Sang nhà hàng xóm ăn cơm, tôi cay đắng hiểu ra vì sao chồng kiên quyết ly hôn mình
Tôi đã quen thói đổ lỗi cho chồng suốt 5 năm. Còn anh ấy chỉ đổ lỗi cho tôi duy nhất một lần, khi chúng tôi ra tòa ly hôn…
4 tháng trước, cũng vào một ngày Hà Nội trời xầm xì dở ương như hôm nay, lần đầu tiên tôi bước chân đến tòa để nhận phán quyết ly hôn với chồng cũ. Anh ấy là người đâm đơn trước. Dù tôi kiên quyết không đồng ý, không ký đơn và muốn hòa giải, nhưng anh ấy nhất định muốn rời đi.
Chồng để con gái 4 tuổi và con trai 2 tuổi cho tôi nuôi. Mỗi tháng anh chu cấp cho bọn nhỏ 8 triệu. Còn lại anh để căn nhà cho 3 mẹ con tôi sống, tài sản chung chẳng có gì nên anh xách mỗi đống vali quần áo ra đi.
Mọi thứ kết thúc nhanh đến nỗi bây giờ tôi vẫn chưa quen với việc ngủ một mình. Lũ trẻ được rèn ngủ riêng từ lúc 1 tuổi, giờ rủ chúng nó sang nằm với mẹ còn không chịu. Đêm nào tôi cũng nghĩ đi nghĩ lại về cuộc hôn nhân vừa tan vỡ, chẳng biết mình đã sai ở đâu mà chồng nhất quyết đòi chia tay?
Cả 2 chúng tôi đều không ai phản bội đối phương. Chồng cũ của tôi là một người đàn ông hiếm có. Anh ấy chăm chỉ, hiền lành, nói chuyện khéo, dễ gây cảm tình với người khác. Công việc của anh cũng tốt, lương không quá cao nhưng đủ để cùng tôi chăm lo cho tổ ấm chung.
5 năm kết hôn cuộc sống của chúng tôi trôi qua rất yên bình. Mà đó là tôi thấy vậy, chứ không biết từ góc độ của chồng cũ thì anh ấy nghĩ sao. Khái niệm “yên bình” với tôi nghĩa là vợ chồng không cãi nhau thường xuyên, không mâu thuẫn xô xát, không có biến cố gì căng thẳng. Tôi cũng vẫn còn tình cảm với anh chứ không phải nhạt nhòa. Vậy mà chồng vẫn kiên định ly hôn…
Tôi đã hỏi thẳng chồng cũ vài lần rằng tại sao anh phải đi đến bước đường cùng như thế. Anh chỉ nói mỗi câu rằng bản thân tôi biết rõ đáp án. Nhưng tôi cứ loay hoay mãi không biết câu trả lời nằm ở đâu?
Cho đến hôm nay khi sang nhà hàng xóm ăn cơm tối thì tôi đã hiểu rõ. Tôi cứ trách chồng cũ vô tâm, nhưng thực ra chính tôi đã phá vỡ cuộc hôn nhân của mình.
Chiều nay lũ trẻ được bố đón đi bơi. Tôi rảnh rỗi nằm nhà xem điện thoại. Chị hàng xóm đi qua thấy cửa mở nên ghé vào hỏi thăm, xong chị rủ tôi sang nhà ăn bữa cơm chung cho đỡ phải nấu nướng. Chúng tôi thân thiết với nhau nên dĩ nhiên tôi không câu nệ gì cả. Khi sang nhà anh chị hàng xóm tôi còn đem chút hoa quả cho lịch sự.
Lúc chị Huyền đứng nấu ăn thì anh Quân luôn ở cạnh phụ giúp. Tôi muốn chen vào góp một tay cũng không được, anh chị bảo cô cứ ngồi chơi với bọn trẻ con đi.
