Sau khi 1 người ra đi trước, vợ chồng U75 giao kèo làm 3 điều để tuổi già viên mãn bất kể ai chê trách
Sau những năm tháng thăng trầm chứng kiến câu chuyện của mọi người, vợ chồng ông Châu nhận ra mình cần lên kế hoạch để tuổi già không tẻ nhạt và nặng nề.
Bài viết dưới đây là chia sẻ của ông Châu (71 tuổi, Nam Ninh, Trung Quốc) đang được nhiều người quan tâm trên nền tảng Toutiao.
Vợ chồng tôi là nhân viên của doanh nghiệp nhà nước đã về hưu. Hàng tháng tôi nhận được mức lương 5.100 NDT (khoảng 17 triệu đồng), còn bà xã có 3.800 NDT (khoảng 13 triệu đồng). Với số tiền này, nhìn chung, chúng tôi không phải lo lắng về vấn đề tài chính ở những năm tháng tuổi già. Chi tiêu một phần, mỗi tháng, chúng tôi vẫn còn dư 1 khoản để gửi tiết kiệm phòng khi đau ốm.
Vợ chồng tôi chẳng có con trai nhưng lại được 2 cô con gái vô cùng hiếu thảo, luôn chăm sóc và đồng hành khi bố mẹ cần. Dẫu vậy, khi bước qua tuổi 70, tôi và bà xã bắt đầu có tâm lý lo lắng cho quãng đời còn lại của mình. Không phải vấn đề tài chính, điều chúng tôi quan tâm là nếu một người đi trước thì người còn lại phải làm gì để sống tốt.
Vì lý do này, vợ chồng tôi bàn bạc về việc sắp xếp phần đời còn lại của mình sao cho ổn nếu không may 1 người đi trước. Kế hoạch được đưa ra như sau dẫu cho có bất kỳ ai ngăn cấm:
Chúng tôi sẽ không tái hôn hoặc kết hôn
Khi người bạn đời ra đi trước, việc tái hôn cũng là nhu cầu dễ hiểu. Họ mong muốn có người tâm tình, trò chuyện bên cạnh để cuộc sống vơi bớt cô đơn.
Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, việc tái hôn này chỉ phù hợp với người ở độ tuổi trung niên. Chuyện này thực sự không hợp với một nhóm người đã nhiều tuổi như chúng tôi.
Tôi thấy hầu hết các cặp đôi tái hôn ở tuổi này đều chia tay do không hạnh phúc, trục trặc về các vấn đề con cái, tiền bạc, lối sống và sở thích cá nhân.
Như câu chuyện của bà Lý cạnh nhà tôi là ví dụ điển hình. Sau khi chồng qua đời được 10 năm, ở tuổi 75, bà tiếp tục đi bước nữa. Mới đầu 2 người sống khá hạnh phúc.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, những xích mích dần xuất hiện. Nguyên nhân là do con riêng của chồng bà không thích bà, cho rằng bà có âm mưu muốn được nhận thừa kế tài sản. Điều này khiến bà vô cùng phiền lòng. Sau khoảng 2 năm cam chịu, cuối cùng, bà đi đến quyết định chia tay sau hàng loạt những trận cãi vã không đáng có.
Suy nghĩ sâu xa hơn, khi tìm 1 người chồng 1 người vợ khác để tái hôn sau khi người bạn đời trước ra đi, chẳng phải bạn sẽ phải trải qua thêm 1 cuộc chia ly sinh tử nữa sao. Người còn lại chắc chắn sẽ rất buồn ở những năm tháng cuối đời.
Chúng tôi sẽ không yêu cầu con cái phải chu cấp khi về già
Tôi biết từ con gái đến con rể của mình đều vô cùng hiếu thảo. Lại có tiềm lực kinh tế, họ hoàn toàn có thể chu cấp đều đặn chi tiêu hàng tháng cho vợ chồng tôi. Tuy nhiên, tôi và vợ đã thống nhất sẽ không để các con phải chịu gánh nặng đó.
Thậm chí, vợ tôi nói rằng sau này có già yếu cũng sẽ không sống chung cùng con cái. Bởi nhà của bố mẹ có thể là nhà của con cái nhưng điều ngược lại khó có thể xảy ra. Chúng tôi không thể dựa hoàn toàn vào các con như vậy được.
Bao năm qua, chúng tôi cũng chứng kiến không ít các cụ già dọn về sống chung với con cái rồi xảy ra những xích mích, gây rạn nứt tình cảm. Khi đó, mối quan hệ sẽ trở nên vô cùng khó xử, gây khó cho cả bố mẹ và con cái.
Chúng tôi sẵn sàng bán nhà để có được những tháng ngày nghỉ hưu tốt nhất
Chúng tôi bàn với nhau rằng nếu 1 người ra đi trước mà khoản lương hưu không đủ để trang trải cuộc sống hãy cứ bán đi căn nhà đang ở. Căn nhà của chúng tôi có giá khoảng 1,3 triệu NDT. Với khoản tiền này, chúng tôi có thể sống quãng đời còn lại 1 cách thoải mái.
Một là tôi hoặc vợ có thể sử dụng số tiền này để chuyển vào viện dưỡng lão sống. Chúng tôi tin chắc rằng khoản tiền này đủ để chọn được viện dưỡng lão loại tốt ở địa phương.
Nếu không muốn sống trong viện dưỡng lão, chúng tôi có thể chọn mua một căn nhà nhỏ hơn ở ngoại thành và sử dụng số tiền còn lại để thuê người giúp việc.
Với kế hoạch này, chúng tôi có 1 mục đích là không muốn phiền đến các con. Tôi không muốn bản thân trở thành gánh nặng cho mấy đứa trẻ.