Sáng 18/8: Gần 15,6 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm, riêng Hà Nội 1,75 triệu
Như vậy, hơn 25% dân số Hà Nội từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 1 mũi vaccine COVID-19.
Sáng 18/8, Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia cập nhật số liệu tiêm chủng trong ngày 17/8 đạt được là 247.817 liều.
Như vậy, đến nay trên toàn quốc đã tiêm được là 15.591.450 liều vaccine COVID-19. Số lượng người đăng ký tiêm được cập nhật lên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia là gần 5,2 triệu.
Riêng tại Hà Nội, trong ngày 17/8, có 72.387 liều vaccine được tiêm, tổng cộng đến nay Thành phố đã tiêm hơn 1,75 triệu mũi, trong đó 1,65 triệu người đã tiêm mũi 1, hơn 96.000 người tiêm đủ 2 mũi. Như vậy, hơn 25% dân số Hà Nội từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm 1 mũi vaccine COVID-19.
Tỷ lệ này ở TP HCM là hơn 51%, Long An 21%, Bình Dương là hơn 19%, Vĩnh Long 18%, Cần Thơ 16,05%.
Hiện cả nước có hơn 1,4 triệu người tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19. Nếu tính tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm chủng, Quảng Ninh đang có tỷ lệ cao nhất với 7%, Cao Bằng 4,25%, Lào Cai 3,86%, Bắc Ninh 3,83%, Lạng Sơn 3%, Hải Dương 2,6%.
Nhân viên y tế giới thiệu về loại vaccine COVID-19 sẽ tiêm cho người dân. Ảnh: Lê Bảo
Hiện Việt Nam đã tiếp nhận hơn 21,3 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có 12,6 triệu liều vaccine AstraZeneca, hơn 5 triệu liều vaccine Moderna, hơn 1,2 triệu liều vaccine Pfizer, 12.000 liều vaccine Sputnik-V và 2,5 triệu liều vaccine Sinopharm.
Theo Bộ Y tế, khuyến cáo của nhà sản xuất cho thấy khoảng cách giữa 2 mũi tiêm của các loại vaccine là khác nhau. Cụ thể: Vaccine AstraZeneca: từ 8 - 12 tuần; vaccine Sputnik V: 3 tuần; vaccine Pfizer: 3 tuần; vaccine của Sinopharm: 3 - 4 tuần và vaccine Moderna là 28 ngày.
Tuy nhiên, trong tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, đang có thực tế có người đã tiêm mũi 1 nhưng quá thời hạn vẫn chưa được tiêm mũi 2.
TS Đặng Thị Thanh Huyền - Phó Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) - cho hay, những khuyến cáo về mốc thời gian (khoảng cách giữa hai mũi tiêm) mà nhà sản xuất đưa ra là mốc lý tưởng nhất, trong bối cảnh dồi dào và sẵn nguồn vaccine.
"Còn trong tình trạng thiếu vaccine như hiện nay ở Việt Nam, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo không ảnh hưởng đến hiệu lực của vaccine. Người dân không phải tiêm lại từ đầu các mũi vaccine" - TS Huyền khẳng định và cho biết đến nay, chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu.
Trong bối cảnh nguồn cung vaccine COVID-19 không dồi dào, chuyên gia khuyến cáo người dân đã tiêm mũi 1 cần kiên nhẫn, chờ đến lượt được thông báo đi tiêm mũi 2. Khi được tiêm mũi 1 là bạn đã được bảo vệ ở một mức độ an toàn nhất định. Cùng đó, người dân cần tiếp tục thực hiện thông điệp 5K sau khi tiêm vaccine COVID-19 bởi khả năng lây lan bệnh cho người khác sau tiêm vaccine vẫn tồn tại.
TS Thanh Huyền thông tin, khi đã tiêm vaccine phòng COVID-19, nguy cơ khiến bệnh nặng, phải nhập viện (nếu nhiễm) giảm đi rất nhiều, lên tới 90%.