Ngồi mãi cũng chán nên tôi đi loanh quanh chỗ bàn đảo bếp để xem có gì thì tiện tay làm hộ anh chị. Tôi nhận ra anh Quân vụng vô cùng, mang tiếng giúp vợ nhưng cái thì hỏng cái thì sai.
Hành lá anh ấy thái để nguyên lá úa, rễ cũng rửa chưa sạch đất. Thái thịt thì miếng dày cộp miếng mỏng dính. Ngoáy trứng thì rớt văng tùm lum ra bàn, xong anh cũng chẳng lau mà cứ thế để các đồ khác lên khiến nó dính lem nhem.
Tôi bị bệnh ưa gọn gàng sạch sẽ nên nhìn vậy khó chịu lắm. Nếu là chồng cũ thì tôi đã mắng anh liên tục rồi, bắt làm chuẩn quy định mới thôi. Chồng không biết nhặt rau lang, bẻ sai 1 cành tôi cũng càu nhàu bắt anh nhặt lại. Cà chua tôi thích thái dọc nhưng chồng luôn thái ngang, anh không cắt theo ý tôi là bị mắng “chẳng biết làm gì cả”.
Rồi khi dọn dẹp bếp chồng tôi hay lóng ngóng không biết dùng giẻ nào. Tôi cáu nhặng lên bắt anh phải ghi nhớ giẻ hồng lau cái sạch, giẻ xanh lau chỗ bẩn. Chồng để nhầm vị trí bát đĩa nồi niêu tôi cũng yêu cầu anh phải xếp lại. Nói chung tôi hay ngứa mắt lắm, lúc nào cũng nghĩ chồng mình chẳng biết gì ra hồn.
Có lần bực quá tôi còn quát chồng “Ngày xưa mẹ không dạy anh cách làm việc nhà hả”. Chồng tự ái nên bỏ cả cơm, giận mấy ngày không nói chuyện.
Nhìn sang anh Quân tôi thấy anh đoảng y xì chồng cũ. Chắc đàn ông không có năng khiếu nội trợ thật, 100 anh chắc chỉ được vài người khéo tay. Thế nhưng chị Huyền lại phản ứng khác tôi, chị ấy không mắng mỏ dạy chồng mà đối xử với anh Quân rất nhẹ nhàng. Chị vừa cười vừa chỉ cho anh biết lỗi sai ở đâu, nếu anh lỡ làm hỏng rồi thì chị bảo bỏ đi cũng được không sao cả. Anh Quân lại vui vẻ giúp vợ cái khác, họ cứ ríu rít trong bếp như một cặp mới yêu vậy.
Tự dưng lúc ấy tôi ngồi thừ ra suy nghĩ, có vẻ như 5 năm qua tôi đã trách mắng chồng quá nhiều. Cứ ở nhà với nhau là tôi chỉ chăm chăm bắt lỗi anh ấy. Dù chuyện bé hay chuyện to thì tôi cũng khó chịu như kiểu chồng gây họa gì ghê gớm lắm. Tính chồng cũ tôi hiền nên anh nhẫn nhịn được. Cơ mà con giun xéo lắm cũng quằn, tôi cứ lải nhải suốt ngày nên chắc anh ức chế không chịu được nữa.
Quay lại bữa cơm với nhà anh Quân, tôi thấy chị Huyền gắp thức ăn cho anh liên tục. Lũ trẻ cũng tranh nhau nhờ bố gỡ cá xé thịt cho. Mọi người đều nói chuyện vui vẻ và không ai chú ý đến những tiểu tiết linh tinh trên bàn ăn kiểu như cơm rơi cơm vãi. Tôi buột mồm bảo lũ nhỏ nhặt cơm bỏ vào tờ giấy ăn thì bố mẹ chúng nói kệ, cứ ăn thoải mái rồi dọn dẹp sau.
