Cay đắng nghỉ hưu: Lúc đi làm ‘hét ra lửa’, trên dưới răm rắp nghe lời, ‘về vườn’ liền bị mấy gã non choẹt chỉ trỏ sai vặt!

Nguyễn Phượng,
Chia sẻ

Dù tuổi trẻ bạn có thành công bao nhiêu thì cũng không thể đảm bảo khi về hưu sẽ giúp bạn được hưởng cuộc sống mà mình mơ ước. Tôi chính là như vậy!

70 tuổi vẫn đi làm thuê, đó là tình cảnh của một ông già như tôi lúc này. Có lẽ, bất cứ ai sau khi nghỉ hưu đều mong muốn được hưởng cuộc sống an nhàn bên con cháu, một năm được đi du lịch đôi ba lần hoặc thỉnh thoảng tụ tập với bạn bè, thế nhưng tôi lại không có phúc như vậy.

Tôi xuất thân là con nhà nghèo, cha mẹ đều mất sớm nên từ nhỏ đã sống cùng ông bà. May mắn, ông bà là người hiểu chuyện, dù làm lụng vất vả đến đâu cũng quyết tâm cho tôi đi học với mong ước sau này tôi có thêm cơ hội thoát nghèo.

Không phụ lòng ông bà, tôi một buổi đi học, một buổi đi làm nhưng thành tích vẫn luôn đứng top đầu ở trường. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi thi đỗ vào đại học chuyên ngành kinh tế. Ngày lên đường lên thành phố nhập học, tôi hứa với chính mình sẽ nỗ lực gấp 100 lần người khác để sớm có ngày thành công báo đáp ơn dưỡng dục của ông bà.

Từ "đại tướng" trên thương trường đến ông cụ 70 nghỉ hưu: Lúc đi làm "hét ra lửa", trên dưới ai cũng nghe lời, khi về già bị mấy gã non choẹt chỉ vào mặt sai việc, đời quả thực cay đắng! - Ảnh 1.

Tuổi già tôi vẫn cô đơn không con cháu nương tựa, ngày ngày đi tìm việc làm

Qua 5 năm rèn luyện nơi giảng đường, tôi cùng vài người bạn hùn vốn khởi nghiệp thành lập công ty chuyên sản xuất bánh kẹo. Thế nhưng, vì thiếu kinh nghiệm và "ngựa non háu đá", chúng tôi đã nhanh chóng phá sản chỉ sau 2 năm.

Thất bại trong đau đớn, tôi lang thang khắp các nẻo đường ở Bắc Kinh tìm việc làm. May mắn, một ông chủ công ty gỗ thấy tôi nhếch nhác, gầy gò nên thương tình nhận vào làm việc trong xưởng sản xuất dù tôi chẳng biết chút gì về gỗ.

Tháng ngày dài đằng đẵng, ông chủ dạy tôi làm từ những việc nhỏ nhất như đánh giấy ráp, chọn lựa gỗ, đục đẽo tạo hình...Tuy có chút vụng về, nhưng bù lại tôi lại có kiến thức về kinh tế và "máu" kinh doanh nên rất nhiều lần tôi đã hiến kế giúp ông chủ thu về lợi nhuận lớn. Cứ như vậy, tôi dần trở thành tâm phúc của ông chủ, được quản lý mọi công việc lớn nhỏ trong xưởng cùng hàng 100 công nhân.

Dần dần, tôi được đứng vào hàng ngũ cốt cán của công ty, được chuyển nơi làm việc từ xưởng gỗ bụi bặm đến tòa nhà hào nhoáng, vị thế dưới một người, trên vạn người. Tôi đi đến đâu cũng được đồng nghiệp nể trọng, nhân viên kính sợ.

Thời gian thấm thoắt qua đi, khi tôi 60 tuổi thì công ty có biến đổi lớn. Ông chủ qua đời nên toàn bộ công việc đều giao hết cho người con trai cả và con trai thứ ba quản lý theo như di chúc. Trước đây, họ cũng tham gia điều hành mọi việc nhưng dù sao vẫn bị bố quản thúc nên không dám lộng hành. Đến nay, khi quyền hành đã nắm trong tay thì những người con của ông chủ bắt đầu muốn "thay máu" đội ngũ nhân viên chủ chốt, nhất là các bậc lão thành như tôi. 

