Sau khi kết hôn, hai vợ chồng có nên cùng nhau quản lý tài chính gia đình không?
Với một số mẹo và công cụ quản lý tiền bạc, gia đình nhỏ của bạn sẽ ngày càng tốt hơn về mặt tài chính.
Trước khi kết hôn, nhiều người chỉ cảm thấy tình yêu của mình với nửa kia quá lớn nên không tính đến vấn đề này, chỉ sau khi kết hôn mới phát hiện ra có nhiều mâu thuẫn. Có lần trên một group bàn luận của chị em có đăng một bài như vậy: Vợ yêu cầu chồng đưa tiền lương cho mình, nghe xong người chồng rất tức giận, nói vợ muốn quản lý tiền thì ly hôn. Người vợ rất buồn, lên mạng cầu cứu cư dân mạng, hỏi có muốn ly hôn không?
Một số người sẽ nghĩ rằng nếu đối phương không giao tiền cho mình thì có nghĩa là họ không yêu mình, và đó là lý do khiến hai người gặp rắc rối. Vì ngoài đời có rất nhiều mâu thuẫn do tiền bạc gây ra, nên giải quyết như thế nào? Dưới đây là một số kinh nghiệm để giúp bạn quản lý tốt hơn tài sản nhỏ của gia đình mình.
1. Tìm sự cân bằng thoải mái với nhau
Việc đối phương đưa tiền cho bạn không có nghĩa là họ yêu bạn. Thực tế thì ai cũng có cách sống và có ý kiến riêng, cần tôn trọng ý kiến của nhau và tìm sự cân bằng cho nhau thoải mái, không cần căng thẳng mới là điều tốt nhất.
Một số ông chồng thích cảm giác có tiền trong tay nhưng hàng tháng sẽ đưa tiền cho vợ để lo chuyện sinh hoạt, tiền vợ để dành thì có thể tiêu theo ý mình, chồng không can thiệp. Hai người tự quản lý tiền bạc và sống hạnh phúc. Điều đó vẫn rất tốt bởi không cần thiết phải tổn thương nhau vì tiền bạc. Suy cho cùng, tiền là công cụ để giúp bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
2. Hai người giao một phần tiền vào quỹ chung và cùng nhau quản lý
Theo quan điểm của quản lý tài chính, sẽ tốt hơn nếu tiền của hai người có thể được gộp lại để quản lý. Xét cho cùng, quản lý tài chính cần có tiền gốc và càng nhiều tiền gốc thì thu nhập tài chính càng cao.
Tuy nhiên, hoàn cảnh của mỗi gia đình lại khác nhau, một số cặp vợ chồng không muốn giao việc quản lý tiền bạc cho một người. Lúc này có thể ngồi lại bàn bạc với nhau xem cần để bao nhiêu phần trăm lương mỗi tháng vào quỹ chung và cùng nhau quản lý.
Ví dụ, hai người bỏ 50% tiền lương vào cùng một thẻ ngân hàng mỗi tháng và số tiền trong thẻ này được dùng để đầu tư vào tài khoản ngân hàng tiết kiệm có lãi suất cao, quỹ trái phiếu, cổ phiếu,... 50% còn lại hai người thảo luận xem ai sẽ dùng nó để thanh toán tiền điện nước, tiền thuê nhà, tiền học của con và các khoản chi phí cố định khác và ai sẽ dùng nó để mua rau hoặc các nhu cầu thiết yếu hàng ngày...
3. Tìm người giỏi quản lý tiền bạc nhất để quản lý tài sản chung
Nếu vợ chồng bạn đang có số tiền chung để chi trả cho các khoản tiền cần thiết cho cuộc sống thì ai sẽ là người quản lý phần tiền này? Lúc này nhất định phải chọn người giỏi quản lý tiền bạc thì tài sản mới sinh sôi nảy nở nhanh chóng hơn. Điều này cũng được áp dụng với khoản tiền mang đi đầu tư và gửi tiết kiệm. Sẽ tốt hơn nếu cả hai có thể bàn bạc với nhau, cùng đưa ra quyết định và tìm ra phương pháp vừa ý nhau.
4. Cần ghi chép chi tiêu cụ thể
Trên thực tế, dù vợ chồng tự quản lý tiền bạc hay có một tài khoản chung thì điều quan trọng nhất vẫn là sự minh bạch tài chính để tránh gây hiểu lầm và cãi vã. Bằng cách ghi chép chi tiêu, vợ chồng bạn có thể biết rõ ràng hơn số tiền chi tiêu mỗi năm, số tiền có trong tài khoản, liệu chi tiêu có thể giảm, liệu có khả năng tăng thêm thu nhập hay không và liệu thu nhập đầu tư có đáp ứng được tiêu chuẩn,...
Nói đến việc ghi chép chi tiêu thì nhiều người sẽ thấy rườm rà, khi thống kê cũng rất phiền phức. Trên thực tế, vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách sử dụng các app chi tiêu hiện đại được cài đặt trên điện thoại. Ứng dụng đã được phân loại sẵn từng hạng mục chi tiêu, bạn chỉ cần điền số trực tiếp vào là được, mỗi lần điền không mất một phút, rất phù hợp cho những người lười biếng.
Với việc ghi chép công khai và công bằng sẽ giúp làm giảm xung đột về việc ai sẽ quản lý tiền, vì với sổ cái này, cả hai có thể quản lý nó cùng nhau. Với một số mẹo quản lý tiền bạc và công cụ tốt, gia đình nhỏ của bạn sẽ ngày càng tốt hơn về mặt tài chính.