"Sang Ả Rập làm ô sin" - trào lưu đang sốt trở lại sau dịch, nhan nhản "cò" mời gọi trên MXH: Cẩn thận "ác mộng" vì ước vọng đổi đời!
Sau thời gian tạm lắng vì dịch bệnh, thời gian gần đây trào lưu "sang Ả Rập làm ô sin" có dấu hiệu sốt trở lại với những lời mời chào nhan nhản xuất hiện trên MXH.
Cách đây một thời gian, dư luận xã hội không khỏi xôn xao trước những thông tin về việc một nữ lao động Việt 25 tuổi tử vong ở Ả rập Xê út. Điều đáng nói là cách đây vài năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã nhiều lần ra khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về các điều kiện làm việc, sinh hoạt, khí hậu, phong tục tập quán của nước bạn và phải có sức khỏe phù hợp trước khi quyết định đi làm việc.
Nhan nhản mời gọi trên MXH
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người dân không có nguồn thu nhập, nhu cầu tìm việc làm tăng cao, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu lao động. Cùng với đó, nhiều công ty môi giới XKLĐ bắt đầu hoạt động trở lại khi liên tục đăng tuyển tìm người đi làm nhiều công việc lương cao. Điều này càng khiến thị trường XKLĐ mới chỉ đầu năm nhưng khá "nhộn nhịp".
Trong khi đó, mới chỉ có một vài nước quyết định mở lại thị trường XKLĐ, cùng với đó là bay thương mại quốc tế vẫn còn hạn chế, chỉ mở lại một số, tuy nhiên các công ty môi giới vẫn liên tục đăng tin tuyển dụng lao động đến những thị trường khác.
Đặc biệt sau sự việc nữ lao động Việt 25 tuổi tử vong ở Ả rập Xê út vào hồi tháng 07/2021 gây xôn xao dư luận thì nhu cầu lao động tại thị trường này vẫn rất nhộn nhịp.
Nhiều hội nhóm về xuất khẩu lao động tại Ả rập Xê út được lập ra. Cùng với những lời giới thiệu công việc là lời mời gọi với mức lương hấp dẫn kèm miễn phí thủ tục... khiến nhiều người dao động.
Đặc biệt sau một thời gian chịu ảnh hưởng dịch bệnh, không có nguồn thu nhập lại càng khiến nhiều người dễ tin tưởng. Một lý do khác khiến nhiều lao động có tài chính eo hẹp lựa chọn đi xuất khẩu lao động Ả Rập, là bởi mọi chi phí để đi làm việc tại đây sẽ do chủ sử dụng chịu. Vì thế lao động không mất chi phí ban đầu như đi xuất khẩu lao động tại các quốc gia, các ngành nghề khác.
Thực tế bẽ bàng
Nghe lời chào mời ngon ngọt của các công ty xuất khẩu lao động đi Ả Rập Xê Út làm giúp việc gia đình, lương 7-10 triệu đồng/tháng, không mất phí, nhiều lao động nữ tại các vùng quê nghèo đã lên đường với hy vọng đổi đời. Nhưng đặt chân sang thì “vỡ mộng”, họ phải nhờ người thân quê nhà làm đơn kêu cứu khắp nơi mong về nước sớm.
Anh H., ở Quận 5, TPHCM cách đây nhiều năm đã phải làm đơn gửi cả Thủ tướng để tố cáo Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng) thực hiện không đúng hợp đồng đã ký kết đưa bà Lê Thị Tuyết H. (52 tuổi, mẹ anh H.) đi làm giúp việc tại Ả Rập Xê Út.
Theo anh H., mẹ anh đi làm từ tháng 7/2015, được công ty hứa hẹn làm việc ở trung tâm thành phố; lương 1.300 SAR (gần 8 triệu đồng), làm cả ngày chủ nhật sẽ có thưởng thêm 200 SAR (hơn 1 triệu đồng); được chủ trang bị điện thoại, ngày ăn 3 bữa… Tuy nhiên, khi sang tới Ả Rập Xê Út, mọi việc thay đổi, mẹ anh H. phải ký thêm nhiều hợp đồng lao động, làm xa thành phố 2.000 km.
Đặc biệt, bà H. phải làm thêm cả ngày chủ nhật không có thưởng, ngày chỉ được chủ cho ăn 1 bữa, không được sử dụng điện thoại gọi về nhà, ngày làm 19 tiếng. Làm việc liên tục, ăn uống, nghỉ ngơi không đảm bảo, khiến bà H. kiệt sức, suy nhược cơ thể, chảy máu họng, hậu môn… nhưng chỉ được đi khám bác sĩ 1 lần. Bà H. đã nhiều lần gọi điện thoại về Công ty Bạch Đằng yêu cầu giúp đỡ, nhưng không ai nghe máy.
Sau nhiều tháng, bà H. mới liên lạc được với Công ty Bạch Đằng nhờ can thiệp và xin cho về nước sớm. Tuy nhiên, chủ sử dụng và Công ty Bạch Đằng yêu cầu bà H. phải nộp 62 triệu đồng tiền bồi thường hủy hợp đồng và tự bỏ tiền mua vé máy bay mới được về.
Thậm chí, theo anh H., người của Công ty Bạch Đằng còn nói, nếu không muốn “chết mòn” ở xứ người phải gửi tiền sang càng sớm càng tốt. Bà H. còn kể, hiện bà biết có 4, 5 người cũng rơi vào hoàn cảnh giống bà. Thậm chí, có người còn bị chủ nhà nhốt trên tầng thượng dưới cái nóng 60 độ C, không cho ăn. Do đó, anh H. gửi đơn tới các cơ quan chức năng nhờ can thiệp để mẹ anh được về nước.
