Sau án phạt 170 triệu đồng, SEVEN.am "bác" tuyên bố cắt mác của ông Nguyễn Vũ Hải Anh
SEVEN.am cho rằng, phát ngôn cắt mác cổ một số sản phẩm do khách phản ánh bị ngứa khi sử dụng của ông Hải Anh chỉ là ý kiến cá nhân, không đại diện cho Công ty cổ phần MHA và thương hiệu.
Trước phản ánh của báo chí, ngày 29/11, Tổng cục quản lý thị trường đã có kết quả kiểm tra và ra kết luận xử phạt thương hiệu thời trang SEVEN.am thuộc Công ty cổ phần MHA số tiền 170 triệu đồng vì các lỗi như sản xuất kinh doanh hàng hóa có nhãn, không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định, kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin...
Ngay sau đó, Công ty cổ phần MHA gửi đi thông cáo khẳng định "SEVEN.am không gắn mác Made in Việt Nam" vào các sản phẩm tem mác Trung Quốc nhằm mục đích đánh tráo xuất xứ hàng hóa và lừa dối người tiêu dùng.
Doanh nghiệp cũng khẳng định, các sản phẩm gắn tem mác SEVEN.am Made in Việt Nam được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, bởi những người thợ may Việt Nam. Sau sự việc, doanh nghiệp sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình, điều chỉnh và thắt chặt khâu quản lý sản phẩm, tem mác sản phẩm.
SEVEN.am bị phạt 170 triệu đồng do các lỗi liên quan đến tem mác.
Công ty cổ phần MHA thông tin thêm, do thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhân sự nên từ tháng 2/2018, ông Nguyễn Vũ Hải Anh không còn là đại diện pháp luật của Công ty và thương hiệu SEVEN.am.
"Từ 15/12/2018, tức là cách đây gần một năm, ông Nguyễn Vũ Hải Anh đã không còn là cổ đông của Công ty, ông Hải Anh không phải là đại diện phát ngôn của Công ty và thương hiệu SEVEN.am", đại diện SEVEN.am cho biết.
Vì vậy, SEVEN.am cho rằng, phát ngôn về việc nhân viên công ty cắt "mác cổ một số sản phẩm do khách phản ánh bị ngứa khi sử dụng" của ông Hải Anh trước đó với báo chí chỉ là ý kiến cá nhân, không đại diện cho Công ty cổ phần MHA và thương hiệu SEVEN.am.
Liên quan đến thông tin SEVEN.am mở rất ít tờ khai hải quan nhập khẩu trong khi lượng hàng lớn, Giám đốc Công ty MHA Đặng Quốc Anh cho biết, phần lớn sản phẩm SEVEN.am được sản xuất trong nước và chỉ nhập khẩu một số lượng nhỏ phụ kiện như túi, ví từ Trung Quốc để bán kèm.
"Dòng hàng này số lượng rất ít lại bán chậm, do vậy Công ty chỉ mở ít tờ khai hải quan nhập khẩu", ông Đặng Quốc Anh nói.
Hiện tại, theo khảo sát, hai ngày sau khi Tổng cục quản lý thị trường có kết quả kiểm tra và ra kết luận xử phạt, chuỗi cửa hàng SEVEN.am ở Hà Nội đã mở cửa hoạt động trở lại.
SEVEN.am mở cửa trở lại sau án phạt 170 triệu đồng.
Trước đó, theo phản ánh của báo chí về việc nhân viên SEVEN.am cắt mác sản phẩm Trung Quốc, gắn mác Việt, ngày 11/11/2019, Đội QLTT số 14 thuộc Cục QLTT TP.Hà Nội đã kiểm tra 5 điểm kinh doanh quần áo của thương hiệu này tại 146-148 Tôn Đức Thắng; 146 Thái Hà; 135 Trần Phú, Hà Đông; 506 Nguyễn Văn Cừ (Công ty cổ phần MHA) và 11 Kim Đồng (Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ).
Qua kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường đã thu giữ và niêm phong tổng cộng 9.035 sản phẩm để làm rõ.
Kết quả kiểm tra cho thấy, thời điểm năm 2017 và 2018, công ty có nhập khẩu trực tiếp một số mặt hàng là ba lô, túi, ví, giày, dép, dây lưng từ Trung Quốc của Công ty TNHH Guangxi PingXiang Zhenguan Import & Export Trading co. LTD nhưng đã bán hết.
Tổng cục Quản lý thị trường nói chưa phát hiện dấu hiệu mua hàng dệt may của nước ngoài về để gắn nhãn hiệu và ghi nhãn như phản ánh trước đó. Đơn vị này cho biết, đang tiếp tục giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của Công ty cổ phần MHA, Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh và các đơn vị có liên quan để làm rõ.