Sau ly hôn, nếu phát hiện con bị người cũ bạo hành, cần làm gì để giành lại quyền nuôi con?

Minh Khôi,
Chia sẻ

Nếu người cha, người mẹ đang trực tiếp nuôi con sau ly hôn có hành vi bạo hành với con mà cố ý giữ con không chăm sóc, tiếp tục có hành vi bạo hành thì đối phương có quyền gửi đơn đến tòa án nơi trẻ em đang bị bảo hành để yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn.

Nói về vụ việc bé K. 10 tuổi, sống ở giữa lòng thủ đô vẫn bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành tới mức rạn xương sọ, gãy xương sườn, sụt 20kg đang gây rúng động dư luận, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định, hành vi của bố đẻ và mẹ kế cháu K. là vô cùng dã man và không thể chấp nhận được. Rất may mắn em bé trốn thoát, nếu không thì có thể bị thiệt mạng dưới tay bố đẻ và mẹ kế.

Sau ly hôn, nếu phát hiện con bị người cũ bạo hành, cần làm gì để giành lại quyền nuôi con? - Ảnh 1.

Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Theo luật sư Cường, hành vi của vợ chồng Nam đã phạm tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo Điều 104, Bộ luật hình sự.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường phân tích: Trong trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ phải tiến hành giám định thương tật của cháu để làm căn cứ xử lý, từ đó xác định được mức phạt cụ thể dành cho các đối tượng . Nhưng về cơ bản các đối tượng đã vi phạm Điều 104 Bộ luật hình sự. Như vậy sẽ có các trường hợp sau xảy ra:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp đã quy định, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: 

 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 

 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 

 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

"Với hành vi bạo hành, gây thương tích như vậy thì chắc chắn rằng cha đẻ của cháu bé sẽ bị tước quyền nuôi con sau khi ly hôn. Trong trường hợp này người mẹ có quyền yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn nếu như ông bố còn ngăn cản việc người mẹ trực tiếp nuôi con", luật sư Cường nhấn mạnh.

Sau ly hôn, nếu phát hiện con bị người cũ bạo hành, cần làm gì để giành lại quyền nuôi con? - Ảnh 2.

Những vết thương chằng chịt trên mặt bé K. khiến nhiều người vô cùng xót xa.

Theo luật sư Cường, trong vụ việc này tình tiết phạm tội với trẻ em, phạm tội với người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng là những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng phạm tội.

Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, khi phát hiện con mình bị bảo hành, việc đầu tiên cha hoặc mẹ cần làm là báo ngay cho chính quyền địa phương, tổ dân phố biết để can thiệp kịp thời. Đồng thời yêu cầu người đang nuôi dưỡng con dừng thực hiện hành vi bạo hành, nếu cố tình tiếp diễn phải yêu cầu họ giao con cho mình nuôi. 

Trường hợp, nếu người cha, người mẹ đang trực tiếp nuôi con sau ly hôn có hành vi bạo hành với con mà cố ý giữ con không chăm sóc, tiếp tục có hành vi bạo hành thì người cha, người mẹ đó có quyền gửi đơn đến tòa án nơi trẻ em đang bị bảo hành để yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn. Vụ việc sẽ được tòa án thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ chứng minh có việc vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng chăm sóc, có hành vi bạo hành thì tòa án sẽ tuyên bản án quyết định giao con cho người bên kia nuôi con.

"Qua vụ án này có thể thấy trong các vụ án ly hôn thì người thiệt thòi đầu tiên chính là những đứa trẻ. Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình thiếu cha hoặc thiếu mẹ sẽ rất thiệt thòi trong việc chăm sóc nuôi dưỡng dạy dỗ và phát triển tâm sinh lý như những đứa trẻ khác.

Vụ việc cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ sau khi ly hôn về mức độ quan tâm theo dõi, chăm sóc con cái của mình", luật sư Cường chia sẻ

Trước đó, chiều 5/12 do bị bạo hành, bé K. rời khỏi nhà bố đẻ đang thuê trọ ở quận Cầu Giấy bắt xe buýt tìm về nhà ông nội trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội). Biết tin con bị bạo hành, chị Nguyễn Thị N. (mẹ đẻ K.) đã đến trình báo công an, đồng thời đưa con đi khám sức khỏe.

Qua kết quả thăm khám tại bệnh viện, cháu G.K. bị rạn xương sọ não và gãy xương sườn số 7 và 8.

Sau khi khám, điều trị các vết thương tại Bệnh viện E, ngay trong đêm 6/12, cháu K. đã được mẹ đẻ là chị N. đưa về nhà chăm sóc.

Cháu K. cho biết, K. cho biết, suốt gần 2 năm nay, kể từ khi chuyển về chỗ trọ cùng với bố đẻ và mẹ kế, cháu không được ra ngoài tiếp xúc với mọi người cũng như không được cắp sách đến trường cùng với chúng bạn. Thay vào đó là những trận đòn roi bằng những chiếc móc quần áo, thậm chí là guốc từ mẹ kế và bố đẻ là Trần Hoài Nam.

Không chỉ bị đánh đập dã man, hàng đêm cháu K. phải ngủ dưới sàn nhà trong giá lạnh và không biết mùi vị những bữa ăn sáng.

Do cửa nhà có khoá mã số nên cháu K. đã lén nhìn trộm mật khẩu mà bố, mẹ kế mở cửa và ghi nhớ lại để nhân cơ hội trốn thoát về với ông nội.

Theo chị N. và người nhà bên ngoại cháu K. cách đây 2 năm cháu K. nặng 40 kg, mặt mũi khôi ngô, trắng trẻo nhưng sau thời gian ở với bố đẻ và mẹ kế, cháu chỉ còn hơn 20kg.

Tại cơ quan điều tra, bước đầu, Trần Hoài Nam khai rằng, do cháu K. quá nghịch, Nam và mẹ kế cháu K. không kiềm chế được nên dẫn đến hành vi đánh cháu.

Hiện sự việc đang tiếp tục được cơ quan công an điều tra làm rõ.



Chia sẻ