Anh Quân lỡ làm đổ nước mắm tỏi ra bàn, bắn cả vào áo chị Huyền nhưng chị không cáu gắt gì cả. Chị lấy giấy chấm chấm mấy nhát xong bảo may quá chưa tắm, lát ăn xong thì thay đồ mới luôn. Tình huống này nhà tôi cũng từng gặp nhiều rồi, và lần nào tôi cũng quát chồng chân tay thô kệch, đã hay vụng còn không chịu chú ý.
Tôi lại chợt nhận ra mình mắc thêm một lỗi sai nữa. Đó là trước mặt các con tôi không cho chồng tí thể diện nào, trái ngược hẳn với sự tinh tế của chị hàng xóm. Tôi cứ nghĩ chúng nó còn bé chẳng biết gì, nhưng hình như đã vài lần chúng phản ứng lại thay bố khi tôi mắng chồng chuyện gì đó.
Tôi quên mất một điều là chồng phải đi làm giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 7. Lắm lúc cuối tuần anh còn chẳng được nghỉ ngơi vì sếp dí deadline. Tôi không biết anh mệt mỏi đến đâu, vậy mà lúc ở nhà với nhau tôi cứ đòi hỏi anh phải san sẻ mọi công việc với mình. Tôi áp đặt trách nhiệm chăm sóc gia đình lên chồng cũ, anh cứ cắn răng chịu đựng không than thở còn tôi thì chẳng hề hay biết sự rạn nứt bắt nguồn từ sự lắm lời của bản thân.
Tôi trách chồng cũ vô tâm nhưng hóa ra tôi mới là kẻ vô tình. Thay vì biến những lỗi sai của anh thành dăm ba câu vui vẻ thì tôi lại nhét nó vào “bộ sưu tập” những thứ kém cỏi của chồng, rồi đem ra đay đi đay lại khiến anh mệt mỏi. Chồng không nói nên tôi không hay biết mình tạo ra áp lực đè nặng lên tâm lý của anh, rồi dần dần nó trở thành “thuốc độc” khiến cuộc hôn nhân của chúng tôi tàn úa.
Ăn xong anh Quân xếp hết bát đĩa vào máy rửa, kêu chị Huyền ngồi nói chuyện với tôi để anh gọt trái cây. Tôi mang sang một quả dưa rất to nhưng anh Quân lại bỏ nó vào cái đĩa bé tí. Chị Huyền không để tâm đến việc đó song tôi thì có. Hồi trước tôi cũng từng mắng chồng là tại sao không bỏ dưa vào cái khay sâu lòng to hơn, đựng đĩa nhỏ thì cắt ra xếp không vừa, rồi nước quả chảy ra lung tung gọi lũ kiến tới bâu. Tôi nhớ chồng đã dừng tay không bổ dưa nữa. Sau đó anh tống thẳng quả dưa vào tủ lạnh, kêu ai muốn ăn thì tự làm.
Quá nhiều bài học thấm thía sau bữa cơm nhà chị hàng xóm. Chị ấy chỉ ở nhà làm nội trợ thôi, không kiếm nhiều tiền bằng tôi nhưng lại khéo léo vô cùng. Chỉ bước chân vào nhà chị thôi là tôi đã cảm nhận rõ không khí hạnh phúc. Là cảm giác ấm áp tỏa ra từ tất cả thành viên trong gia đình chị Huyền, chứ không “bập bõm” như gia đình tôi. Nhà tôi thì chỉ hạnh phúc khi tôi không gắt gỏng. Còn lại thì 3 bố con sẽ im lặng thở dài khi một mình tôi kêu ca…
Bao năm nay tôi nghĩ mình là người giỏi giang năng động, hoạt bát thông minh. Nhưng đấy chỉ là sự đánh giá bên ngoài mà thôi. Còn khi ở nhà, làm mẹ làm vợ, thì tôi thất bại hoàn toàn trong việc vun đắp tổ ấm. Giờ hối hận thì cũng đã muộn. Chẳng còn chồng bên cạnh để tôi sửa sai nữa rồi…