Sau cơn mưa lớn, thành phố bị bao phủ bởi "tuyết" nhưng ai cũng sốc khi biết sự thật
Nếu lần đầu tiên đặt chân đến thành phố này, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên và cho rằng "tuyết rơi mùa hè" là có thật nhưng sự thật thì không phải như vậy.
Ở hầu hết các nơi trên thế giới, cảnh tuyết rơi trắng xóa bao phủ một khắp các ngôi nhà, rừng cây cho ta cảm giác thật đẹp nhưng cảnh tượng ở thành phố này khiến người ta rùng mình.
Những cơn mưa sớm đã làm cho bầu không khí ở thành phố Bangalore, thành phố được mệnh danh là thung lũng Silicon của Châu Á, đã phần nào dễ chịu hơn trong mùa hè khắc nghiệt này.
Cảnh tượng như thể "tuyết rơi giữa mùa hè".
Tuy nhiên, chúng lại mang đến phiền phức cho người dân ở con phố Whitefield Main Road. Những giọt mưa nặng hạt cùng với gió thổi mạnh đã khiến cho bọt trong hồ Varthur Lake – vốn được hình thành do nguồn nước bị ô nhiễm – ngày càng nhiều hơn và tràn lên đường, bay vào nhà dân và các tòa nhà, trung tâm mua sắm, bệnh viện khiên những người sống ở đây gặp nhiều khó khăn trong đi lại vì giao thông bị cản trở.
Hồ Varthur Lake là một hồ chịu tác động mạnh từ ô nhiễm môi trường, chất thải, rác và khí thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người đã khiến cho nước trong hồ sủi bọt. Để ngăn những bọt này tràn lên đường, chính quyền thành phố đã dựng lên một hàng rào quanh khu vực mép hồ. Tuy nhiên chiếc hàng rào này trở nên vô dụng dưới sức nước và sức gió của cơn mưa nặng hạt.
Những bọt trắng dày đặc bao phủ khắp nơi.
"Buổi sáng sau cơn mưa, chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều bọt trên đường. Hàng rào vẫn còn nguyên nhưng sức gió đã khiến bọt trong hồ nước bay tứ tung và tràn lên đường. Nó bay vào người, chạm vào da khiên nhiều người sợ hãi, giao thông thì bị đình trệ", ông Pravir B, một người dân cho biết.
"Thêm vào đó, mùi hôi từ nước hồ đã khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Bọt bay khắp nơi, chúng bay cả vào nhà, vào siêu thị, vào các trung tâm mua sắm và bệnh viện", ông nói thêm.
Sau khi sự việc xảy ra, rất nhiều đoạn video và hình ảnh về con phố Whitefield Main Road đã được đăng tải lên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông.
"Các nhà chức trách đang nhận ra được vấn đề. Tuy nhiên họ cần phải có tầm nhìn sâu hơn nữa. Chắc chắn sự việc này sẽ còn diễn ra nữa nếu nguyên nhân gốc rễ của nó là ô nhiễm nguồn nước không được giải quyết", một người dân nói.
Sự việc xảy ra ở hồ Varthur Lake đã trở thành tin tức hàng đầu trên trang nhất của các báo, đơn giản vì nó đang gióng lên hồi chuông báo động về mức độ ô nhiễm ở không chỉ Banglore nói riêng mà còn của cả Ấn Độ. Sau hồ Varthur Lake, còn một danh sách dài các hồ nước khác được đưa vào diện cần phải bảo vệ và khắc phục nhanh chóng.
(Nguồn: Indiatimes)