Vậy là cứ 6 tháng đến 1 năm lại có một người bạn của tôi ra đi. Riêng tôi thì lâu hơn, 5 năm sau, qua nhiều cuộc kỳ kèo, bất đồng quan điểm, dọa nạt thì cuối cùng tôi bị buộc nghỉ hưu. Tuy rằng trong lòng còn lo lắng cho sự nghiệp phát triển của công ty sau này nhưng với cá nhân tôi lại là một kết thúc thanh thản. Dù sao, những người đồng hành cùng tôi gần cả cuộc đời đã không còn, tôi không còn lý gì để ở lại.

Trong 5 năm tiếp theo, những tưởng ở tuổi 70 tôi sẽ được nghỉ ngơi thì gia đình lại gặp biến cố. Con trai đầu tiên của tôi làm ăn thất bại, con gái út thì li hôn nên gửi cháu đến ở cùng vợ chồng tôi để đến thành phố khác lập nghiệp. Thương các con, tôi bán một mảnh đất, cộng với toàn bộ số tiền mình dành dụm đưa cho con trai đi trả nợ, tránh tạo rắc rối rồi liên quan đến pháp luật. Số còn lại, tôi đưa cho con gái một ít để làm vốn làm lại cuộc đời.

Từ "đại tướng" trên thương trường đến ông cụ 70 nghỉ hưu: Lúc đi làm "hét ra lửa", trên dưới ai cũng nghe lời, khi về già bị mấy gã non choẹt chỉ vào mặt sai việc, đời quả thực cay đắng! - Ảnh 2.

70 tuổi đi làm sau nghỉ hưu, tôi bị những gã thanh niên chửi thẳng vào mặt

Từ một người có kinh tế ổn định, bỗng chốc tôi trở thành lão già nghèo nàn, chẳng thể nương tựa vào con cái. Với bản tính không bi lụy, tôi lại ra đường đi xin việc một lần nữa. Lúc này do tuổi đã già nên sẽ chẳng có việc gì thích hợp hơn bằng đi làm bảo vệ.

Nhóm của tôi gồm 10 người trông coi ở siêu thị, tôi được phân công trông giữ xe máy. Công việc vốn dĩ cũng không có gì vất vả nhưng lương thấp, khi nắng mưa cũng phải ra ngoài dắt xe cho khách. Hơn nữa thỉnh thoảng vẫn bị sếp trẻ mắng nhiếc, dù tuổi tác của cậu ta chỉ bằng con trai tôi.

Có hôm, tôi không cẩn thận làm đổ xe của một cậu thanh niên, cậu ta liền giận giữ đỏ bừng mặt, chỉ tay vào mặt tôi và bảo: "Lão già, lão làm ăn kiểu gì vậy, lão có muốn tôi khiến lão bị mất việc không. Tại sao siêu thị này lại thuê một người vô dụng như lão làm việc chứ".

Tôi liền nhanh chóng lau sạch xe cho anh ta rồi cúi gập người xin lỗi: "Thật tình xin lỗi cậu, tại tối qua thức cả đêm nên nay tôi có hơi hoa mắt một chút. Cậu xe chiếc này cũng không bị xước gì cả, tôi đã lau sạch sẽ rồi nên cậu tha cho tôi".

Vậy là chàng thanh niên liền đẩy tôi ra rồi lên xe phóng đi. Dù sao, trải qua biết bao nhiêu năm trên thương trường nên những việc này đối với tôi cũng không có gì không thể nhẫn nhịn. Bây giờ tôi chỉ mong kiếm được tiền để nuôi dạy cháu nên người, giúp nó có thể đi học đường hoàng giống như ông bà ngày xưa đã cưu mang tôi.

Cuộc đời quả thực là một dấu hỏi hơn, bạn chẳng thể biết được bạn sẽ gặp biết bao nhiêu khó khăn thử thách. Thậm chí, đến khi ngày tàn đã sắp đến thì bạn vẫn chẳng thể thoát khỏi chữ "khổ" đeo bám.

Theo Toutiao

Chia sẻ