Một trường hợp khác cũng đã phải "cầu cứu" người thân để sớm được về nước sau khi đặt chân đến xứ người.
Tháng 4/2016, sau 5 ngày đăng ký, chị L.T.D. (Thanh Hóa) được Công ty Viwaseen (Hà Nội) đưa đi giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út. Theo hợp đồng đã ký, chị D. được hưởng lương 1.500 SAR/tháng, tương đương khoảng 9 triệu đồng tiền Việt, thời gian làm việc mỗi ngày không quá 12 giờ…
Tuy nhiên, thực tế chị phải làm việc từ 5 giờ sáng hôm nay đến 1-2 giờ sáng hôm sau và chỉ ăn bánh mì thừa, cũ đã được mua nhiều ngày trước đó. Đây không phải là thực trạng của riêng chị D., nhiều lao động Việt Nam tại Ả Rập Xê Út cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi họ phải làm việc từ 16 - 20 giờ mỗi ngày. Đã vậy, còn thường xuyên bị chủ chửi bới, đánh đập và nợ lương.
Với lao động Việt Nam làm giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út, những trường hợp như mẹ anh H. cũng không phải hiếm.
Trước đó, hồi tháng 6/2015, 23 lao động Việt Nam sang làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út cũng phải bỏ trốn vì bị nhà chủ đối xử tệ, đánh đập; nhiều trường hợp được công ty môi giới hứa lương tháng 9-10 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế chỉ được 7 triệu đồng/tháng. Thậm chí, có trường hợp không chỉ làm việc ở nhà chủ, còn phải làm cho nhà người thân, bạn bè của chủ… Tuy nhiên, những trường hợp này muốn về nước phải bồi thường cho chủ sử dụng lao động từ 1 - 2 nghìn USD.
Bà Trần Thị Vân Hà - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB0XH) cho biết nguyên nhân dẫn đến thực trạng này xuất phát từ việc nhiều doanh nghiệp (DN) tuyển lao động không đúng đối tượng, tuyển người quá tuổi, đi nước ngoài vì nợ nần hoặc mâu thuẫn gia đình... nên không bảo đảm sức khỏe, dễ phát sinh tâm lý chán nản, đòi về nước trước hạn. Còn có những DN không ký hợp đồng với người lao động (NLĐ).
"Một số DN đào tạo không đầy đủ về kỹ năng, ngoại ngữ dẫn đến NLĐ không thích nghi với công việc và môi trường mới, có văn hóa khác biệt. Khó khăn trong giao tiếp với chủ khiến dễ phát sinh mâu thuẫn và khi gặp vấn đề không xử lý được", bà Hà cho biết thêm.
Hậu quả, với 6.000 lao động giúp việc nhà tại Ả Rập Xê Út thì số lao động về nước trước hạn gia tăng cao với những lý do sức khỏe không đáp ứng công việc, tranh chấp lao động, tập quán và điều kiện sinh hoạt không phù hợp…
Về vấn đề này, ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) nhận định, để xảy ra tình trạng trên là do việc cung cấp giấy phép cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động sang thị trường này còn lỏng lẻo.
Đã từng cảnh báo nhiều lần
Quay trở lại với vấn đề XKLĐ tại thị trường Ả rập xê út, cách đây một vài năm, cùng với gia tăng số lượng người lao động sang làm giúp việc gia đình tại thị trường này thì các vụ việc phát sinh liên quan đến loại hình lao động này ngày càng nhiều. Cục quản lý lao động ngoài nước trước đây đã có nhiều lần đưa ra cảnh báo cùng những giải pháp siết chặt quản lý với thị trường này và có những khuyến cáo với người lao động.
Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, do nhu cầu tiếp nhận nữ giúp việc gia đình tăng cao, yêu cầu tiêu chuẩn lại đơn giản, dễ dàng, chủ không sang Việt Nam tuyển chọn. Trong khi đó, thủ tục đưa và tiếp nhận lao động sang Ả rập Xê út tương đối đơn giản, người lao động hầu như đi không mất phí trong khi đó doanh nghiệp cung ứng được đối tác trả phí tuyển dụng cao nên gần đây số lượng lao động nữ Việt Nam đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út có xu hướng tăng.
Tuy vậy, đi cùng với gia tăng số lượng người lao động sang làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út, các vụ việc phát sinh liên quan đến loại hình lao động này ngày càng nhiều và chiếm tỷ lệ chủ yếu so với lao động các ngành nghề khác. Các vụ việc phát sinh liên quan đến lao động giúp việc gia đình mà cơ quan chức năng phải can thiệp chủ yếu là lao động trốn chủ, một số phản ánh bị chủ sử dụng bỏ rơi, bị ép làm việc nhiều giờ làm việc trong ngày; một số cho biết bị chậm trả lương hoặc không thích nghi với môi trường làm việc, văn hóa phong tục tập quán, không đảm bảo sức khỏe.
Đặc biệt, với Ả rập Xê út là một nước Đạo Hồi với văn hóa, thực phẩm và điều kiện khí hậu khác xa so với Việt Nam. Hơn nữa, công việc giúp việc gia đình có những đặc thù riêng, như giờ làm việc kéo dài hơn và nơi làm việc và ăn ở cùng với gia đình chủ nên dễ xảy ra những hiểu lầm.