ; xét nghiệm nội tiết sinh dục của hai vợ chồng; thử tinh dịch đồ của chồng; xét nghiệm nhiễm sắc thể hai vợ chồng; xét nghiệm anti phospholipid.
Sau khi làm hết các xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe, nếu phát hiện nguyên nhân trục trặc là gì mới can thiệp được.
“Không nên quá bi quan. Mọi việc đều có giải pháp, dù giải pháp có thể không được tròn trịa” - bác sĩ Diễm Tuyết khẳng định.
Cụ thể, nếu người vợ có u xơ tử cung sẽ được phẫu thuật bóc u xơ, nếu dính buồng tử cung sẽ phẫu thuật tách dính, nếu có bệnh nội khoa liên quan đến nội tiết sẽ chuyển đến bác sĩ chuyên khoa điều trị.
Nếu bất thường nhiễm sắc thể phải áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản: xin tinh trùng nếu tinh trùng của chồng bất thường, xin trứng nếu vợ bất thường hoặc xin phôi nếu cả hai vợ chồng đều bị bất thường nhiễm sắc thể (hiếm gặp).
Nếu thai phụ có hội chứng anti phospholipid sẽ được điều trị bằng Heparin trọng lượng phân tử thấp để giảm nguy cơ tạo ra huyết khối.
Nếu không tìm ra nguyên nhân, bác sĩ sẽ có chế độ dưỡng thai tích cực như bổ sung nội tiết cho thai phụ để dưỡng thai.
Trường hợp tử cung là một dãy xơ thì không can thiệp được nhưng đã có giải pháp nhờ người mang thai hộ.